Sao Mai 2022 vừa chính thức khởi động với nhiều thay đổi từ việc tiệm cận hơi thở âm nhạc đại chúng, đến việc tận dụng tất cả các kênh mạng xã hội để lan tỏa cuộc thi...
Ra đời từ năm 1997 với tên gọi ban đầu là Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc, cuộc thi Sao Mai vẫn luôn giữ được phong độ và tạo dấu ấn riêng biệt, được đánh giá là cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát nghiêm túc, đúng nghĩa và chuyên nghiệp nhất. Hàng loạt những giọng ca nổi tiếng bước ra từ cuộc thi Sao Mai đã khẳng định chất lượng của cuộc thi này.
* 'Bệ phóng' của hàng loạt tên tuổi
Những ngôi sao sáng được phát hiện và bồi dưỡng từ Sao Mai luôn được công chúng đón nhận, ngoài ra, họ còn được bổ nhiệm vào nhiều vị trí quan trọng, như NSƯT Thanh Thúy (giải Nhất Sao Mai mùa 1) hiện là Phó giám đốc Sở Văn hóa – thể thao TP Hồ Chí Minh, trước đây chị là giọng hát chủ lực của Đoàn nghệ thuật Quân khu 7; hay như Đại tá - NSƯT Hồng Hạnh - Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Quân đội cũng từng là thí sinh đạt giải 3 cùng năm với Thanh Thúy (1997); Hoặc như Giải Nhất Sao Mai 2001 Phương Nga hiện là Phó trưởng khoa thanh nhạc - Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Tân Nhàn - Giải Nhất Sao Mai 2005 cũng đang giữ chức vụ như Phương Nga, cùng đơn vị và họ là đồng nghiệp thân thiết của nhau. Ca sỹ Quang Hào - Giải Nhì Sao Mai 2005 hiện là Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Trưng Vương - Đà Nẵng…
Bên cạnh đó, hoàng loạt giọng ca bước ra từ Sao Mai đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ, trở thành những ngôi sao hàng đầu dòng nhạc thính phòng, dân gian như Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh, Hồ Quỳnh Hương, Lê Nam Khánh, Hồng Vy, NSƯT Phạm Phương Thảo, Khánh Linh, Ngọc Khuê, Hoàng Tùng, Lê Anh Dũng, Vũ Thắng Lợi, Đào Tố Loan, Quang Hào, Nguyễn Ngọc Anh, Phương Linh, Thành Lê, Lương Nguyệt Anh, Huyền Trang, Bùi Lê Mận, Nguyễn Phương Thanh, Hoàng Hồng Ngọc, Nguyễn Thu Thủy, Đỗ Tố Hoa, Quách Mai Thy… đây là những giọng ca hàng đầu thị trường biểu diễn miền Bắc - luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà tổ chức chương trình ca nhạc và các biên tập viên show ca nhạc trên truyền hình,…
* Mở rộng độ tuổi thí sinh dự thi vì dịch Covid-19
Sao Mai năm nay đã chính thức trở lại sau 2 năm vắng bóng vì dịch bệnh. Sự thay đổi từ format chương trình đến các vấn đề khác như bài hát, độ tuổi thí sinh, sử dụng các nền tảng mạng xã hội… chứng tỏ sự cập nhật của Sao Mai.
Cuộc thi Sao Mai 2022 được khởi động từ tháng 5/2022 và việc nộp hồ sơ đã được gia hạn đến hết ngày 15/7. Năm nay, Sao Mai cũng nới rộng độ tuổi hơn, bởi vì 2 năm Covid-19 nhiều bạn thí sinh thiệt thòi chưa kịp thi đã quá tuổi (theo quy chế cũ), nên Sao Mai năm nay sẽ tuyển các thí sinh đủ 18 tuổi đến 30 tuổi (nới 2 tuổi theo quy định trước đây).
Năm nay Sao Mai vẫn tổ chức thi 3 khu vực: Miền Bắc (khoảng từ 25-30/7) tại Hà Nội, Miền Trung (khoảng từ 01-05/8) tại Quảng Ngãi và miền Nam (khoảng giữa tháng 8) tại TP Hồ Chí Minh. Thí sinh có điểm cao nhất của từng dòng nhạc ở mỗi khu vực sẽ được vào thẳng chung kết toàn quốc (9 thí sinh). Số còn lại, BTC sẽ trộn điểm số của 3 miền vào nhau rồi chọn tiếp 6 thí sinh (lấy điểm từ cao xuống thấp) bước vào vòng chung kết toàn quốc được tổ chức tại Hải Phòng.
Giám đốc âm nhạc Sao Mai 2022 cũng có sự thay đổi, nếu như những mùa trước là nhạc sỹ Dương Cầm thì năm nay, vị trí đó thuộc về một gương mặt cũng rất quen thuộc với Sao Mai – nhạc sỹ Đỗ Bảo.
- Cô gái xứ Thanh lọt top nguy hiểm bất ngờ đoạt Á quân Sao mai 2019
- Chung kết Sao mai 2019: Chiến thắng gọi tên Thùy Dương, Mai Thy, Hải Yến
- Sao mai 2019: 6 thí sinh miệt mài tập luyện cho đêm thi cuối cùng
Vòng chung kết toàn quốc Sao Mai 2022 sẽ được diễn ra tại Hải Phòng sau 12 năm. Sẽ có 6 đêm tất cả, gồm 2 đêm Gala (Gala Khai mạc và Gala Bế mạc) và 4 đêm thi. Ở mỗi đêm thi sẽ loại 3 thí sinh có số điểm thấp nhất (mỗi dòng nhạc 1 thí sinh). Đêm thi thứ 4 sẽ là đêm chung kết, trao giải.
Hệ thống giải thưởng vòng chung kết gồm: 3 giải Nhất, 3 Giải nhì, 01 giải Bình chọn trên ứng dụng VTVgo và các giải phụ.
Anh Quang. Ảnh: BTC
Tags