(Thethaovanhoa.vn) - Bắt đầu tham dự VCK Asian Cup nữ châu Á từ năm 1999 nhưng chưa bao giờ ĐT nữ Việt Nam lọt vào vòng đấu loại trực tiếp, và kể từ lúc VCK Asian Cup nữ châu Á được tính là vòng loại khu vực châu Á của World Cup nữ thì ĐT nữ Việt Nam cũng chưa bao giờ chen chân được vào nhóm có khả năng tranh chấp vé dự World Cup.
Trong lịch sử 17 lần tổ chức của VCK Asian Cup nữ châu Á, lịch sử gần như tuyệt đối nghiêng về các đội bóng Đông Bắc Á như Trung Quốc (7 lần vô địch liên tiếp), CHDCND Triều Tiên (3 lần), Đài Loan Trung Quốc (3 lần), còn 2 đại diện khác của khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ trong thời gian gần đây, đặc biệt là Nhật Bản với chức vô địch World Cup nữ 2011.
Trong khi các đội bóng Đông Bắc Á tại sân chơi châu lục của bóng đá nữ vẫn là một thế lực sừng sững thì cơ hội tranh chấp huy chương cho những ĐTQG nằm ngoài khu vực này càng trở nên khó khăn hơn nữa với sự xuất hiện của Australia, nhà vô địch Asian Cup nữ 2010.
Tuy nhiên, như tất cả đã biết, do CHDCND Triều Tiên bị FIFA cấm tham dự VCK Asian Cup nữ vì một số cầu thủ của ĐTQG này bị phát hiện sử dụng doping ở World Cup nữ năm 2011, nên cơ hội đoạt chiếc vé cuối cùng tham dự ngày hội bóng đá nữ lớn nhất thế giới đã được mở rộng cho các đội bóng nằm ngoài khu vực Đông Bắc Á.
Theo quy định của FIFA, 4 đội bóng giành quyền vào bán kết VCK Asian Cup nữ 2014 sẽ đoạt vé trực tiếp tham dự World Cup nữ 2015 diễn ra tại Canada, còn chiếc vé thứ 5 sẽ được trao cho đội thắng trong cặp đấu play-off giữa 2 đội đứng thứ 3 trong bảng.
Như vậy, 4 đội bóng được xếp là cửa trên ở 2 bảng là Nhật Bản, Australia (bảng A) và Hàn Quốc, Trung Quốc (bảng B) được coi như đã nắm chắc 4 vé vào thẳng, và chiếc vé cuối cùng sẽ là cuộc cạnh tranh giữa Việt Nam, Jordan (bảng A) và Thái Lan, Myanmar (bảng B).
Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng mặc dù Jordan đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong thời gian vừa qua, nhưng thực chất cuộc chiến tranh giành chiếc vé thứ 5 dự World Cup nữ 2015 tại Canada gần như là chuyện nội bộ của Việt Nam, Thái Lan và Myanmar, 3 đội bóng hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Ở SEA Games 27 vừa qua, ĐT Thái Lan đã lần lượt vượt qua ĐT Myanmar và ĐT Việt Nam để bước lên bục cao nhất, nhưng điều đó không có nghĩa rằng ĐT Thái Lan hiện là đội bóng mạnh nhất Đông Nam Á.
Thắng lợi mà ĐT Thái Lan có được trước 2 kỳ phùng địch thủ Đông Nam Á ở SEA Games 27 chỉ trong gang tấc cách biệt, và ở giải lần này, ĐT Việt Nam lại có lợi thế sân nhà.
Cách đây 6 năm, khi VCK Asian Cup nữ lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM vào năm 2008, lợi thế chủ nhà đã giúp ĐT Việt Nam vượt qua ĐT Thái Lan với tỷ số 1-0, và các CĐV đang kỳ vọng một lần nữa sân nhà sẽ là bệ phóng để nâng cao sức mạnh cho thầy trò HLV Trần Vân Phát.
Nếu không có sự vắng mặt vì án kỷ luật từ FIFA của CHDCND Triều Tiên, cả Việt Nam, Thái Lan hay Myanmar đều không có cơ hội tranh chấp vé tham dự World Cup nữ với các đại diện bóng đá Đông Bắc Á và Australia, nhưng bây giờ thì cơ hội lịch sử đang mở rộng cho 3 đội bóng hàng đầu Đông Nam Á, trong đó ưu thế lớn nhất thuộc về Việt Nam, vì chúng ta được thi đấu trên sân nhà.
Không cần nói cũng biết Thái Lan hay Myanmar đều nung nấu quyết tâm không kém so với Việt Nam, nhưng khi khoảng cách về chuyên môn giữa các đội bóng Đông Nam Á chỉ là rất nhỏ thì những yếu tố phi chuyên môn như sân nhà có khi lại giúp chúng ta làm nên sự khác biệt.
Thế nhưng, cũng không quên bài học rằng lợi thế sân nhà chỉ là điều kiện đủ chứ không phải điều kiện cần, và muốn hoàn thành giấc mơ lịch sử, ĐT Việt Nam cần phải đạt được điều kiện đủ là thi đấu thật tốt để giành được vị trí thứ 3 ở bảng đấu của mình, và sau đó đánh bại đội bóng đứng thứ 3 ở bảng B nhằm lấy được chiếc vé thứ 5 tới Canada tham dự World Cup nữ 2015.
Thành tích đối đầu của Việt Nam với các đội bóng cùng bảng A Việt Nam – Jordan 15/9/2013 Jordan – Việt Nam 0-4 18/5/2013 Jordan – Việt Nam 0-2 16/5/2013 Jordan – Việt Nam 1-5 28/4/2013 Jordan – Việt Nam 0-1 26/4/2013 Jordan – Việt Nam 1-1 18/11/2010 Jordan – Việt Nam 0-3 Việt Nam – Australia 19/5/2010 Australia – Việt Nam 2-0 Việt Nam – Nhật Bản 19/7/2006 Nhật Bản – Việt Nam 5-0 12/12//2001 Nhật Bản – Việt Nam 3-1 Thành tích ĐT nữ Việt Nam tại các kỳ Asian Cup trước đây Asian Cup 2010 (diễn ra ở Chengdu, Trung Quốc) Bảng B Việt Nam – Australia 0-2 Việt Nam – Trung Quốc 0-5 Việt Nam – Hàn Quốc 0-5 Xếp hạng bảng B
Asian Cup 2008 (diễn ra tại TP.HCM, Việt Nam) Bảng A Việt Nam – Trung Quốc 0-1 Việt Nam – CHDCND Triều Tiên 0-3 Việt Nam – Thái Lan 1-0 Xếp hạng bảng A
Asian Cup 2006 (diễn ra tại Adelaide, Australia) Bảng A Việt Nam – Nhật Bản 0-5 Việt Nam – Trung Quốc 0-2 Việt Nam – Đài Loan Trung Quốc 1-0 Xếp hạng bảng A
Asian Cup 2003 (diễn ra tại Thái Lan) Bảng C Việt Nam – Trung Quốc 0-6 Việt Nam – Uzbekistan 4-2 Việt Nam - Ấn Độ 2-1 Xếp hạng bảng C
Asian Cup 2001 (diễn ra tại Đài Loan Trung Quốc) Bảng B Việt Nam – Guam 2-0 CHDCND Triều Tiên – Việt Nam 4-0 Việt Nam – Singapore 8-0 Việt Nam – Nhật Bản 1-3 Xếp hạng bảng B
Asian Cup 1999 (diễn ra tại Philippines) Bảng A Việt Nam – CHDCND Triều Tiên 1-12 Việt Nam – Đài Loan Trung Quốc 1-4 Việt Nam - Ấn Độ 3-0 Việt Nam – Malaysia 4-0 Xếp hạng bảng A
|
Hoàng Huy