Những điều thú vị về ngày Black Friday

Thứ Sáu, 29/11/2019 11:21 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hàng năm, cứ đến ngày Black Friday, các tín đồ mua sắm lại chen chân cố gắng kiếm cho mình những món đồ với giá hời khi các nhãn hàng đồng loạt giảm giá. Vậy bạn có bao giờ thắc mắc về lịch sử thú vị đằng sau ngày “Thứ Sáu đen tối” này không? Tại sao một trong những ngày xả hàng lớn nhất trong năm với những ưu đãi giảm giá sốc kịch liệt lại được đặt kèm theo từ “đen tối”?   

Thư gửi robot Citizen: Ngày nào cũng như... Black Friday!

Thư gửi robot Citizen: Ngày nào cũng như... Black Friday!

Sophia thân mến! Lá thư này gửi cô đúng vào Ngày Thứ Sáu Đen - Black Friday, ngày vàng mua sắm của người dân Mỹ vốn đã trở thành ngày hội bán mua của cả thế giới.

Nguồn gốc của ngày Black Friday   

Black Friday, hay còn gọi là ngày "Thứ Sáu đen tối" được ấn định vào ngày thứ Sáu đầu tiên ngay sau ngày Lễ Tạ Ơn (một ngày lễ hàng năm được tổ chức chủ yếu tại Mỹ và Canada). Ngày Lễ Tạ Ơn rơi vào ngày thứ Năm của tuần thứ 4 trong tháng 11 ở Mỹ. Vì vậy ngày Lễ Tạ Ơn năm nay là ngày thứ Năm (28-11) và ngày Black Friday là thứ Sáu (29-11).   

Có hai nguồn gốc được cho là hình thành nên ngày Black Friday hay ngày "Thứ Sáu đen tối" hiện nay.   

Nguồn gốc thứ nhất là, xuất phát từ xa xưa, để phân biệt và thuận tiện khi theo dõi sổ sách, những người kế toán ở Mỹ thường sẽ ghi số lợi nhuận bằng mực màu đen, số lỗ bằng mực màu đỏ. Bởi vậy rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ đều hy vọng sẽ được đánh dấu bằng mực đen vào ngày mua sắm lớn nhất trong năm. Người ta đặt tên ngày mua sắm lớn nhất trong năm là Black Friday, ngụ ý rằng đây là ngày ăn nên làm ra của các doanh nghiệp.   

Chú thích ảnh
Cửa hàng treo biển giảm giá trong dịp Black Friday tại Brussels, Bỉ, ngày 27/11/2019. Ảnh: THX/ TTXVN

Nguồn gốc thứ hai là, từ “Black Friday” đã được cảnh sát địa phương ở Philadelphia, Mỹ, sử dụng hồi năm 1965 như một thuật ngữ để ám chỉ lượng người khổng lồ từ các địa phương tràn vào thành phố để mua sắm sau ngày lễ Tạ ơn, tạo nên một cuộc hỗn loạn không thể kiểm soát. Đó là chưa kể lượng khách du lịch tăng đột biến, kẻ cắp và trộm túi hoành hành khiến các cảnh sát phải tăng ca và không được nghỉ ngơi.   

Tuy nhiên cũng có nhiều lý giải khác nữa cho nguồn gốc của ngày Black Friday. Có người lại cho rằng, nguồn gốc của thuật ngữ “Black Friday” xuất phát từ hồi thế kỷ XIX, được dùng để chỉ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ khi đó. Lần đầu tiên thuật ngữ ngày được dùng là vào 24-9-1869, khi hai nhà đầu cơ là Jay Gould và James Fisk cố gắng lũng đoạn thị trường vàng, dẫn tới sự can thiệp của chính phủ vào thị trường chứng khoán New York. Rất nhiều nhà đầu tư nhanh chóng mất một khoản tiền lớn và họ gọi đó là một “ngày thứ 6 đen tối”.   

Còn theo nhật báo USA Today, ngày Black Friday bắt đầu được nhắc tới nhiều vào năm 1939, khi Franklin D. Roosevelt-Tổng thống thứ 32 của Mỹ-đứng trước sức ép phải chuyển Lễ Tạ Ơn từ ngày thứ Năm cuối cùng lên thành thứ Năm lần thứ 4 trong tháng 11, với mục đích kéo dài mùa mua sắm Giáng sinh. Năm 1941, sự thay đổi ngày Lễ Tạ Ơn này đã chính thức được công nhận. "Khi mùa mua sắm kéo dài, người ta sẽ chi tiêu nhiều hơn, và nền kinh tế đang khủng hoảng lúc bấy giờ sẽ nhận được một sự thúc đẩy cần thiết" - đây chính là ý tưởng hình thành nên sự ra đời của Black Friday.   

Ngoài ra, ngày Thứ Sáu đen tối còn được coi là ngày mở màn cho mùa mua sắm Giáng sinh (Noel) hay các mùa khuyến mãi tiếp theo như: Cyber Monday, Cyber Week.   

Chính vì thế, vào ngày Black Friday ở Mỹ người ta thường chứng kiến những cảnh người dân xếp hàng dài tại các siêu thị, cửa hàng để mua hàng với giá siêu rẻ. Sức mua trong những ngày này có thể bằng vài tháng trước đó cộng lại. Đây chính là đòn bẩy kinh tế mạnh vào dịp cuối năm.  

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm trong dịp Black Friday tại Brussels, Bỉ, ngày 27/11/2019. Ảnh: THX/ TTXVN

"Phát cuồng” vì mua sắm   

Có thể nói, Black Friday là một ngày có thể biến những người trầm tính và bình tĩnh nhất thành những tín đồ mua sắm điên cuồng. Cứ đến Black Friday, rất nhiều các trang báo đưa tin về lượng người khổng lồ sẵn sàng cắm trại qua đêm ở các trung tâm mua sắm lớn ở Mỹ chỉ để mua về cho mình những món đồ với giá hời khi họ sẽ là những người đầu tiên vào cửa hàng sớm nhất.   

Theo các chuyên gia phân tích, không khó để lí giải vì sao người ta lại "phát cuồng" vì Black Friday đến vậy. Vào ngày Black Friday, phần lớn các cơ sở bán lẻ lớn đều mở cửa từ khoảng 4 giờ sáng hay sớm hơn, với hàng chục ngàn mặt hàng giảm giá cực lớn. Mức giảm giá phổ biến từ 10-30%, hay thậm chí 60% để bán được nhiều hàng hóa.   

Một số cửa hàng còn đưa ra chiêu thức giảm sâu đến 80-90% cho một số khách hàng đến sớm hoặc đối với các mặt hàng thông thường như điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, nội thất, thời trang... Nhiều chủ doanh nghiệp thậm chí cho phép nhân viên nghỉ làm như đối với một ngày lễ để đi mua sắm.   

Chính vì lý do này mà vào ngày Black Friday, bất kể là năm nào, người ta cũng ghi nhận hàng trăm người chen lấn, lao vào nhau tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ để giành giật những món đồ giảm giá mạnh.   

Vì vậy, đây là ngày duy nhất trong năm ghi nhận có thể biến cả những người mua hàng trầm tính nhất, hiền lành nhất cũng có thể biến thành một "tín đồ" hung dữ, sẵn sàng tranh cướp những món đồ mà mình muốn sở hữu.   

Ngày nay, ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm có nguồn gốc từ Mỹ này đã lan rộng ra các nước khắp thế giới như Anh, Canada, Mexico, Brazil, Ấn Độ, Pháp, Na Uy, Tây Ban Nha…   

Tại Việt Nam, trong vài năm gần đây ngày Black Friday cũng đã du nhập vào Việt Nam và được người Việt hưởng ứng nhiệt tình. Vào ngày này, bạn sẽ thấy ở các cửa hàng hay các trung tâm thương mại lớn đều có giảm giá từ 1-50% các mặt hàng.

An Ngọc/TTXVN (tổng hợp)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›