Hai dự án du lịch được cơ quan quản lý di sản vịnh Hạ Long đánh giá là đầu tư bài bản, công phu song đến nay lại gặp khó, phải “đắp chiếu” vì những sai sót phần lớn từ các cơ quan quản lý nhà nước. Vừa trải qua 2 mùa dịch COVID-19, trong khi tiền đầu tư vào các dự án này đã lên tới 150 tỷ đồng (tương đương khoảng 6 triệu USD), các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Quảng Ninh thực sự gặp nhiều khó khăn cần các cơ quan quản lý nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ.
Bài bản trong đầu tư
Đó là hai dự án Điểm dừng chân, tham quan du lịch kết hợp mua bán hải sản, giới thiệu sản phẩm trên vịnh Hạ Long tại vụng Cặp Táo (gọi tắt là dự án điểm dừng chân, tham quan du lịch ở vụng Cặp Táo) và dự án Khu bảo tồn động thực vật trên đảo Soi Sim thuộc vùng lõi vịnh Hạ Long.
Ông Bùi Đức Long, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ giới đường bộ Đại Yên (gọi tắt là Công ty cổ phần Đại Yên), chủ đầu tư dự án Điểm dừng chân, tham quan du lịch ở vụng Cặp Táo cho biết: Bộ hồ sơ pháp lý dự án của công ty từ năm 2015 trở lại đây với gần 30 các quyết định, công văn chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, của chính quyền 2 cấp UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND thành phố Hạ Long và nhiều sở, ngành của Quảng Ninh. Vậy mà đến nay, dự án rơi vào cảnh triển khai không được, dừng cũng không xong chỉ vì những thiếu sót từ phía các cơ quan quản lý nhà nước được chỉ ra trong Kết luận của Thanh tra tỉnh.
Tháng 9/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý cho Công ty cổ phần Đại Yên nghiên cứu vị trí, ý tưởng quy hoạch, dự án đầu tư điểm dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, mua sắm.
Tháng 6/2016, UBND tỉnh quyết định bổ sung Quy hoạch chi tiết Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020 có bổ sung điểm dừng nghỉ, dịch vụ, tham quan du lịch kết hợp mua bán hải sản, giới thiệu sản phẩm trên vịnh Hạ Long. Căn cứ vào đó, tháng 10/2016, UBND thành phố Hạ Long ra quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 điểm dừng chân, dịch vụ, tham quan kết hợp mua bán hải sản, giới thiệu sản phẩm tại vụng Cặp Táo trên vịnh Hạ Long.
Tháng 11/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định 3990/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cho Công ty cổ phần Đại Yên với quy mô sử dụng mặt nước 20.000 m2 tại vụng Cặp Táo với công suất đón 800 khách/ngày.
Tháng 10/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn số 4921 gửi UBND tỉnh Quảng Ninh thống nhất với đề nghị thỏa thuận dự án trên và đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai thí điểm hoạt động dự án này trong 1 năm, sau thời gian thí điểm cần tiến hành kiểm tra, đánh giá, tổng kết về hiệu quả, tác động của dự án, nhất là tác động tới môi trường vịnh Hạ Long để làm cơ sở đề xuất về việc tiếp tục triển khai dự án.
Tháng 7/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Quyết định 1776/QĐ-BTNMT về việc giao 2 ha biển để làm thí điểm thực hiện dự án đầu tư điểm dừng chân, tham quan du lịch tại vụng Cặp Táo cho Công ty cổ phần Đại Yên.
Sau này dự án có một số điều chỉnh đều được chính quyền địa phương thực hiện đúng thủ tục theo quy định của pháp luật. Chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ các bước thực hiện dự án như đánh giá tác động môi trường, được cấp giấy chứng nhận về phòng cháy chữa cháy.
Tương tự, từ năm 2016, dự án đầu tư xây dựng Khu bảo tồn động thực vật trên vịnh Hạ Long tại đảo Soi Sim được UBND tỉnh chuyển giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Soi Sim thực hiện. Kể từ khi tiếp nhận dự án, phía Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Soi Sim lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hạ tầng và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng thuận với việc cải tạo 2 tuyến đường trên đảo, xây dựng mới 5 tuyến đường trên đảo cùng với hệ thống thoát nước, xử lý vệ sinh môi trường…
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Soi Sim khẳng định triển khai dự án, công ty hoàn toàn không tác động đến núi, không xẻ núi, không san gạt mặt bằng.
Từ năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ cải tạo và hoàn thiện bãi tắm ở đảo Soi Sim sớm đưa vào hoạt động nhằm giảm tải cho các bãi tắm Titop ở gần đó.
Gian nan trong thực hiện
Cả hai dự án nhiều triệu đô la Mỹ thực sự bắt đầu gặp khó khăn khi dịch COVID-19 ập đến kèm theo những kết luận Thanh tra tỉnh về việc chấp hành chính sách pháp luật trong thực hiện đầu tư xây dựng. Đáng nói, các thiếu sót của dự án được Thanh tra tỉnh đưa ra phần lớn lại thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với dự án điểm dừng chân, tham quan ở vụng Cặp Táo, ngày 5/11/2020, Thanh tra tỉnh cho rằng, thời gian hoạt động thí điểm của dự án là 1 năm kể từ khi có Quyết định giao vùng biển, bao gồm cả giai đoạn đầu tư dự án. Tuy nhiên, đến nay (11/2020) đã hết thời hạn thử nghiệm nhưng dự án chưa được đánh giá về hiệu quả, tác động của dự án, nhất là tác động về môi trường.
Đồng thuận với lý giải của chủ đầu tư dự án, Thanh tra tỉnh cho rằng nguyên nhân chưa thể đánh giá được dự án là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, không có khách đến tham quan nên Công ty cổ phần Đại Yên phải tạm dừng hoạt động nên chưa có cơ sở để đánh giá về hiệu quả, tác động của dự án, nhất là tác động về môi trường vịnh Hạ Long.
Ông Bùi Đức Long, Giám đốc Công ty cổ phần Đại Yên cho biết, dù được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép hoạt động thí điểm vào năm 2020 và gia hạn tiếp thêm trong năm 2021, song cả 2 năm đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên ngành du lịch cả nước gần như bị đóng băng, doanh nghiệp không có khách nên không thể thực hiện việc đánh giá theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Ông Long đề nghị, các bộ và chính quyền địa phương cho phép bảo lưu các quyết định cho phép hoạt động thí điểm để doanh nghiệp có đủ cơ sở dữ liệu đánh giá hiệu quả và giá tác động của dự án. Nếu cứ “cứng nhắc” không gia hạn thì doanh nghiệp không thể hoạt động, không đủ dữ liệu đánh giá thì dự án sẽ bị đóng băng, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư khi đã đầu tư gần 50 tỷ đồng.
Đối với dự án khu bảo tồn động thực vật trên vịnh Hạ Long tại đảo Soi Sim, tại Kết luận thanh tra số 29 ngày 6/11/2020 của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh chỉ ra dự án này còn thiếu các quyết định giao đất, giao rừng, giao rừng theo quy định tại Điều 16, Luật Lâm nghiệp năm 2017. Do vậy, Ban Quản lý vịnh Hạ Long không đủ cơ sở để ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng trên đảo cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Soi Sim.
Đồng thời, Thanh tra tỉnh cũng chỉ ra sai sót của cơ quan chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án bởi theo Luật Di sản văn hóa thì không có quy định về đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách tại các khu vực sử dụng đất, sử dụng rừng đặc dụng là rừng tự nhiên trong vùng lõi di sản…
Chủ đầu tư dự án cho biết từ năm 2019, đơn vị dừng các hoạt động đầu tư, thi công dự án, khi số tiền đầu tư vào dự án đến thời điểm đó đã đến hơn 100 tỷ đồng do một số hạng mục điều chỉnh để thân thiện với môi trường, phù hợp với quy định.
Dù vẫn có trong danh sách trong tuyến khai thác du lịch (tuyến 2), song kể từ khi doanh nghiệp phải dừng đầu tư xây dựng thì các tàu du lịch cũng không được phép cập bến đảo Soi Sim cho du khách lên tham quan, tắm biển.
Phó Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long Phạm Đình Huỳnh đánh giá cao cả hai dự án trên được đầu tư bài bản, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; việc đầu tư tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
- Hà Nội rà soát, xử lý 700 dự án 'treo'
- Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội
- Thanh Hóa quyết thu hồi đất đối với dự án chậm tiến độ
Hiện Ban Quản lý vịnh Hạ Long đang đẩy nhanh tiến độ điều tra rừng, chủ động kiến nghị các Sở giao đất, giao rừng cho Ban để ký hợp đồng với chủ đầu tư dự án.
Cả hai dự án triệu USD đã chậm tiến độ từ 2 - 4 năm, hoặc phải dừng đầu tư, hoặc phải dừng hoạt động. Nhiều hạng mục của dự án chưa khai thác những đã bắt đầu xuống cấp, nguy cơ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp đầu tư.
Các chủ đầu tư trông chờ chính quyền, các sở ngành địa phương nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, để giúp các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ sớm hồi phục và phát triển hoạt động kinh doanh sau 2 mùa dịch COVID-19 đầy gian khó.
Văn Đức/TTXVN
Tags