Những 'gánh hát lẻ' rất dễ thương của Sài Gòn phương Nam

Thứ Ba, 20/10/2020 18:45 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sân khấu TP.HCM không chỉ tưng bừng với những đơn vị có điểm diễn ổn định, rộng rãi mà còn có những nhóm kịch nhỏ len lỏi vào các quán cà phê, tạo thành một bộ mặt văn hóa hết sức dễ thương. Xin tạm gọi đó là những “gánh hát lẻ” vì nó gợi nhớ một không gian xa xưa của vùng đất phương Nam này.

Diễn viên Quốc Thịnh: 'Nếu ai cũng bỏ sân khấu để đi làm việc khác thì...'

Diễn viên Quốc Thịnh: 'Nếu ai cũng bỏ sân khấu để đi làm việc khác thì...'

Hạnh phúc vốn là một khái niệm rộng, với nhiều định nghĩa khác nhau. Với diễn viên Quốc Thịnh, niềm hạnh phúc lớn nhất là được diễn trên sân khấu. Mặc dù tên tuổi không tỏa sáng tương xứng với tài năng, nhưng được truyền đi thông điệp nghệ thuật đẹp đẽ đến công chúng cũng đủ làm anh mãn nguyện.

1. Có lẽ phải dùng từ “Sài Gòn” đi với từ “gánh hát” thì mới phù hợp. Bởi khi kết lại nó tạo nên một ấn tượng về thuở Sài Gòn còn bôn ba những đoàn hát rày đây mai đó, lấy bốn phương làm nhà, đầy chất giang hồ lãng tử.

Đạo diễn Minh Phi ngay từ đầu đã chọn hẳn tên cho nhóm kịch của mình là “Gánh hát Từ Tâm”. Anh nói: “Mình đâu đủ lực để gọi là đoàn hay nhóm, cứ gọi là gánh hát cho dễ thông cảm. Khi anh thành lập, Gánh hát Từ Tâm đã thuê một căn nhà ở Phú Nhuận làm quán cà phê lấy tên là Café Saigon, Saigon! với thiết kế rất đẹp theo kiểu xưa gợi bao cảm xúc khi bước chân vào.

Phi kể, khi anh có dịp tiếp xúc với các bạn khiếm thị, thấy họ kém may mắn nhưng lại rất nỗ lực vươn lên, giàu nghị lực sống, và có nhiều năng khiếu văn nghệ, thế là anh bán luôn miếng đất định xây nhà ở, gom họ về, mời thêm bạn bè nghệ sĩ khác, thành lập gánh hát. Ngoài việc tự phân công nhau quản lý quán cà phê, học nghề pha chế, phục vụ, thì các diễn viên còn tập tuồng, biểu diễn mỗi tuần vài buổi. Trong chương trình diễn kịch, có kết hợp các màn ca hát của những bạn khiếm thị, giúp các bạn vui sống, lạc quan hơn. Nhiều vở kịch dài như vở Em lên Sài Gòn đã làm khán giả xúc động đến rơi nước mắt.

Chú thích ảnh
Vở nhạc kịch “Vũ nữ” của Buffalo làm khán giả rơi nước mắt vì tình mẫu tử. Ảnh: H.K

Nhưng nói đến kịch cà phê thì có lẽ Bệt là một trong những điểm diễn tiên phong, thành lập từ năm 2008. Cô chủ tên Thiên Kim xinh đẹp, vốn theo Đông phương học và mê kịch, không bỏ sót một vở nào. Khi Thiên Kim định mở quán cà phê, cô chợt nghĩ: “Tại sao mình không đem kịch về đây để coi cho đã?”. Thế là cô đi thuê mặt bằng đủ làm luôn sân khấu có gần 100 chỗ ngồi. Đúng là không gian của cà phê Bệt rất dễ thương, nhiều đêm không đủ chỗ, khán giả cứ chen thêm ghế mà ngồi vẫn vui. Kịch mục nhiều vô cùng, diễn mỗi tuần mấy suất, nào hài như Ăn khế trả vàng, nào chính kịch như Rồi 30 năm sau, Chị Dậu… Mới 23 tuổi, Thiên Kim đã lao vào sân khấu như một nghiệp dĩ chứ không phải người ngoại đạo.

Sau Bệt thì nhóm kịch Đời của diễn viên Hồng Trang thành lập từ 2010 thuộc loại có tiếng tăm. Dù diễn trong các quán cà phê nhưng kịch mục hầu hết là chính kịch như Thời con gái đã xa, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt. 10 năm, Hồng Trang có hơn 60 vở ngắn dài, quả là đáng nể. Cô là diễn viên của sân khấu Thế Giới Trẻ nhưng hình như nơi đó chưa khai thác hết năng lực của cô, cho nên cô cùng bạn bè gom về để làm nghề cho thỏa. Hồng Trang thường đảm nhiệm vai chính trong các vở chính kịch, và hoàn toàn chinh phục người xem. Cô nói: “Nhờ đi diễn kịch cà phê mà tôi và những diễn viên mới ra trường trong nhóm có điều kiện rèn nghề với những vai khó, nhân vật phức tạp”.

Chú thích ảnh
Vở chính kịch Rồi 30 năm sau của Cà phê Bệt. Ảnh: H.K

Hai “ông bầu” gánh hát cũng trẻ và máu liều là diễn viên Hoàng Quân và đạo diễn Khắc Duy đã thành lập nhóm Buffalo năm 2013 và ra mắt vở Chicago khiến dư luận dậy sóng bởi khen chê. Sau đó là hàng loạt vở hoành tráng như High Shool, Vũ nữ, Tuyết đỏ, Tấm Cám, Thủy Tinh-Đứa con thứ 101… diễn tại Nhà hát Bến Thành hoặc sân khấu 5B đã khiến Buffalo có đẳng cấp thực sự. Chuyên trị nhạc kịch, Buffalo có nét riêng đặc sắc không pha lẫn vào đâu, và có thể gọi là một “hiện tượng” của làng sân khấu. Dù chưa được khán giả đón nhận hoàn toàn nhưng Buffalo vẫn làm mới cho sân khấu vốn phẳng lặng, gây được dấu ấn khó quên trong lòng người xem.

Và một nhóm kịch non trẻ là X-Pro mới thành lập năm 2016 do diễn viên Hữu Tín làm trưởng nhóm cũng gây ấn tượng mạnh. Sau khi đoạt Quán quân Cười Xuyên Việt 2015, Hữu Tín dám thuê mặt bằng tại quận 1 để mở quán cà phê I-Koi, chủ trương hài kịch. Nhóm toàn nam diễn viên, không tuyển được cô gái nào thế là các bạn nam phải đảm nhận luôn các vai nữ.

Chú thích ảnh
Vở chính kịch Thời con gái đã xa của nhóm Kịch Đời. Ảnh: H.K

2. Nhìn chung, các gánh hát lẻ này dù quy mô nhỏ hay lớn thì đều tập trung các diễn viên chuyên nghiệp chứ không hề nghiệp dư. Và vở nào cũng được dàn dựng, tập luyện tới nơi tới chốn. Có nhiều diễn viên trẻ trưởng thành từ các nhóm này, tiến bộ hẳn lên. Điểm đáng quý ở đây là dẫu có lỗ thì các “ông bà bầu” vẫn trả cát sê tử tế, chấp nhận thiệt thòi về phía mình chứ không để diễn viên thiệt thòi.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Minh Phi (bìa phải) làm phim Đêm dài như biển về người khiếm thị sau khi ngưng diễn kịch trong quán cà phê. Ảnh: H.K

Thực tế thì hiện nay chỉ còn nhóm kịch Đời của Hồng Trang còn hoạt động thường xuyên, chứ các gánh hát kia đã tạm ngưng. Cà phê Bệt đổi chỗ mấy lần vì tiền thuê mặt bằng tăng quá cao, thế là cô chủ Thiên Kim không còn đủ sức bù lỗ nữa, ngưng hẳn. Gánh hát Từ Tâm cũng trả mặt bằng, đạo diễn Minh Phi dẫn ê kíp quay sang làm phim, nhưng vẫn giữ nguyên “thương hiệu” Gánh hát Từ Tâm cho các dự án phim, bởi anh gửi gắm trong đó biết bao là tâm ý, và hẹn có dịp sẽ quay lại cùng kịch. Nhóm X-Pro cũng trả mặt bằng vì tiền thuê cao, và các bạn trẻ đã có nơi diễn ổn định như sân khấu Hồng Vân, chỉ tụ họp lại khi nào có ai kêu show. Buffalo thì 2 ông bầu trẻ cạn vốn, chưa dựng vở mới, nhưng hễ làm là chỉ muốn làm lớn để diễn tại sân khấu chuyên nghiệp mà thôi.

Đạo diễn Khắc Duy tâm sự: “Tụi tôi làm nhạc kịch mà, lại nhảy múa rất nhiều, phải có sân khấu đàng hoàng mới diễn được. Bởi vậy rất tốn kém, đành phải chờ thôi chứ biết sao. Nhưng giấc mơ nhạc kịch không bao giờ tắt”.

Hoàng Kim

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›