Những giả thiết thú vị về giếng Thiên Quang

Thứ Ba, 19/03/2024 07:33 GMT+7

Google News

Từ những khai quật khảo cổ học trong thế kỷ 20 và các tư liệu về giếng Thiên Quang, (nằm phía trước Khuê Văn Các trong di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội), TS Trần Hậu Yên Thế đã đặt ra những giả thiết khá thú vị khi soi chiếu kiến trúc này với các giếng hoặc ao chứa nướctrong văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ.

Đây là nội dung được bàn luận trong tọa đàm Tính đa dạng trong của truyền thống - Nhìn từ giếng Thiên Quang - Văn Miếu Quốc Tử Giám, tổ chức vừa qua tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Độc đáo giếng Thiên Quang

Trong tọa đàm, theo trình bày của TS Trần Hậu Yên Thế (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội), Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) có nhiều điểm tương đồng so với các văn miếu tại Trung Quốc về cấu trúc, khi cùng xây dựng các hạng mục trên cùng một trục trung tâm. Điều này chứng tỏ, khi xây dựng toàn bộ công trình Văn Miếu, chúng ta đã có sự học hỏi từ hình mẫu Trung Hoa.

Đáng nói, hạng mục giếng hay ao chứa nước trong văn miếu tại Trung Quốc lại không xuất hiện phổ biến. Trong khi đó, ở Văn Miếu (Hà Nội) lại xuất hiện một giếng chứa nước với diện tích tương đối lớn, được gọi là giếng Thiên Quang. Đặc biệt, giếng Thiên Quang nhìn từ ngoài vào cũng có thể nhận thấy có hình vuông. Trong khi đó, các công trình chứa nước ở Trung Hoa thường được xây thành hình tròn, bán nguyệt, hay uốn lượn.

Những giả thiết thú vị về giếng Thiên Quang - Ảnh 1.

Giếng Thiên Quang ở đằng trước Khuê Văn Các trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh tư liệu

Theo tìm hiểu của ông Thế, trong khu vực Khổng Miếu tại thành phố Khúc Phụ (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc - nơi sinh của Khổng Tử) không có cái giếng nào, nhưng lại có một cái bể chứa nước. Ở giữa bể nước, có bức tường ngăn khiến nam, nữ không thể nhìn thấy mặt nhau, tránh những cử chỉ thân mật. Khi sử dụng, lực lượng phu là trai tráng đổ nước vào một bên, nước sẽ chảy sang bên kia để những cô gái múc nước. Như vậy, bể chứa nước này đã phản ánh quan niệm "Nam nữ thụ thụ bất thân" trong Nho giáo.

Cùng với đó, tại một số di tích văn miếu ở cấp địa phương có các hạng mục công trình chứa nước gọi là "phán trì". "Phán" có nghĩa là trường học cổ xưa, còn "trì" là ao nước. Thế nhưng, ao thường có hình bán nguyệt. Cũng có khi đó chỉ là một cái giếng nhỏ, chỉ vừa thả một chiếc gàu xuống múc nước.

Những giả thiết thú vị về giếng Thiên Quang - Ảnh 2.

Phán trì tại di tích Học cung Triệu Khánh phủ ở thị xã Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

Riêng về giếng nước có tên Thiên Quang, TS Trần Hậu Yên Thế chưa ghi nhận bất kỳ công trình tương tự nào như vậy ở Trung Quốc. Thậm chí, ngay cả ở Việt Nam, sau khi nghiên cứu hơn 80 tấm văn bia ở di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ông Thế cũng chưa tìm được lời lý giải thỏa đáng cho tên gọi và sự xuất hiện của công trình này. Như nhận định ban đầu của chuyện gia này, rất có khả năng giếng Thiên Quang là một hạng mục hiếm hoi trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám không có sự tiếp thu sâu sắc ảnh hưởng từ kiến trúc Văn Miếu ở Trung Hoa.

Mối liên hệ với giếng baori của Ấn Độ?

Khá thú vị, sau nhận định này, cách lý giải của nhà nghiên cứu Louis Bezacier trong cuốn Tiểu luận về Nghệ thuật An Nam đã gợi mở cho ông Thế một hướng tiếp cận mới về giếng Thiên Quang, đó là soi chiếu với văn hóa Ấn Độ.

Cụ thể, trong công trình nghiên cứu của mình, vị học giả người Pháp này khi so sánh với công trình chứa nước có tên baori ở Ấn Độ đã nhắc tới một chiếc giếng "chứa ánh sáng từ trên trời" ở Hà Nội - mà đã được định danh là giếng Thiên Quang ở Văn Miếu.

Tại Ấn Độ, những công trình baori (hay có cách gọi khác là vavs) có nhiều bậc thang dẫn xuống dưới mặt nước, tạo thành hình dạng giống với kim tự tháp úp ngược. Kiến trúc này phát triển từ thế kỷ 7 đến 19 ở miền Tây Ấn Độ, nơi có khí hậu quanh năm đặc biệt khô hạn. Theo TS Trần Hậu Yên Thế, người Trung Hoa tuy dành cho giếng những ý nghĩa biểu tượng thâm sâu, nhưng lại không biến nó thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo với quy mô khổng lồ như trong văn hóa Ấn Độ.

Những giả thiết thú vị về giếng Thiên Quang - Ảnh 3.

Giếng nước có dạng bậc thang dẫn xuống tên Chand tại Ấn Độ

Theo nhận định của PGS-TS Đinh Hồng Hải, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), công trình baori của Ấn Độ thường được ghi nhận có độ sâu tới hàng chục mét, vượt xa tư duy giếng chỉ là nơi để múc nước. Với quy mô lớn như vậy, baori đích thịlà một không gian sinh hoạt mang tính chất cộng đồng, đặc biệt là nơi thờ phụng vị nữ thần bảo hộ cho nguồn nước.

Còn riêng về kiến trúc của giếng Thiên Quang, TS Trần Hậu Yên Thế lại trích dẫn một phát hiện khảo cổ học rất độc đáo từ những năm 1960 của GS-TS Trần Lâm Biền. Theo đó, giếng Thiên Quang là dạng thức kiến trúc xây bằng gạch, có 9 bậc đi sâu xuống, thay vì chỉ đơn giản là có dạng hình vuông như ta thấy trên bề mặt. Điều này cho thấy dấu vết về một không gian sinh hoạt của một lượng không nhỏ cư dân từng diễn ra ở đây.

Ông Thế tiếp tục chỉ ra, miền Bắc nước ta cũng có những dạng thức giếng hay ao chứa nước hình vuông như thế. Điển hình, giếng Ngọc nằm trong đền Cùng, tọa lạc tại thành phố Bắc Ninh cũng xây theo kiểu có những bậc bằng gạch dẫn xuống lấy nước. Cũng có hình vuông, hồ Linh Chiêu - nơi có công trình chùa Một Cột (Hà Nội) - qua bao nhiêu năm cũng có nhiều thay đổi về kiến trúc, tuy nhiên, tính ổn định của bình đồ mặt nước hình vuông vẫn được giữ tương đối nguyên vẹn.

Khá thú vị, từ dáng hình này, ông Thế lại suy tưởng tới một giếng cổ Champa xưa, thuộc khu di tích tháp Khương Mỹ (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Giếng cổ này được phát hiện có niên đại hơn 1.000 năm, tương đương với niên đại của hồ Linh Chiêu ở Hà Nội.

PGS Đinh Hồng Hải đoán định, rất có thể người Việt đã học hỏi từ văn hóa Ấn Độ gián tiếp thông qua người Chăm. Và không loại trừ khả năng, giếng nước hình vuông có bậc thang dẫn xuống cũng thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa các bên.

Tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động Đối thoại với dòng tranh Ukiyo-E do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản và Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN phối hợp tổ chức.

Chỉ dừng ở gợi mở

Để có thêm tính thuyết phục về sự giao lưu với văn hóa Ấn Độ, bên cạnh dáng vẻ của 2 loại hình giếng, ông Thế còn nhắc tới những kết nối giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa Ấn Độ đến từ minh văn trên tấm bia Sùng Thiện Diên Linh dựng năm 1121, tại chùa Đọi Sơn (thị xã Duy Tiên, Hà Nam). Trong đó có ghi: "Đường Phạn nhi hòa đồng", có nghĩa việc hòa âm, tạo ra bản nhạc lễ ở nước ta tiếp thu từ nguyên mẫu Trung Hoa (tức Đường) và cả Ấn Độ (tức Phạn).

Và sau này, trong cuốn Tiểu luận về Nghệ thuật An Nam, học giả Louis Belzacier cũng nói về việc nghệ thuật Việt Nam có các  yếu tố Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Á, chứ không riêng Trung Hoa. Như lời ông Thế, nếu chỉ xét tầng văn hóa hiển thị trên bề mặt, rõ ràng chúng ta dễ nhận thấy việc văn hóa Việt Nam chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, ta sẽ còn thấy bên dưới đó ẩn chứa tầng văn hóa Ấn Độ.

Thực tế, dù khá thú vị, nhưng những giả thiết của TS Trần Hậu Yên Thế rõ ràng vẫn mang tính gợi mở và cần được kiểm chứng. PGS Đinh Hồng Hải nhận định: Nếu như giả thuyết của TS Trần Hậu Yên Thế được quan tâm, ngành khảo cổ học có thể tiếp tục nạo vét lớp bùn, khai quật thêm bên dưới giếng Thiên Quang để tiếp tục "giải mã" kiến trúc này. Đồng thời, có thể tiếp tục nghiên cứu theo hướng liệu rằng bên cạnh sinh hoạt cộng đồng, giếng Thiên Quang có ẩn chứa những yếu tố thiêng nào hay không?

Nếu như giả thuyết của TS Trần Hậu Yên Thế được quan tâm, ngành khảo cổ học có thể tiếp tục nạo vét lớp bùn, khai quật thêm bên dưới giếng Thiên Quang để tiếp tục "giải mã" kiến trúc này.

Phúc Nam

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›