(Thethaovanhoa.vn) - Nếu tính từ mờ sáng ngày 1/9/1858, đến đầu giờ chiều ngày 2/9/1945 - thời gian có thể đếm được chính xác năm-tháng-ngày-giờ nhưng khó mà thống kê đầy đủ quá trình đấu tranh của cả một dân tộc trong gần 90 năm ấy. Ở nơi “Đi trước về sau” như Nam Bộ Thành đồng, để đi đến ngày độc lập và ngay trong ngày đầu tiên hưởng thụ nền độc lập, Sài Gòn phải cộng thêm những giá trị đặc biệt.
Ba lần Hội nghị Chợ Đệm
Ngay khi nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng Minh, Xứ ủy Tiền phong và Giải phóng triệu tập Hội nghị Chợ Đệm trong đêm 16 kéo dài đến sáng ngày 17/8/1945, cùng nhất trí phát động quần chúng đứng lên giành chính quyền, nhưng bài học Khởi nghĩa Nam Kỳ đặt ra yêu cầu phải cân nhắc hình thức và thời điểm nổ ra Tổng khởi nghĩa.
Được tin Hà Nội khởi nghĩa thành công, Xứ ủy liền triệu tập Hội nghị Chợ Đệm lần 2 sáng 21/8/1945, vẫn là bài học từ năm 1940 nhắc phải thận trong, giao cho Tân An khởi nghĩa thí điểm để lấy kinh nghiệm “bấm nút” cho Sài Gòn và các tỉnh.
Tân An thực hiện và thành công an toàn ngay trong khởi nghĩa chiều tối ngày 22/8/1945, Xứ ủy lần thứ 3 triệu tập Hội nghị Chợ Đệm sáng sớm ngày 23/8/1945 phát lệnh tổng khởi nghĩa.
Chỉ 2 ngày sau, Tổng khởi nghĩa nổ ra và thắng lợi ở cả Sài Gòn-Gia Định và Chợ Lớn; chỉ 4 ngày sau hầu hết các tỉnh Nam Bộ giành chính quyền về tay nhân dân; chỉ 5 ngày sau, tất cả những địa phương xa nhất như Hà Tiên, Đồng Nai Thượng, Côn Đảo đều tổng khởi nghĩa thành công.
Trong vòng hơn 10 ngày, 3 hội nghị cân nhắc quyết định và tiến hành tổng khởi nghĩa, Sài Gòn và toàn Nam Bộ đã kịp chuyến tàu tốc hành cùng Hà Nội, Huế và toàn dân tộc thoát ra khỏi chế độ thuộc địa cập bến độc lập. Rõ ràng là “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”
Khẩn trương dựng Lễ đài độc lập
Những ngày cuối tháng 8/1945, Xứ ủy và Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ tìm mọi cách để nối liên lạc với Trung ương Đảng và Chính phủ; Trung ương cũng cử các cán bộ cao cấp (các đồng chí Hoàng Quốc Việt và Cao Hồng Lãnh) vào giúp ban lãnh đạo ở Nam Bộ. Các đại biểu của Xứ ủy Nam Bộ dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân Tân Trào (các ông Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp) đã kịp về đến Sài Gòn. Ngày 31/8/1945, điện từ Trung ương vào Nam Bộ cho biết 2 giờ chiều ngày 2/9/1945 tại Hà Nội, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẽ ra mắt quốc dân và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Lâm ủy Hành chính Nam Bộ quyết định tổ chức cuộc mit tinh và diễu hành thật lớn tại Sài Gòn nhằm biểu dương lực lượng toàn dân đoàn kết xung quanh chính quyền cách mạng, mừng độc lập.
Một Lễ đài độc lập khẩn trương được dựng lên trên đường Cộng Hòa (nay là đường Lê Duẩn), ngay phía sau Nhà thờ Đức Bà. Cờ đỏ sao vàng và cờ các nước Đồng Minh, cờ các đoàn thể trương lên trên kỳ đài và xung quanh; khẩu hiệu bằng năm thứ tiếng (Việt, Hoa, Anh, Pháp, Nga) giăng đầy các con đường với nội dung: "Việt Nam Dân chủ cộng hòa muôn năm!", "Đả đảo thực dân Pháp!", "Độc lập hay là chết!"… Hệ thống loa phát đi bản Thanh niên hành khúc (nhạc của Lưu Hữu Phước, lời của nhóm Hoàng Mai Lưu): "Này anh em ơi, tiến lên dưới cờ giải phóng! Đồng lòng cùng đi! Đi! Đi! Sá gì thân sống!...". Ban Tổ chức đặc biệt chuẩn bị tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam ở Bạch Mai (Hà Nội) với nhiều loa phóng thanh đặt dọc theo đường Cộng Hòa và các ngả đường để ai cũng được nghe Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập.
Từ sáng sớm đến trưa ngày 2/9/1945, hàng vạn người Sài Gòn gồm các đoàn thể quần chúng, các toán dân quân, cùng hàng vạn quân dân từ các tỉnh và vùng ngoại ô kéo về Sài Gòn, hướng đến Lễ đài độc lập và chờ đón giờ phút thiêng liêng.
Bài hùng biện ứng khẩu của Trần Văn Giàu
Giờ phút trọng đại - Lễ độc lập bắt đầu lúc 2h chiều ngày 2/9/1945 tại Ba Đình, Hà Nội. Ở Sài Gòn, hàng chục vạn người hướng về Thủ đô Hà Nội - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn lịch sử chấm dứt 80 năm chế độ thuộc địa, công bố trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Thế nhưng đã xảy ra chuyện bất ngờ. Do đài phát (ở Hà Nội) và máy thu (ở Sài Gòn) đều quá cũ kỹ, nên việc tiếp sóng không thực hiện được. Trong giờ phút thiêng liêng và tình thế phải tiếp ứng, Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Lâm ủy Hành chính Nam Bộ Trần Văn Giàu đứng lên phát biểu… ngoài kịch bản!
Ông tuyên báo: "Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống". Ông loan báo: "Kẻ địch toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào”. Ông khuyên mọi người: "Mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi. Bởi vì Việt Nam yêu quí của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan”. Ông nêu quyết tâm: "Chúng ta thề cương quyết đứng bên cạnh Chánh phủ, chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng". Ông kết thúc bài diễn văn ứng khẩu bằng lời kêu gọi: "Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!"
Sau tiếng vỗ tay dài của hàng vạn người dự lễ hưởng ứng bài diễn văn hùng hồn của Chủ tịch Lâm ủy Hành chính Nam Bộ, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên thệ “Cương quyết lãnh đạo đồng bào giữ nước, vượt khó khăn nguy hiểm, xây đắp độc lập hoàn toàn cho Việt Nam”; đại diện nhân dân đọc lời thề: “Chúng tôi, toàn thể nhân dân Việt Nam, cương quyết một lòng ủng hộ chánh phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu Pháp đến xâm lược Việt Nam lần nữa, chúng tôi quyết không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không dẫn đường cho Pháp”.
Những người ngã xuống đầu tiên
Khi Lễ mừng độc lập chuyển sang diễu hành biểu dương lực lượng, hàng vạn quần chúng từ đại lộ Cộng Hòa kéo sang đường Yersin (nay là đường Nguyễn Du), tỏa ra các đường phố khu trung tâm Sài Gòn. Đi đầu là những lực lượng từng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền (thanh niên tiền phong, đoàn viên Tổng Công đoàn Nam Bộ, các đoàn dân quân cách mạng…); đi sau cùng là các toán quần chúng đại diện các địa phương, tôn giáo, tầng lớp xã hội, ngành nghề.
Đoàn diễu hành vừa bắt đầu thì thình lình một số người Pháp núp sau các cánh cửa hé mở trên một số nhà lầu, đã nhắm bắn vào những người đang biểu dương cho hòa bình độc lập. Lực lượng dân quân xông lên các tầng lầu, nơi vừa phát ra tiếng súng để trừng trị kẻ gây hấn; thậm chí đã có nổ súng tấn công những kẻ cố thủ trong các dãy nhà lầu để trấn áp chúng; một đội đặc nhiệm ngay lập tức được thành lập để truy tìm và tước vũ khí của người Pháp khiêu khích… Sau hơn ba giờ vãn hồi trật tự, đã có 47 người dân chết và bị thương. Từ đêm 2/9/1945 ấy, lệnh giới nghiêm được thi hành, tình trạng thiết quân luật được ban bố. Quân Anh đang cùng thực dân Pháp toan tính dã tâm xâm lược để lập lại chế độ thuộc địa lần nữa ở nước ta.
Trong ngày đầu tiên của thành quả “độc lập bắt đầu từ nay”, đã có hàng chục người ngã xuống vì nền độc lập, tự do. Kẻ thù gây hấn với tính toán muốn khiêu khích và đổ lỗi cho chính quyền cách mạng hòng lôi kéo quân đồng minh phải hành động. Máu đã đổ song không ai lùi bước, lãnh đạo và nhân dân Sài Gòn vừa được hưởng nền độc lập tự do đã tỉnh táo, khôn ngoan và cương quyết đối phó với âm mưu xảo quyết của kẻ thù.
Ngày 2/9/1945, Sài Gòn và Nam Bộ đã xác định “Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!" Và 20 ngày sau đó, Sài Gòn cùng toàn Nam Bộ theo lệnh của Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu: “Nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước!”
Theo Hà Minh Hồng/ Chinhphu.vn
Tags