Khi tôi tiếp nhận bộ ảnh về triều phục Cần Vương mà bà con các bản ở Muang Samoyay (Savannakhet, Lào) giở ra cho chụp, thấy rõ ấn tượng về sự đàng hoàng. Gấm lụa và sắc màu vẫn còn rất tươi, dù trải qua hơn 1 thế kỷ rưỡi trong rương hòm ở các nhà sàn bà con miền Tây Trường Sơn hẻo lánh này.
1. Khi sang Pháp những năm 2000, tôi có đến thăm một nhà sưu tầm gốc Việt ở miền Nam nước Pháp, được chị nâng niu mở cho xem những áo triều phục của hoàng thân, công chúa nhà Nguyễn đã mang sang Pháp khi triều đình hoàn toàn sụp đổ.
Những triều phục đó có thể chỉ có niên đại Khải Định, Bảo Đại… nhưng đều vô cùng quý giá, bởi ghi dấu những bàn tay khung cửi dệt may, khâu vá thêu thùa bậc cao nhất của dân tộc ta khi đó. Không chỉ những sợi tơ tằm ngũ sắc thượng hạng, mà cả những sợi kim tuyến bằng vàng, bạc thật, cùng các viên đá quý để tôn lên vẻ uy nghi lộng lẫy những bộ lễ phục triều phục dành cho vua quan, hoàng tộc.
Bộ triều phục còn tới hàng trăm món ở xứ Muang Samoyay, tỉnh Savannakhet, giáp biên giới Lào - Việt không thể không gây kinh ngạc và cảm xúc ấm áp như vẫn còn hơi người. Vẫn thấm mùi mồ hôi và đôi khi cả vết máu tỏa ra từ những con người yêu nước Cần Vương 150 năm trước.
Có thể khẳng định đây là bộ sưu tập lớn nhất về triều phục cung đình Huế thế kỷ 19 hiện còn nguyên vẹn. Hầu hết đều thuộc loại áo dài 2 lớp, chùng quá đầu gối, khuy xuyên móc hoặc gài đóng mở ở cổ vai và nách phía bên phải, cổ cồn dựng. Tất cả đều bằng gấm lụa và thêu tay.
Sơ bộ phân loại, trong điều kiện khá khó khăn, bởi những bộ triều phục này được truyền 6 - 7 đời nay trong nhiều gia đình, dòng họ, được cất giữ và thờ cúng cẩn thận, đâu dễ phơi bày cho người lạ. Tuy vậy, khi tôi viết những dòng này, ít nhất cũng chứng kiến gần 20 bộ triều phục cả nam lẫn nữ, từ bộ cửu long, ngũ long dùng cho hàng cao nhất của hoàng tộc và quan lại nhà Nguyễn, lẫn áo hoa gấm bình thường dùng trong sinh hoạt gia đình, lễ hội.
2. Trong khuôn khổ bài báo, tôi sẽ chọn ra 4 chiếc áo dài để có điều kiện mô tả thật kỹ.
Thứ nhất là bộ áo gấm triều phục thêu long ly phượng, dành cho quan lại cao cấp nhất trong triều. Thứ 2 và thứ 3 là bộ y phục trên gấm xanh, dành cho hoàng thân và quan lại cao cấp, được vua ban tặng, dùng trong lễ tiệc. Thứ 4 là một bộ áo gấm hoa màu tím, dùng trong lễ hội của nam và nữ quý tộc nhà Nguyễn.
Mãng bào gấm thêu long ly phượng vẫn là áo chuyên dùng cho đại thần cấp cao. Tôi đã gặp áo gấm cửu long khoác trên người vua Lê Dụ Tông khi khâm liệm ngài. Loại áo triều phục chính thống của vua (hoàng đế) luôn lấy nền vàng làm chủ, trên đó thêu một con rồng lớn, mặt quay trực diện, đầu rồng nhìn thẳng ở chính giữa ngực. 2 rồng ở mỗi bên vai, tay áo và 2 rồng ở mỗi vạt khoảng đùi trước sau.
Chiếc áo gấm có rồng trước ngực và sau lưng chụp được ở Muang Samoyay (Lào) cũng thêu rồng theo công thức như vậy, nhưng con rồng ở chính giữa mặt nhìn chính diện, thân nằm ngang, vắt qua vai, đối diện trước sau. Vạt trước và sau khoảng đùi đều có 2 nghê (hoặc ly) chầu vào giữa. Nền áo dùng gấm màu ghi đá ngả vàng để tôn các mảng thêu màu sắc ấm như da cam, đỏ mây, xanh biếc… thêu các họa tiết rồng phượng, mây sóng trên áo. Đặc biệt còn thấy một đôi phượng bay ở phía dưới tay áo.
Áo có 2 lớp, lớp ngoài là gấm dày màu ghi đá, đếm được gần trăm sợi tơ trên 1cm. Lớp trong là lụa tơ tằm sợi xe lớn hơn, dệt ô vuông bình thường, nhưng rất đều và không thấy một mắt nối sợi nào. Khuy gài làm bằng bạc với hạt khuy như dạng gỗ bọc bạc, hoặc bằng ngọc trai. Chiếc áo này vừa với khổ người không to béo, cao chừng 155cm - 165cm. Khi đưa ống kính vào sát từng sợi thêu và họa tiết thì dễ dàng nhận ra chất liệu sợi tơ rất nhỏ, sạch, với đường thêu biết gấp lượn và dấu mũi tài tình. Đặc biệt một số sợi vàng kim tuyến óng ánh đan xen lẫn tơ lụa đã giúp các khối thêu óng ánh, lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Chiếc áo đã được dùng nhiều, thể hiện qua các chỗ sờn và rách. Một vài miếng vá và vệt ố máu còn lại phía bên trong thấm cả ra ngoài cho thấy hoàn cảnh chủ nhân đã từng trải qua những ngày khó khăn, xa cung điện và thiếu người hầu hạ.
Tôi đã đề xuất phương án mượn chiếc áo này để thử lấy mẫu máu xét nghiệm AND với hy vọng đủ đối chiếu với hệ gen hoàng tộc Nguyễn Phúc và dòng Tôn Thất hiện còn ở Huế. Hiện tại đã được chủ nhân đồng ý. Tôi chưa dám kết luận đây là áo của vị hoàng thân nào, nhưng có thể gắn với một nhân vật cao cấp trong số những vị quan tướng Cần Vương cao cấp nhất.
Trong quá trình khảo sát thực địa, một già làng có nhận đang giữ một "áo vua" cỡ nhỏ. Hy vọng đó là áo mà Hàm Nghi đã mặc khi rời khỏi triều đình Huế năm 1883, khi ngài mới 13 tuổi. Tuy nhiên cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được chiếc áo này.
3. Chiếc áo thứ 2 tuy không thuộc hàng áo cửu long, ngũ long, nhưng tôi tin cũng là áo hoàng thân hoặc quan đại thần. Áo dùng vải nền bên ngoài là gấm màu xanh, cho đến nay vẫn còn ánh biếc như mới. Trên áo có hàng trăm ô tròn, đường kính khoảng 8cm, thể hiện đôi rồng cuốn bện tổ.
Tôi ngờ rằng đây là vải dệt như đã từng gặp trong tang phục trong mộ quan đại thần Nguyễn Bá Khanh ở Khoái Châu, do Bảo tàng Hưng Yên khai quật và lưu giữ. Hoa văn dệt này còn thấy trong lớp vải lót bên trong của chính áo này, với những ô chữ "thọ" cách điệu.
Việc sử dụng hoa văn rồng trên trang phục luôn là quy định ngặt nghèo trong hội điển nhà Nguyễn. Loại áo này có thể cũng dùng cho cả cha mẹ hoàng thân. Đây là 1 trong số áo được bảo quản tốt nhất trong hàng trăm áo quan lại, quý tộc Cần Vương ở Muang Samoyay.
Chiếc áo cuối cùng trong bài này dành cho một áo gấm màu tím ngắt, màu "rất" Huế, với các hoa văn dệt hoa lá, đỉnh vạc hình chữ thọ, với 2 màu trắng và đỏ gụ.
Nhìn kiểu áo và màu sắc có thể nghĩ đến nó được dùng cho những hoàng tộc nữ lớn tuổi, có thể như nhũ mẫu của vua, hoặc hoàng thân của Cần Vương nào đó.
"Tôi đã đề xuất phương án mượn chiếc áo này để thử lấy mẫu máu xét nghiệm AND với hy vọng đủ đối chiếu với hệ gen hoàng tộc Nguyễn Phúc và dòng Tôn Thất hiện còn ở Huế. Tôi chưa dám kết luận đây là áo của vị hoàng thân nào, nhưng có thể gắn với một nhân vật cao cấp trong số những vị quan tướng Cần Vương cao cấp nhất" – TS Nguyễn Việt.
(Còn tiếp)
Tags