Món quà mà Nữ hoàng Elizabeth II được tặng khi tới thăm Tổng thống Đức Joachim Gauck là một bức tranh do Nicole Leidenfrost vẽ. Tác phẩm vẽ Nữ hoàng Anh cưỡi ngựa khi còn trẻ...
Sau một hồi im lặng, Nữ hoàng quay sang nhìn chồng, Quận công Philip, trước khi tuyên bố rằng việc con ngựa được vẽ màu xanh dương thật "kỳ lạ". Chưa dừng lại ở đó, Nữ hoàng còn hỏi về nhân vật được vẽ màu vàng trong tranh: "Đó có phải là cha tôi không nhỉ?"
Ông Gauck hẳn phải rất bẽ bàng sau khi nghe những lời ấy. Nhưng dù sao, bức tranh của ông vẫn không phải là món quà ngoại giao kỳ quặc nhất từ trước tới nay. Dưới đây là 10 món quà thuộc hàng "đỉnh cao" về sự kỳ quặc.
1. Tặng roi, thịt cừu, rồng
Trong thời gian còn là Tổng thống Mỹ, ông G.W. Bush đã được tặng các món quà kỳ lạ sau: một cuốn cẩm nang dạy cách sống sót trong tình huống tồi tệ nhất xảy ra kèm 6 bình chứa phân bón (do Brunei nặng); một cái roi (Hungary); thịt cừu (Argentina) và một thiết bị tập thể lực để tăng cơ bắp (Singapore).
Tuy nhiên món quà thực sự thú vị tới từ Indonesia, nước đã tặng ông một con rồng Komodo (một loài thằn lằn nổi tiếng của xứ Vạn đảo). Con rồng sau đó đã được chuyển từ Nhà Trắng tới Vườn thú Cincinnati và nó đẻ 30 rồng con ở đây.
2. Video cắn rắn, cầm dao đâm chó
Cố tổng thống Iraq Saddam Hussein thường không cân nhắc nhiều về ý nghĩa của món quà dự định tặng các quan chức ngoại giao nước ngoài. Điều này thể hiện qua việc từng xảy ra thời ông còn là Tổng thống Iraq. Khi đó, Hussein từng tặng Donald Rumsfeld, đặc sứ Mỹ ở Trung Đông, một đoạn video có cảnh binh lính của ông đang cắn đứt đầu những con rắn và dùng dao đâm chết một con chó nhỏ.
Điều tệ hại là đoạn video này về sau đã được tung lên mạng.
3. Hươu cao cổ và cá sấu
Năm 1826, lãnh tụ Muhammad Ali của Ai Cập từng tặng Pháp một con hươu cao cổ có tên Zarafa. Hàng chục nghìn người đã kéo tới chiêm ngưỡng con vật này.
Trong thế kỷ 19, Pháp đã trêu chọc Mỹ khi Hầu tước De Lafayatte tặng Tổng thống John Quincy Adams một con cá sấu. Adams đã nuôi con vật trong một bồn tắm ở Nhà Trắng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng được tặng động vật sống, gồm một con chó 10 tuần tuổi có tên Buffy, do Thủ tướng Bulgaria gửi tặng.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama không được tặng cá sấu. Nhưng ông đã được Australia tặng cho gói bảo hiểm đề phòng bị cá sấu cắn.
4. Mỡ ngỗng
Sau khi cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd phàn nàn trên Twitter rằng ông bị cảm lạnh, khiến giọng nói trở nên khó nghe, chính khách Anh William Hague đã lập tức tặng cho ông một tuýp chứa 750mg mỡ ngỗng.
Theo ông Hague, mỡ ngỗng giúp chữa cảm lạnh.
Chẳng biết món quà đó có hiệu quả hay không, chỉ biết người tặng quà luôn có giọng nói như ông đang bị cảm lạnh!
5. Túi tái chế
Tổng thống Barack Obama là một trong những chính sách nhận rất nhiều quà ngoại giao kỳ quặc, thậm chí là vớ vẩn. Quá nhiều, tới mức tờ Washington Post từng phân loại 274 món quà mà ông nhận từ năm 2009, theo mức độ nhạt nhẽo của chúng.
Trong danh sách đó có một chiếc iPod, một bức tượng làm từ thủy tinh hữu cơ và cả một túi làm từ vật liệu tái chế đựng rau củ do Pháp tặng. Anh cũng tặng cho ông Obama một món quà đặc biệt: một chiếc bàn đánh bóng bàn, do Trung Quốc sản xuất.
6. Hai củ khoai tây
Mỹ thường tặng Nga những món quà khá kỳ dị, trong đó phải kể tới 2 củ khoai tây Idaho mà Ngoại trưởng John Kerry trao cho người đồng cấp ở Nga, ông Sergei Lavrov.
Một món quà khác không kém phần đặc biệt là mô hình chiếc nút bấm “tái khởi động”, thứ chắc hẳn sẽ là một món quà ngoại giao tuyệt vời, mang ý nghĩa nối lại quan hệ giữa hai cường quốc nếu trên mặt chiếc nút bấm không tình cờ ghi dòng chữ “quá tải”.
7. Video hoạt hình
Bảo tàng Triển lãm Hữu nghị Quốc tế ở Bình Nhưỡng của Triều Tiên là nơi chứa đựng kha khá những món quà ngoại giao mang màu sắc kỳ cục. Trong đó phải kể tới một chiếc limousine chống đạn mà nhà lãnh đạo Nga Stalin gửi tặng ông Kim Nhật Thành, bên cạnh một bộ video phim hoạt hình Space Jam, một cái đầu của con gấu, và một bản album Bjork.
8. Răng cá nhà táng
Bổ sung vào bộ sưu tập quà tặng kỳ quặc của Nữ hoàng Anh còn có những chiếc răng sáng bóng của cá nhà táng mà bà nhận được mỗi lần tới thăm Fiji. Dù đây là một biểu tượng quan trọng trong văn hóa nước này nhưng chắc Nữ hoàng vẫn khó lòng vui vẻ mỗi khi mở quà.
9. Mô hình máy bay không người lái
Giới chức ngoại giao Iran từng đem tới Nga món quà là mô hình máy bay không người lái, phỏng theo mẫu máy bay mà Mỹ sản xuất. Những mô hình này trông giống hệt những thứ thường thấy bay lượn trên bầu trời Iran.
10. Quần rơm thổ dân
Đối với người Kastom ở Tanna, Nam Thái Bình Dương, Hoàng tử Philip là một vị thần. Người dân nơi đây thậm chí còn lập hẳn một giáo phái tôn giáo mang tên Phong trào Hoàng tử Philip. Để bày tỏ lòng tôn kính với ông, vào năm 2010, người Kastom đã gửi tặng vị công tước xứ Edinburgh này chiếc quần rơm thổ dân với được bện rất khiêm tốn, chỉ đủ che đi chỗ “nhạy cảm” của người mặc.
Phan Vân Anh (Theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa
Tags