"Những mùa Xuân bất diệt, tạc hình núi sông"

Thứ Bảy, 27/07/2024 07:41 GMT+7

Google News

Tháng 7… Khi những cánh sen cuối hạ ven hồ dần nhạt hương, bắt đầu rụng cánh, chuẩn bị nhường chỗ cho những đài sen be bé bắt đầu cựa mình thức giấc thì tôi lại tìm mua một bó sen trắng, vượt quãng đường 30km để về thăm nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Nơi này, có người chú ruột của tôi mãi mãi nằm lại với tuổi 19.

1. Tháng 4 năm 2009, năm tôi 25 tuổi, lần đầu tiên tôi có chuyến công tác vào TP.HCM. Kỳ nghỉ 30/4 năm ấy đã thôi thúc tôi đi tìm mộ chú, dù chẳng có lấy một chút thông tin chỉ dẫn nào.

Gã trai xứ Bắc rong ruổi trên những cung đường lạ lẫm của TP.HCM - Bình Dương dưới cái nắng đổ lửa phương Nam, hỏi từng người dân gặp được lối về nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh.

Bước qua cánh cổng, đứng lặng dưới tượng đài Tổ quốc ghi công với lời khấn nguyện và lòng kính ơn, tôi bắt đầu dò tìm trên từng bia mộ. Để rồi cứ lặng người đi khi thu vào tâm trí mình hàng trăm cái tên của những người con trai, con gái đang độ tuổi đôi mươi khắp các tỉnh thành đang an nghỉ tại đây. Máu và nước mắt đã tan và ngấm vào đất này.

"Những mùa Xuân bất diệt, tạc hình núi sông" - Ảnh 1.

Nghĩa trang liệt sĩ Phước Long (Bình Phước) năm 2009 - nơi tác giả dừng chân trên hành trình tìm mộ người chú liệt sĩ

Không còn là qua phim ảnh, sách vở - lần đầu tiên tôi trực tiếp cảm nhận rõ hơn bao giờ hết về nỗi đau, sự mất mát của chiến tranh. Mắt tôi nhòe đi, thấy mình bé nhỏ vô cùng trước những người con trai, con gái tuổi xuân phơi phới, ra đi trong niềm kiêu hãnh, tự hào. Và hi sinh trong thầm lặng…

Nhìn lại tuổi đôi mươi của tôi cùng bạn bè, và không ít các em thế hệ 9X về sau mà tôi quen - vẫn cứ loay hoay, chật vật cùng nỗi lo cơm áo giữa thị thành. Để rồi như một cuộc chạy đua, băng theo cái guồng quay ấy, đêm về lặng lẽ thở than mệt mỏi, cô đơn, viết vài dòng chia sẻ trên trang blog mạng của mình. Đời quẩn quanh, hao hụt những ước mơ…

Lúc đó lòng tôi chợt thấy những khát vọng đẹp tươi tuổi đôi mươi lại tràn về như vừa mới được đánh thức.

Tôi không tìm được phần mộ người chú của mình ở nghĩa trang tỉnh Bình Dương. Chợt tâm trí vọng lên một câu hát: "Tiếng súng Phước Long chờ mong tin thắng…" ("Tiếng chày trên sóc Bom Bo" - Xuân Hồng). Và tôi đi theo câu hát ấy băng mình qua những cánh rừng cao su xuyên trưa không nghỉ, đường tìm về nghĩa trang liệt sĩ Phước Long (tỉnh Bình Phước).

Rồi tôi rùng mình khi đọc thấy họ tên, quê quán của chú trên một tấm bia mộ. Cái rùng mình vì thấy mình may mắn, hành trình kiếm tìm đã đến đích, vì cảm giác hạnh phúc được ở gần với một người thân trong gia đình, dẫu tôi chưa hề biết mặt. Chú của tôi hi sinh năm 19 tuổi - cái tuổi còn quá trẻ, bắt đầu cho một đời người với những ước mơ. Chú hi sinh khi chỉ còn cách thời điểm đất nước hòa bình bốn tháng. Những câu thơ của nhà thơ Phùng Quán bỗng lại vẳng lên trong tôi với niềm xa xót: "Em ơi rất có thể/ Anh chết giữa chiến trường/ Đôi môi tươi đạn xé/ Chưa một lần được hôn…"

"Những mùa Xuân bất diệt, tạc hình núi sông" - Ảnh 2.

Một bạn trẻ đang chăm sóc bia tưởng niệm trong nghĩa trang liệt sĩ tại Ninh Bình. Ảnh: Lương Đình Khoa

Tôi thắp hương cho chú, cho những ngôi mộ xung quanh - nhưng cũng chỉ được phần nào, cảm thấy mình có lỗi khi không thể thắp được cho tất cả hơn 600 ngôi mộ còn lại trong nghĩa trang này mỗi ngôi mộ một nén hương. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ: cả nghìn người nằm lại nơi đây, sâu trong lòng đất mẹ này, họ là đồng đội của nhau, nghĩa tình cao cả và nặng sâu như trong câu hát của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: "Gạo hẩm cầm hơi, một điếu thuốc cũng chia đôi" - thì chỉ cần một chút khói hương thay tấm lòng thành được thắp lên trong nghĩa trang này - hẳn đều muốn san sẻ cùng nhau mọi nỗi niềm - từ một ngọn nến, nhành hoa, nén hương thơm cho đến cả sự thành kính tưởng nhớ.

Và có lẽ, tôi đã được hàng nghìn anh linh liệt sĩ từ hai nghĩa trang trong hành trình tìm kiếm này phù hộ để khi kết thúc chuyến công tác, sau khi hoàn thiện các thủ tục cần thiết và được những sự giúp đỡ tận tình, hết lòng, tôi trở ra Hà Nội và mang theo hài cốt của chú về lại quê nhà.

2. Thấm thoắt đã một thập kỷ rưỡi trôi qua, tháng 7 năm nay, tôi trở về và thắp hương cho chú cùng anh em đồng đội của chú nơi quê nhà sớm hơn mọi năm.

Trong ánh chiều chênh chếch rơi nghiêng trên những ngôi mộ san sát bên nhau, tôi đã gặp một bà cụ dẫn theo cô cháu gái nhỏ ra dọn cỏ. Cô bé nhỏ với chiếc túi ni lông trên tay, tung tăng nhặt những vỏ bao hương và những mảnh giấy vương vãi trong khu nghĩa trang. Sau đó bà cụ thắp hương, chia cho cháu cùng đi cắm trên từng ngôi mộ.

Hai bà cháu ngồi lại bên mộ người thân thật lâu. Cuộc đối thoại ngắn giữa hai bà cháu làm tôi chú ý, gợi cảm hứng để tôi trở về viết thành bài thơ có tiêu đề Tháng Bảy gặp mùa Xuân:

"Những mùa Xuân bất diệt, tạc hình núi sông" - Ảnh 3.

Một cựu chiến binh đang dò tìm tên đồng đội. Ảnh: Lương Đình Khoa

"Em bé lớp Một hồn nhiên

Giữa những hàng mộ chí lặng im như đàn chim trắng

Bình yên say giấc

Tháng 7 đỏ cháy trên tay…

 

- Bà ơi, không có dòng họ tên nào trên tấm bia mộ này…

Cả đây nữa, và cả kia nữa…

Không có tên - thì làm sao để nhớ?

Các ông, các chú có buồn - như mỗi lần từ phố trở về bà quên gọi tên con?

 

- Có những tên riêng đã hóa thành tên chung: Hạnh phúc

Có những cuộc đời đã hóa thành quê hương đất nước

Điều thiêng liêng cháy mãi ngàn năm, hồng son ký ức

Ơn nặng sông dài biển rộng đâu dễ ai quên!

 

- Bà ơi,

Sao hoa sống đời lại được trồng nhiều ở nghĩa trang?

 

- Dưới tượng đài Tổ quốc ghi công

Những chùm hoa bừng lên như lửa

Thủy chung bền gan như đời người chiến sĩ

Dưới trời giông bão hay ngày nắng cháy vẫn sát bên nhau

Nhịp tim kiên trung đập tình yêu đất nước, đồng bào

 

- Bà ơi, có những dòng tên không phải người quê mình…

Không về bên gia đình thì có nhớ nhà không?

 

- Mỗi nhành cây ngọn cỏ trên đất nước này đều thấm máu cha ông

Đất và nước khởi sinh từ cội nguồn hơn 4.000 năm,

vượt qua bóng đêm để vững chãi, ngọt trong dưới trời xanh mây trắng

Đâu đâu cũng tựa gia đình,

Nằm lại nơi nào cũng ấm nghĩa quê hương

 

Tôi ghé nghĩa trang liệt sĩ tháng 7, gặp mùa Xuân

Nơi ánh mắt em thơ trong veo, ánh mắt người già ngân ngấn

Những mùa Xuân bất diệt

Tạc hình núi sông.

3. Có những mùa Xuân tiếp nối - chảy từ bao đời ông cha, từ xương máu và tấm lòng kiên trung của bao người con trai, con gái đã hiến tặng tuổi xuân để làm nên mùa Xuân trên đất nước này.

Vậy nên mỗi dịp tháng 7 về, cần lắm những người trẻ tìm về bên những nghĩa trang liệt sĩ - như một sự tiếp nối. Không còn vướng bận chuyện áo cơm, mang năm tháng tuổi trẻ của mình soi vào tuổi thanh xuân của các anh, vịn vào lý tưởng của niềm tin, sự lạc quan trong các anh mà bước ra khỏi những vũng lầy quẩn quanh tẻ nhạt đời mình. Để tuổi trẻ một lần là đồng đội của các anh.

Có thể từ đó, con người ta sẽ sống đằm lại và thấy cần làm những điều có ý nghĩa hơn cho bản thân, cho cộng đồng - dù những điều ấy đôi khi chỉ thật bình thường - như việc sống chậm lại và lắng nghe, thấy lòng mình chùng xuống, rưng rưng cùng giai điệu của một ca khúc bất tử như "Bài ca không quên".

"Tôi ghé nghĩa trang liệt sĩ tháng 7, gặp mùa Xuân/ Nơi ánh mắt em thơ trong veo, ánh mắt người già ngân ngấn/ Những mùa Xuân bất diệt/ Tạc hình núi sông" - thơ Lương Đình Khoa.

Lương Đình Khoa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›