Nếu lấy năm 1975 khi đất nước hoàn toàn thống nhất, thời điểm mà thể thao 2 miền Bắc - Nam cùng xum họp một nhà làm cột mốc thì tới nay đã có 5 năm Thìn. Mỗi năm con Rồng này đều đánh dấu những bước tiến lớn, đầy ý nghĩa trong lịch sử Thể thao Việt Nam.
1. Bính Thìn 1976: Niềm vui ngày đoàn tụ
Sự kiện thể thao được nhắc nhiều nhất trong năm Bính Thìn 1976 chính là chuyến du đấu của đội bóng đá Tổng cục Đường sắt đại diện cho lực lượng công nhân lao động miền Bắc thi đấu tại TP.HCM và 1 số địa phương lân cận.
Ngày 7/11/1976, sân Thống Nhất với sức chứa 2,5 vạn người chật kín khán giả chứng kiến trận đấu giữa Cảng Sài Gòn - Tổng cục Đường sắt. Tỷ số chung cuộc là 2-0 nghiêng về đại diện của bóng đá miền Bắc. Sau trận đấu này, đội Tổng cục Đường sắt đi thi đấu ở Tây Ninh và thắng 3-1. Thắng Đồng Tháp 2-0 trên sân Sa Đéc, thắng Cần Thơ 3-0. Trận cuối cùng về lại sân Thống nhất thua Hải Quan 1-2. Những trận cầu đó đã đi vào lịch sử nước nhà, bởi không chỉ là cuộc hội ngôi đầu tiên của bóng đá 2 miền Nam - Bắc, mà vượt lên trên hết là niềm vui ngày đoàn tụ.
Cuộc tranh tài thể thao lớn đầu tiên mang tính chất toàn quốc cũng được tổ chức vào năm 1976. Đó là cuộc đua vượt sông truyền thống Bạch Đằng lần thứ 5 được tổ chức trên sông Hương của thành phố Huế vào ngày 11/6/1976. Tham dự cuộc đua có 152 VĐV (64 nữ), đại diện cho 20 tỉnh, thành và 4 ngành tranh tài sôi nổi mà báo chí lúc bấy giờ đã gọi giải là "Bài ca thống nhất của các dòng sông".
Chính giải vượt sông truyền thống Bạch Đằng và chuyến du đấu của đội Đường sắt đã trở thành tiền đề để đến năm 1978, giải vô địch quốc gia đầu tiên được tổ chức, đó là giải bóng bàn toàn quốc diễn ra tại thành phố biển Quy Nhơn.
2. Mậu Thìn 1988: Dấu ấn mang tên Olympic
Quyết định Đổi mới của Đảng ta năm 1986 được xem như bước ngoặt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước và dù thời điểm đó, đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng công tác TDTT đã được chăm lo, đầu tư đáng kể, nhằm chuẩn bị cho bước trở lại, hội nhập sâu rộng hơn với đấu trường quốc tế.
Đáng chú ý vào thời điểm này, Thể thao Việt Nam với tư cách thành viên chính thức của Ủy ban Olympic quốc tế IOC đã tham dự Olympic Seoul (Hàn Quốc) với thành phần gồm 10 VĐV đi thi đấu ở các môn: Điền kinh (2 VĐV), Quyền Anh (2), Bơi lội (2), Vật (1), Bắn súng (1), Xe đạp (2), Việc không giành được huy chương là dễ hiểu khi đây vẫn là sân chơi quá tầm, nhưng sự góp mặt của Thể thao Việt Nam tại Thế vận hội mang ý nghĩa cực kỳ đặc biệt, bởi vào năm 1980 dù tham dự Olympic Moscow với 35 VĐV, nhưng thực tế là sự giúp đỡ của nước chủ nhà Liên Xô (cũ).
Dù vậy, các tuyển thủ Việt Nam vẫn thể hiện được tinh thần thi đấu tuyệt vời tại sân chơi số 1 hành tinh. Trong số 10 VĐV, ấn tượng nhất là võ sĩ quyền Anh, Đặng Hiếu Hiền đã thắng trận ra quân trước tay đấm Caballero của Tây Ban Nha là một kỳ tích. Hiếu Hiền chỉ mất có 1 phút 30 giây để hạ knock-out đối thủ bằng một cú đấm móc hàm đẹp mắt, dù sau đó đành dừng lại ở vòng 3.
Olympic Seoul 1988 còn là cái mốc quan trọng, bởi 1 năm sau, Thể thao Việt Nam chính thức trở lại và khẳng định mình bằng việc tham dự SEA Games 15 ở Kuala Lumpur (Malaysia) với 46 VĐV, thi đấu ở 8 môn thể thao và giành 3 HCV, 11 HCB, 5 HCĐ.
3. Canh Thìn 2000: Kỳ tích của Trần Hiếu Ngân
Bằng chiến lược "đi tắt, đón đầu", vào thời điểm này, Thể thao Việt Nam đã thực sự trở lại với đấu trường thể thao quốc tế. Không chỉ vươn lên tốp đầu của thể thao khu vực Đông Nam Á qua nhiều kỳ SEA Games tham dự, thể thao nước nhà cũng bắt đầu tìm được chỗ đứng trên bản đồ thể thao châu Á khi có được những tấm huy chương, kể cả HCV tại ASIAD.
Năm 2000, kỳ Thế vận hội Olympic lần thứ 27 được tổ chức tại Sydney (Australia) và dù trình độ còn hạn chế, nhưng lần đầu tiên, Thể thao Việt Nam có 2 VĐV vượt qua vòng loại để giành quyền tham dự chính thức, thay vì đến với Thế vận hội bằng những suất đặc cách. Đó là 2 nữ võ sỹ Taekwondo Nguyễn Thị Xuân Mai và Trần Hiếu Ngân.
Tuy nhiên, ngay cả khi "đi bằng cửa chính" thì 1 tấm huy chương Olympic vẫn là điều mà chính những người trong giới thể thao khi ấy... nghĩ thôi cũng chẳng dám. Vậy mà, ở hạng 49-57kg nữ, Trần Hiếu Ngân, cô gái đến từ Phú Yên đã lần lượt vượt qua các đối thủ đến từ Trinidad & Tobago, Philippines, rồi hạ gục nhà ĐKVĐ châu Âu Lourenc Virginia (Hà Lan) ở vòng bán kết, để chắc chắn mang về cho thể thao nước nhà tấm huy chương Olympic lịch sử.
Trong trận chung kết, có một chút nuối tiếc khi Hiếu Ngân thất bại trước võ sĩ Jung Jae Eun của Hàn Quốc khi đây là đối thủ mà cô từng chạm trán và thắng ở giải châu Á 1998, nhưng tấm HCB đầu tiên này đã giúp đoàn Việt Nam xếp thứ 64 chung cuộc trong tổng số 199 quốc gia tham dự Đại hội. Lần đầu tiên, quốc kỳ Việt Nam tung bay trên đỉnh Olimpia huyền thoại.
4. Nhâm Thìn 2012: Những buồn vui lẫn lộn
Chiến lược "đi tắt, đón đầu" đã giúp Thể thao Việt Nam xác định được vị thế trên bản đồ thể thao thế giới. Sau hơn 20 năm chính thức trở lại với đấu trường quốc tế, vào lúc này, thể thao nước nhà đã có đủ những tấm huy chương từ Olympic đến ASIAD cũng như vị trí trong tốp đầu của thể thao khu vực, thông qua các kỳ SEA Games thành công.
Nhưng không thể phủ nhận rằng, đòi hỏi từ sự phát triển mang tính bền vững và nâng tầm đã trở nên cấp bách hơn mà những thành công và cả thất bại trong năm Nhâm Thìn 2012 này là minh chứng rõ nhất.
Năm 2012, Thể thao Việt Nam góp mặt tại Olympic London với 18 VĐV tham gia ở 11 môn và đặt nhiều kỳ vọng sẽ giành được huy chương, khi đây cũng là lần đầu tiên có số tuyển thủ giành suất tham dự Thế vận hội chính thức kỷ lục. Tuy nhiên, chung cuộc, những niềm hy vọng lớn như Quốc Toàn (cử tạ), Xuân Vinh (bắn súng) hay Hà Thanh (Thể dục dụng cụ) đều tay trắng. Những thất bại này được xem là rất đáng tiếc bởi khi đó, thành tích tốt nhất của Quốc Toàn, Xuân Vinh đã đạt tới tầm thế giới, còn Hà Thanh ngay trước thềm Olympic London còn làm nên kỳ tích lớn khi mang về 1 HCV Cúp thế giới và 2 HCV châu Á đầu tiên cho thể dục dụng cụ nước nhà.
Và năm 2012, còn là 1 năm buồn với riêng bóng đá nam. Đang là ĐKVĐ, tuy nhiên đội tuyển Việt Nam đã gây thất vọng lớn khi bị loại ở vòng bảng AFF Cup 2012 trên đất Thái Lan. Và với thành tích 2 thua, 1 hòa, chỉ giành được 1 điểm/3 trận, đây có thể coi là thành tích tệ hại nhất của bóng đá Việt Nam trong lịch sử các kỳ AFF Cup.
5. Giáp Thìn 2024: Vẫn là thách thức mang Olympic
Năm Giáp Thìn 2024, Thể thao Việt Nam tiếp tục đối mặt với thách thức cực đại mang tên Olympic Paris khởi tranh vào tháng 7 tới. Mục tiêu đặt ra cho đến thời điểm này vẫn là tìm kiếm nhiều hơn những suất tham dự chính thức, khi mới chỉ có 3 tuyển thủ giành vé tới nước Pháp. Xét về thực lực, không hẳn Thể thao Việt Nam không có hy vọng ở sân chơi thể thao số 1 hành tinh này, nhưng nều nhìn lại năm 2023 với 1 kỳ ASIAD không thành công, có lẽ thay vì "mơ mộng" những tấm huy chương, quan trọng hơn vẫn là việc cải thiện thành tích nhằm xác định hướng đi mới cho cả nền thể thao quốc gia. Hướng đi lấy đấu trường Olympic, châu Á làm trọng tâm, thay vì bằng lòng với thành tích tầm khu vực.
Và cũng không thể không nhắc đến bóng đá nam, môn thể thao luôn có sự tác động lớn nhất đến dư luận xã hội. Trong 1 năm có đủ từ Vòng loại World Cup 2026, VCK Asian Cup; Giải vô địch ASEAN Cup (tên mới của AFF Cup); VCK U23 châu Á; VCK futsal châu Á... mỗi thành công, hay thất bại chắc chắn sẽ là điểm nhấn cho năm Giáp Thìn này.
Tags