Chỉ sau chưa đầy 1 tuần huấn luyện U23 Việt Nam, HLV Philippe Troussier đã thể hiện rõ ràng tham vọng biến các đội tuyển Việt Nam trở thành đội chơi kiểm soát bóng, áp đặt thế trận.
Giống nhau…
HLV Park Hang Seo và HLV Troussier ngay từ những ngày đầu tiên đều đã bộc lộ những tham vọng riêng và sự khác nhau về chiến thuật, cách thức kiểm soát trận đấu, nhưng về căn bản cả 2 đều có chung tư tưởng và ý đồ khi áp dụng triết lý của mình với bóng đá Việt Nam.
Sở dĩ nói về căn bản bởi ngày 4/3 vừa qua, HLV Troussier đã phải lặp lại bài tập giống hệt HLV Park Hang Seo làm với đội tuyển Việt Nam cách đây 5 năm . Ông thầy người Pháp cầm quả bóng và bắt các học trò di chuyển thành hình khối theo vị trí mà ông đi tới. Tất cả đều phải tập trung tối đa, giữ cự ly hợp lý để có thể áp sát, quây bắt một cách nhanh nhất.
Chính HLV Park Hang Seo ở 5 năm trước cũng đã phải làm điều tương tự, khi cả 2 ông nhận ra ý thức về việc giữ cự ly, khoảng cách đội hình và độ tập trung của các cầu thủ tương đối còn hạn chế. Ở một cự ly đủ tốt, khi đối phương có bóng, 3 đến 4 cầu thủ Việt Nam ngay lập tức tạo áp lực để giành lại quyền kiểm soát bóng.
Điều thứ 2 để nói ông Troussier có điều giống với HLV Park Hang Seo chính là việc yêu cầu toàn đội xử lý quả bóng một cách gọn gàng nhất có thể. Bài tập về nhịp chạm bóng đầu tiên được cả 2 HLV yêu cầu U23 và đội tuyển Việt Nam làm đi làm lại nhiều lần ở thời gian đầu buổi tập. Khoảng cách giữa bóng cùng người kiểm soát không được quá 1m. Khi chạm bóng, cầu thủ nhận phải xoay người lên phía trên và tạo ra nhịp chuyền đặt đồng đội và vị trí thuận lợi nhất.
Cuối cùng là kỷ luật và sự tập trung, chính HLV Park Hang Seo là người yêu cầu các cầu thủ phải tuân thủ buổi tập, hạn chế nói chuyện riêng ngay từ những phút đầu tiên. Ông muốn tạo cho toàn đội sự tập trung tối đa, nghiêm túc nhất trong buổi tập. HLV Troussier cũng yêu cầu điều tương tự.
Và khác nhau
Sau sự giống nhau về những điều cơ bản nhất, HLV Troussier và HLV Park Hang Seo đều thể hiện rõ tham vọng, triết lý bóng đá của mình ngay từ những ngày tập luyện đầu tiên. Với ông thầy người Pháp, U23 Việt Nam tập chỉ duy nhất 1 bài tập kiểm soát bóng, chuyền bóng trong suốt 2 tiếng đồng hồ.
Các cầu thủ phải liên lạc, di chuyển chiếm lĩnh khoảng trống một cách nhanh nhất để nhận bóng trong tư thế thuận lợi nhất. Sau đó, bóng được xoay thật nhanh để chuyển tới đồng đội tiếp tục chiếm khoảng trống trọng yếu. Với HLV Park Hang Seo thì đó là những đường chuyền đập nhả giữa 2, 3 cầu thủ và nhóm cầu thủ phục vụ việc thoát pressing một cách nhanh nhất.
Ngược với HLV Park, ông Troussier yêu cầu các đường bóng ngắn trong không gian hẹp. Cầu thủ U23 Việt Nam phải kiểm soát bóng tốt nhất trước khi đưa ra đường chuyền thay vì chuyền 1 chạm thật nhanh. Tư tưởng kiểm soát bóng và chuyền bóng của ông thầy sinh năm 1955 có thể nói là khắt khe bậc nhất.
Một điểm khác biệt nữa ở "phù thủy trắng" là yêu cầu về sự kiểm soát bóng có lợi. Cầu thủ được chuyền bóng đến luôn phải quan sát xung quanh và kiểm soát bóng thật tốt ở nhịp 1 để thực hiện đường chuyền thứ 2 tới đồng đội theo cách thuận lợi nhất.
Khi bị áp sát, ông Troussier không yêu cầu cầu thủ phải chuyền bóng ngay mà khuyến khích cầm bóng. Nhịp cầm bóng lại có thể sẽ dẫn tới rủi ro mất bóng, nhưng cũng có thể mở ra khoảng trống cho đồng đội di chuyển vào vị trí thuận lợi. Thậm chí tạo ra sự thu hút với đối phương tạo điểm nhận bóng thuận lợi cho cầu thủ băng lên chiếm giữ.
Hay nói một cách ngắn gọn, nếu HLV Park Hang Seo luôn yêu cầu học trò thực hiện những đường chuyền nhanh cho đồng đội cạnh đó trong 1 chạm, thì ông Troussier lại trái ngược, khi các cầu thủ chỉ được chuyền khi đã kiểm soát được bóng, tạo nhịp và cảm nhận được đồng đội đã di chuyển vào vị trí thuận lợi.
2 trường phái phòng ngự phản công và kiểm soát áp đặt gần như đã lộ diện ngay từ ngày đầu mà ông Troussier dẫn dắt U23 Việt Nam. Tuy nhiên, khi nào U23 Việt Nam và đội tuyển Việt Nam định hình được con người thì sự khác biệt về lối chơi giữa 2 HLV sẽ còn bộc lộ nhiều hơn nữa.