Những người 'anh em song sinh' trong bóng tối

Thứ Bảy, 01/04/2017 07:19 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện tán nhảm bên bàn bia, truyền thuyết, hay sự thật mà người đời chẳng bao giờ có dịp kiểm chứng? Ít nhất thì có một vài bí mật được công bố về sau để ta biết không phải lời đồn nào về các yếu nhân cũng là bịa đặt.  

Một trong những chuyện đó là việc sử dụng những người có ngoại hình giống yếu nhân để làm kẻ nghi trang.

Vai diễn đổi đời  

Felix Gadchiievich Dadaiev là một chàng trai phóng túng và đào hoa, mê khiêu vũ. Vào quân ngũ khi nước Đức của Hitler tấn công Liên Xô, tài lẻ của anh được phát hiện sớm và Dadaiev được miễn cầm súng để phục vụ trong đoàn văn công Hồng quân. Dadaiev bị thương nặng khi chiến sự lan đến Chechnya, nằm mê man nhiều ngày liền ở một trạm xá tiền phương. Gia đình anh hết nước mắt khi cầm tờ báo tử trong tay.

Tuy nhiên các nhân viên y tế đi làm sổ sách đã phát hiện ra hai trong số những người trọng thương còn sống, một trong hai người đó tên là Dadaiev. Vì những lý do mà chỉ chiến tranh mới biện hộ được, người chẳng thèm cải chính tin báo tử, và ngoài ra còn có thêm một chuyện khó nói: Khi chàng trai 19 tuổi xuân bình phục thì đằng nào cũng không còn là chính mình nữa. 


Hội nghị Teheran tháng 11/1943 quyết định số phận nước Đức quốc xã, cả ba nguyên thủ: Stalin (trái), Tổng thống Mỹ Roosevelt (giữa) và Thủ tướng Anh Churchill (phải) đều vào tầm ngắm của gián điệp Đức. Trên ảnh này là Stalin thật - khi người đóng thế (Dadaiev) nghênh ngang đi ô tô ra sân bay thì Stalin đã đến hội nghị từ lâu

Câu chuyện chìm vào bóng tối cho đến tận 2008, khi ông cụ Dadaiev mở lòng với tờ nhật báo Komsomolskaia Pravda, kể về lý do khiến cuộc đời ông rẽ sang một ngả bất ngờ. Khởi đầu là một lệnh miệng từ Moscow, và người ta chẳng nói chẳng rằng đẩy Dadaiev lên chuyến máy bay đặc biệt về hướng thủ đô.

Ở đó Dadaiev được bố trí ở trong một căn nhà cuối tuần sang trọng xa thành phố và tiếp đãi tử tế. Sau một tuần ngơ ngác, Dadaiev được gọi đến văn phòng của cơ quan an ninh. Ba sĩ quan cao cấp giải thích cho chàng trai gầy gò với cặp mắt đen dưới hàng lông mày rậm, rằng từ nay anh sẽ vào vai Yosif Vissarionovich Dzhugashvili hơn mình 40 tuổi, sau này chỉ còn được biết dưới cái tên Stalin.

Giả và thật

Những gì Dadaiev thuật lại, vì lý do nào đó mà báo chí phương Tây ít quan tâm, nhưng giai thoại đó phân rẽ dư luận ở Nga. “Vớ vẩn”, nhà sử học Yuri Shukov nói. Ông là một nhà nghiên cứu danh tiếng ở Viện Hàn lâm khoa học và tác giả nhiều cuốn sách ca tụng Stalin và do đó được hưởng một niềm tin khá mạnh mẽ.

Song Dadaiev cũng không phải dễ bị phản bác vô cớ, ở thời điểm đó ông đã mang hàm trung tướng, danh hiệu “Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa” cao quý và giáo sư Học viện An ninh Moscow, còn cuộc đời dân sự của ông thì cống hiến một diễn viên hài Dadaiev thượng thặng.     

Nhiều nguyên thủ quốc gia “nuôi” một người giống mình vì lý do an ninh, hay đơn giản chỉ làm động tác đánh lạc hướng đối thủ. Tin đồn về người đóng thế Stalin có từ thập kỷ 1950, nhưng rõ ràng chẳng ai biết chắc chắn. Và đâu chỉ một mình Stalin: Honecker, Saddam Hussein, con trai ông ta Udai, Kim Chính Nhật, phó tướng Rudolf Hess của Hitler và bản thân trùm phát xít Hitler nghe nói còn có đến hai, ba người đóng thế! Và dễ hiểu là chẳng bao giờ biết người thật và người giả xuất hiện ở đâu hoặc khi nào.

Sự mập mờ cần thiết đó là mảnh đất màu mỡ cho các thuyết âm mưu và cũng là phương tiện phản tuyên truyền: Cố tổng thống Nga Boris Yeltsin và ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton nhiều lần bị đồn là đẩy người đóng thế ra trước sân khấu để che giấu tình trạng ốm đau của mình. 


Stalin thật và giả khi lên báo Nga

Hào quang đáng ngại

Ngay cả khi đã được phép, Dadaiev dường như không ưa kể lại chuyện đời mình. Mãi 2007, ông mới xuất bản một cuốn sách nhỏ gồm thơ, tiểu luận và tấu hài, trong đó có nhắc đến những cuộc gặp gỡ với nhiều nhân vật huyền thoại, và Stalin cũng được kể đến với vài dòng ngắn.  

Từ hồi trẻ Dadaiev đã được coi là có nhiều nét giống Stalin và mang biệt danh “Soso”, tên tục của Stalin. “Tôi làm ra vẻ bực mình, nhưng thực ra tôi kiêu hãnh về nét giống Stalin chứ!” Khi nhận nhiệm vụ, Dadaiev phải ăn thật nhiều để tăng hơn một chục cân.

Bản thân Dadaiev vì những trải nghiệm chiến trường nên già trước tuổi, song dĩ nhiên các chuyên gia hóa trang vẫn phải đưa son phấn vào cuộc. Anh phải xem hàng trăm giờ phim thời sự có mặt Stalin để học các cử động và nét mặt, sau đó cùng các chuyên gia tập bắt chước giọng nói. Quá trình tập huấn hàng tháng trời diễn ra trong vòng canh gác cẩn mật của bên an ninh.

Sau đó người ta thử cho “Stalin giả” đi ô tô qua Moscow nhiều lần để đánh giá phản ứng xã hội. Dần dần diễn viên đóng thế kiệt xuất được lên khán đài vào các dịp lễ lạt và duyệt binh trên Hồng trường, thậm chí còn đọc cả diễn văn trên radio hay phim thời sự. Tuy nhiên anh cũng phải ngầm tính đến khả năng bị… ám sát nhầm! Stalin vốn nhiều kẻ thù, cộng thêm tính đa nghi nên bộ máy bảo vệ vô cùng vất vả.

Dadaiev còn nhớ rõ sự kiện Hội nghị Teheran 1943, khi ba cường quốc của phe Đồng minh chống Hitler ngồi bàn về đường lối chiến tranh và hậu chiến. Tình báo Đức tìm đủ mọi cách để sát hại Stalin, tổng thống Mỹ Roosevelt và thủ tướng Anh Churchill - giữa lúc đó Dadaiev phải lên ô tô ra sân bay trực chỉ hướng Teheran!

Khi được phong tướng, Dadaiev được bên an ninh rỉ tai cho biết rằng ngoài ông ra còn ba diễn viên đóng thế Stalin khác hoạt động song song! Các nhà báo chỉ tìm được một người có tên thật là Rashid, sau này mất năm 1991 ở tuổi 93.

Trong một phim tài liệu nhân 60 năm ngày mất của Stalin, nhân chứng lịch sử Dadaiev cũng có mặt: “Niềm tự hào thời thanh xuân đã qua lâu rồi, và tôi đã cạo râu đi để không giống Stalin nữa”.

Vị tướng rảnh rỗi tắm biển

Ngày 27/5/1944 một phi cơ của Không lực Hoàng gia Anh - Royal Air Force chạm đất ở quần đảo Gibraltar thuộc Anh. Hai hàng lính bồng súng chào thượng khách xuống thang: tướng Bernard Montgomery. Không ai biết người có ngoại hình như Montgomery, đi lại và chào như Montgomery là trung úy Clifton James ở phòng kế toán.

James, một diễn viên tầm tầm, một lần đóng kịch vào vai Bernard Montgomery và được bên quân báo phát hiện. Họ hỏi anh có muốn đóng phim dạy học cho quân đội không. James được huấn luyện nghiêm ngặt để có dáng người, giọng nói và thậm chí cả thói quen của Montgomery.

Té ra vụ đóng phim chỉ là viện cớ, và James dần dần được nuôi để làm mồi nhử đối phương. Chuyến bay đến Gibraltar không để trêu quân lính đồn trú ở đó, mà là màn kịch cho gián điệp đối phương mà người ta biết là đang trà trộn trong đám công nhân Tây Ban Nha.

Tính toán của người Anh: chừng nào quân Đức tin là Tổng chỉ huy Montgomery đang nghỉ ngơi ở Địa Trung Hải, chúng sẽ yên tâm là cuộc đổ bộ ở Normandie chưa thể diễn ra sớm! Trong khi đó, Montgomery “thật” đang cấp tốc hoạch định chính vụ đổ bộ đó.

Sự kiện này được giữ bí mật cho đến sau chiến tranh. Clifton James phải ký cam đoan ngậm miệng suốt đời. Chỉ sau khi một vị tướng khác nhắc đến vụ trên trong một cuốn sách thì James mới được xuất đầu lộ diện. Hồi ký Tôi là người đóng thế Monty bán chạy như tôm tươi, và trong chuyển thể phim năm 1958 James được thủ vai chính, hay đúng hơn là hai vai: ông đóng Monty (Montgomery) và chính mình.  

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›