KTS Lê Hưng Trọng: Thời gian đâu thể quay trở lại
Trên thế giới có nhiều thành phố cổ ở Italy, Pháp, Áo... vẫn gìn giữ, bảo tồn thành công đến từng gốc cây, bức tường, nhưng bên cạnh đấy vẫn tồn tại những công trình hết sức hiện đại. Điển hình như Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Louis Vuitton trong quần thể kiến trúc cổ ở Paris, tưởng chúng “khắc nhau”, nhưng lại như đôi bạn cùng giữ được mỗi sắc thái riêng và hài hòa trong tổng thể. Để làm được điều đó không khó, cái khó là chúng ta nhìn nhận những giá trị lịch sử thế nào, đủ trân trọng thì mới gìn giữ được.
Làm sao cái mới hài hòa với kiến trúc cũ? Chắc chắn cần có sự sáng suốt của chủ đầu tư và sự khéo léo, tài tình của những kiến trúc sư. Chúng ta không đánh giá thấp tay nghề cũng như trình độ của kiến trúc sư nước nhà mà vấn đề mấu chốt là nằm ở những con người bỏ tiền ra đầu tư và người cấp duyệt để công trình ấy hình thành. Nó đòi hỏi gu thẩm mỹ nhất định, kiến trúc sư có phần lỗi khi tự biến mình thành công cụ cho những nhà đầu tư có tiền nhưng chưa có tầm nhìn cao và đẹp. Chúng ta dễ dãi trong quy hoạch. Chúng ta chỉ biết chăm lo ngôi nhà chúng ta đẹp nhất mà không hề biết cái đẹp đó đi quá xa với bản chất đúng của kiến trúc là tạo ra tác phẩm đẹp cho xã hội.
Cần đưa ra bản vẽ quy hoạch chiều cao hợp lý cho những công trình xây mới nằm ngay trong khu trung tâm - từ ngày xưa người Pháp lấy chiều cao của tháp chuông nhà thờ Đức Bà làm mốc để xác định những công trình lân cận không vượt quá. Vậy tại sao bây giờ thì lại bát nháo, chiều cao lộn xộn; điều này cũng làm thay đổi hướng gió từ sông Sài Gòn vào đất liền. Cần nhớ là khu trung tâm xưa của Sài Gòn như một lòng chảo, không thể mở rộng thêm nữa, vì thế cần xây dựng và bảo tồn nó như là khu đô thị cổ, nên phát triển những khu đô thị mới xung quanh. Hệ thống metro là hợp lý và theo xu hướng chung của toàn cầu nhưng không phải để đạt mục đích ấy mà ta có thể hy sinh những công trình có giá trị lịch sử nhiều mặt. Bởi cái mới là do chúng ta, còn lịch sử thì do người xưa tạo nên, thời gian không cho chúng ta con đường quay trở lại để làm được điều đã từng có.
Cần gieo cho lớp trẻ ngày nay tình yêu thật sự với những giá trị cũ, có như vậy lớp trẻ mới có động lực suy nghĩ và hành động cho tương lai. Cần có những luồng tư tưởng, tư duy mới và áp dụng những công nghệ mới, hiện đại của thế giới. Nên từ bỏ những kiểu kiến trúc thô thiển, nặng nề không mang dấu ấn của một thời kỳ nào, tránh những kiểu kiến trúc phô trương lai tạp Đông - Tây lộ liễu của những đại gia phô bày thân thế bởi nó làm xấu đi bộ mặt chung của Sài Gòn - TP.HCM. Để làm được điều này cần có sự chung tay của các nhà chức trách, của các nơi đào tạo ra những thế hệ kiến trúc sư tương lai và thay đổi tư duy của những đội ngũ giảng dạy về cái nghề được mệnh danh là nghề “xác định gout thẩm mỹ cho xã hội”.
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên: Cần có hồ sơ di sản đô thị
Tôi nghĩ trước hết cần làm rõ trong vô số cái cũ đang có mặt, thì cái gì là di sản, hoặc có giá trị, cái gì là cái cũ thuộc về thói quen cảm xúc thuần túy đã đến lúc phải xóa đi để tạo ra những giá trị mới. Muốn vậy, phải có những bộ hồ sơ, tư liệu tương ứng những tiêu chuẩn văn hóa và tự nhiên thật rõ ràng để những gì gọi là di sản không bị chết oan, chết tức tưởi và những thứ nhốn nháo ấu trĩ nhất thời trong quá khứ cứ mặc nhiên tồn tại.
Điều đáng tiếc là chính vì chúng ta chưa có bộ tư liệu thật rõ ràng về di sản, ngay cả những người đang sống, làm việc trong những công trình, không gian di sản cũng không hiểu biết đầy đủ về giá trị của chúng, nên mới sinh ra chuyện thích thì đập, đốn, xây mới một cách lạnh lùng.
Một điều nữa, với tư duy giản đơn, hạn hẹp (và có thể vì thói tư lợi nữa), nhiều người có quyền cứ nghĩ rằng tạo ra thật nhiều những thứ công năng, thực dụng là đủ cho đô thị phát triển, trong khi đó, quá xem nhẹ yếu tố bền vững như sinh thái, văn hóa, lịch sử - những giá trị tinh thần làm gắn bó thị dân với chính đô thị mà họ sinh sống.
Khó có thể có sự hài hòa nếu như người có quyền không biết lắng nghe ý kiến các tổ chức dân sự chuyên môn và ý kiến người dân, cứ vô tư xóa cũ xây mới, vô tư đặt cộng đồng xã hội vào thế đã rồi.
Nhạc sĩ Nguyễn Nho Trường Sa: Sài Gòn chưa bao giờ cũ
Trong tôi, Sài Gòn chưa bao giờ là cũ. Nhìn những hàng cây hàng trăm năm tuổi bị đốn ngã, thay vào đó là ga tàu điện ngầm, không chỉ riêng tôi mà nhiều người gắn bó, yêu quý Sài Gòn cảm thấy mất mát, hụt hẫng.
Người ta thường nói: cái cũ không đi thì làm sao cái mới đến. Nhưng theo tôi, con người cần hết sức cân nhắc và sáng suốt trong vấn đề tu sửa - phá bỏ - phát triển cho hợp lý. Tượng Trần Nguyên Hãn bao năm chứng kiến Sài Gòn đổi thay, giờ đây cũng bị dời đi. Thương xá Tax giờ cũng chỉ còn vương đọng trong ca khúc Chiều trên phá Tam Giang… Giống như một con người, sự thay đổi phần lớn nằm ở việc phát triển trí não, cảm xúc. Còn chân tay, cơ bắp là sự luyện tập, tu bổ chứ không thể chặt cánh tay cũ thay vào cánh tay mới. Sài Gòn cũng vậy thôi.
Họa sĩ Ngô Lực: Câu hỏi là: Tại sao?
Đối với tôi, nếu nói về sự thay đổi hoặc bảo tồn của cá nhân thì đôi lúc khá mâu thuẫn, có nhiều thứ tôi không thể chịu được khi nó cứ lặp đi lặp lại, đồng thời có nhiều thứ tôi muốn quay về cái thời kỳ hoang sơ hoặc lưu giữ những thứ đã qua như không bao giờ muốn nó biến đổi. Vấn đề này thuộc vào quan điểm về cái đẹp và cái đúng đắn mang tính cá nhân, sẽ chẳng bao giờ có một kết luận chung và đầy đủ. Nhưng ở mức bao quát mà nói thì tôi luôn ủng hộ cho sự đổi mới, sáng tạo, khác biệt. Trên lăng kính ấy thì tôi cho rằng sẽ không cần phân biệt đâu là cũ, đâu là mới, mà chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Tại sao phải lưu giữ hoặc phá bỏ?
Trên thực tế có bao nhiêu thứ căn bản thuộc về truyền thống, sự tốt đẹp đã bị mất đi, hoặc bỏ bê, phá hoại không thương tiếc, đồng thời cũng có bao nhiêu thứ vô lý, hủ lậu, phản văn minh, phản phát triển vẫn ngang nhiên tồn tại với những lý do đa phần là ấu trĩ hoặc ngụy biện. Đứng trước những vấn đề như vậy thì để kết luận cho việc thay đổi hay không thay đổi cần phải có những phản biện và kiểm chứng đa chiều. Việc bảo tồn hoặc thay đổi ảnh hưởng rất lớn cho sự phát triển của đất nước, chính vì vậy quyết định này không thể là quyền của một tổ chức hay một cá nhân nào.
Thương xá Tax và bùng binh cây liễu trong sách Sài Gòn xưa vừa phát hành của KTS Lê Hưng Trọng, sinh ra và lớn lên tại Ninh Thuận. Kể từ khi những bản vẽ đầu tiên trong sách này xuất hiện trên mạng, đã có hàng chục ngàn lượt chia sẻ, nhất là từ giới trẻ. |
Văn Bảy (ghi)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags