Ông Rishi Sunak đã chính thức trở thành Thủ tướng thứ 57 của nước Anh sau khi diện kiến Vua Charles III tại Cung điện Buckingham. Ông cũng là vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong nền chính trị hiện đại Anh, đồng thời là Thủ tướng da màu và là thủ tướng gốc Ấn đầu tiên trong lịch sử nước Anh. Trên cương vị mới, ông Rishi Sunak sẽ có trọng trách đem lại sự ổn định cho đất nước sau quãng thời gian bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế.
Ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng
Chính trường Anh kể từ sau khi người dân lựa chọn con đường rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã liên tục đối mặt với nhiều biến động. Từ năm 2019, ông Boris Johnson đã trở thành Thủ tướng trong bối cảnh có nhiều “sóng gió” trong tiến trình Brexit đưa nước Anh rời khỏi EU.
Không thể phủ nhận, trên cương vị Thủ tướng, ông Johnson đã dẫn dắt nước Anh rời EU thành công với một thỏa thuận, dần dần tạo lập được vị thế mới của nước Anh trên bản đồ địa chính trị thế giới, cũng như hoạch định đường hướng phát triển kinh tế của Anh trong giai đoạn hậu Brexit. Tuy nhiên sau đó ông Johnson đã liên tục vướng vào những bê bối liên quan đến vi phạm quy định phòng dịch COVID-19 khiến ông phải từ chức vào ngày 7/7/2022.
Sau đó vào ngày 6/9/2022, bà Liz Truss đã nhậm chức Thủ tướng sau khi giành chiến thắng trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ với đối thủ của bà là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak. Khi lên làm Thủ tướng, bà Truss đã thực hiện đúng cam kết triển khai chính sách kinh tế có tên “Gói ngân sách nhỏ” với mục tiêu giảm thuế hộ gia đình và hóa đơn năng lượng trong khi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kế hoạch ngân sách dự kiến sẽ giảm sàn thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 19% và mức trần xuống 40%. Thế nhưng chỉ sau ít tuần thực hiện, “Gói ngân sách nhỏ” bị cho là giúp người giàu hưởng lợi, ngân sách chính phủ sụt giảm bởi các khoản thuế hạ thấp. Nỗi lo nợ công gia tăng khiến lãi suất trái phiếu tăng cao. Đồng bảng Anh trượt giá lịch sử so với đồng USD.
Những bất ổn trên đã buộc Thủ tướng Liz Truss cách chức Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng vào ngày 17/10 và bổ nhiệm ông Jeremy Hunt thay thế. Cùng với động thái này, bà Truss đã có màn đảo ngược chính sách được cho là “lịch sử” khi hủy bỏ hầu hết những nội dung quan trọng nhất trong “Gói ngân sách nhỏ”.
Cụ thể, Bộ trưởng Jeremy Hunt rút lại kế hoạch bãi bỏ mức thuế thu nhập 45% đối với những người kiếm hơn 150.000 bảng Anh/năm, không giảm thuế suất 20% đối với những người có thu nhập cơ bản cho đến khi tình hình kinh tế cho phép... Thay đổi gây “sốc” nhất là việc Chính phủ chỉ hỗ trợ chi phí năng lượng cho người dân trong vòng 6 tháng, thay vì 2 năm như kế hoạch ban đầu. Đến tháng 4/2023, Chính phủ sẽ tìm phương án mới để hỗ trợ những người khó khăn nhất.
Và những bất ổn này đã khiến uy tín của đảng Bảo thủ giảm mạnh, đồng thời khiến bà Liz Truss phải tuyên bố từ chức vào ngày 20/10, đánh dấu thời gian cầm quyền ngắn nhất trong lịch sử nước Anh-chỉ với 45 ngày.
Ngay sau khi Thủ tướng Liz Truss tuyên bố từ chức, các lãnh đạo đảng Bảo thủ đã tiến hành bầu chọn người kế nhiệm vị trí Thủ tướng Anh. Tham gia cuộc đua lần này có cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Chủ tịch Hạ viện Penny Mordaunt. Tuy nhiên, chỉ có ông Sunak là ứng cử viên nhận được sự ủng hộ cần thiết của 100 nhà lập pháp, do đó tự động giành chiến thắng trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ. Trong khi đối thủ của ông là Chủ tịch Hạ viện Penny Mordaunt đã không nhận được đủ sự ủng hộ, do đó, tuyên bố rút lui và ủng hộ ông Rishi Sunak trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Ngày 25/10, ông Rishi Sunak đã chính thức trở thành Thủ tướng Anh sau khi được Vua Charles III bổ nhiệm trong buổi lễ tại Điện Buckingham. Ngay sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Anh đã tiến hành kiện toàn nội các sau khi nhiều bộ trưởng dưới thời cựu Thủ tướng Liz Truss từ chức hoặc bị sa thải.
Những bài toán hóc búa cần lời giải
Sinh ra và lớn lên tại Anh trong một gia đình gốc Ấn Độ nhập cư theo đạo Hindu, từ nhỏ, tân Thủ tướng Anh Sunak được đào tạo bài bản, theo học chuyên ngành kinh tế tại các trường hàng đầu của Anh và Mỹ, như trường Đại học Winchester College thuộc Đại học Lincoln, Oxford (Anh) và thạc sỹ MBA tại trường Đại học Stanford (Mỹ). Sau đó, ông làm việc cho một số công ty tư nhân và đến năm 2015, ông bắt đầu theo đuổi sự nghiệp chính trị.
Ông Sunak trở thành nghị sĩ đảng Bảo thủ vào năm 2015 và hoạt động chính trị tích cực trong suốt 2 năm sau đó. Chương trình nghị sự chính của ông Sunak vào thời điểm đó chủ yếu xoay quanh Brexit (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland rời khỏi Liên minh châu Âu), và bản thân ông cũng ủng hộ việc Anh rời EU. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019, ông Sunak giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson trong hai năm rưỡi, nhưng sau đó đã từ chức vào tháng 7/2022 với lý do có nhiều khác biệt trong cách tiếp cận về nền kinh tế của ông so với Thủ tướng Johnson.
Sau khi Thủ tướng Boris Johnson từ chức hồi tháng 7/2022, cựu Bộ trưởng Sunak cũng là đối thủ của cựu Thủ tướng Liz Truss trong cuộc đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ. Trong cuộc đua này, dù ông đã thua trước bà Truss ở vòng 2 song ông cũng đã chứng minh được gói cắt giảm thuế của Thủ tướng Liz Truss là không phù hợp, gây ra hỗn loạn trên thị trường vào tháng 9 vừa qua, dẫn đến sự ra đi của bà Liz Truss vào ngày 20/10. Việc bà Truss buộc phải từ chức chỉ sau vỏn vẹn 45 ngày cầm quyền đã mở đường để ông Sunak "tiếp quản" vai trò thủ tướng. Giờ đây, nhiệm vụ ổn định nền kinh tế đang chao đảo của Anh sẽ được đặt lên trên vai ông Sunak.
Trở thành Thủ tướng mới của nước Anh, ông Rishi Sunak "thừa kế" một nền kinh tế vốn đang trên đà suy thoái sau một thời gian dài nước Anh bị cuốn vào vòng xoáy bất ổn chính trị, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng năng lượng, chi phí sinh hoạt và lạm phát tăng cao. Và nhiệm vụ của tân Thủ tướng Sunak là cần sớm chấm dứt những xáo trộn và khôi phục danh tiếng của nước Anh sau nhiệm kỳ thủ tướng ngắn ngủi của bà Liz Truss. Ông Sunak sẽ phải nhanh chóng tìm lời giải cho những bài toán khó gồm ổn định nội bộ, giải quyết khủng hoảng tài chính công, kiềm chế lạm phát đang leo thang, hóa đơn năng lượng tăng vọt và nguy cơ thiếu điện trong năm 2023, vấn đề thực thi Nghị định thư Bắc Ireland, xung đột Nga-Ukraine...
Các dữ liệu ngày 24/10 cho thấy kinh tế Anh tiếp tục suy giảm mạnh hơn trong tháng 10, với sản lượng của khu vực tư nhân giảm xuống mức thấp nhất trong 21 tháng qua. Tình trạng bất ổn kinh tế và chính trị gia tăng đã khiến hoạt động kinh doanh lao dốc với tốc độ chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, nếu không tính đến những tháng phong tỏa do đại dịch COVID-19. Nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, Chris Williamson, nhận định những dữ liệu sắp tới chắc chắn sẽ cho thấy kinh tế Anh đã rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, dư luận vẫn hy vọng ông Sunak, một cựu Bộ trưởng Tài chính, sẽ mang lại sự ổn định cho các thị trường. Ngay từ khi còn trong cuộc đua với bà Truss để tranh vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, kế nhiệm ông Boris Johnson làm Thủ tướng Anh diễn ra hồi tháng 9, ông Sunak đã sớm cảnh báo các chính sách dựa vào nợ công để cắt giảm thuế của bà Truss là sai lầm. Và cảnh báo đó đã trở thành sự thực, thể hiện qua những diễn biến rối ren trên thị trường, đồng bảng Anh mất giá, nợ trái phiếu chính phủ tăng mạnh sau khi chính phủ của bà Truss công bố chính sách cắt giảm thuế.
Ngoài thách thức trước mắt là ổn định kinh tế, nước Anh cũng có nhiều thách thức kinh tế lâu dài cần vượt qua. Đó là chính phủ mới sẽ phải cố gắng thực hiện thành công Brexit như thế nào, điều mà cho đến nay đã khiến giao dịch thương mại với các nước láng giềng thân cận nhất của Anh trở nên cồng kềnh và tốn kém hơn? Liệu chính phủ có thể thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa thủ đô London và phần còn lại của đất nước? Giữa một cuộc khủng hoảng năng lượng, liệu chính phủ có đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý cho mức phát thải carbon ròng bằng không?
Bên cạnh nhiệm vụ ổn định kinh tế, việc ổn định chính trị cũng là một thách thức không nhỏ với tân Thủ tướng Anh. Các nhà quan sát cho rằng, việc ông Sunak cần phải làm là đoàn kết nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền vốn đang bị chia rẽ trong vài năm qua. Hiện đã có cảnh báo về việc hàng chục nghìn đảng viên cơ sở sẽ rời khỏi đảng Bảo thủ do không được bỏ phiếu bầu lãnh đạo. Những thành viên ở lại sẽ ít có xu hướng vận động cho ứng cử viên địa phương tại cuộc bầu cử tiếp theo, khiến cho Công đảng có nhiều khả năng chiến thắng hơn trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
- Ông Rishi Sunak chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng Anh
- Ông Rishi Sunak sẽ trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh
- Cựu Thủ tướng Boris Johnson từ bỏ 'cuộc đua' trở thành tân Thủ tướng Anh
Trong khi đó, áp lực kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn cũng đang ngày càng gia tăng. Các đảng đối lập như Công đảng, Dân chủ Tự do, Dân tộc Scotland đã tuyên bố cần tiến hành ngay cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, do những yếu kém về kinh tế kéo dài mà đảng Bảo thủ đã gây ra cho nước Anh và ông Sunak không có được sự ủy thác thông qua bầu cử của cử tri cả nước.
Có thể thấy, trước mắt tân Thủ tướng Anh là rất nhiều trọng trách vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề khi phải "chèo lái" nước Anh giữa cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II. Mặc dù vậy, dư luận trong lẫn ngoài nước Anh vẫn rất kỳ vọng ông Sunak sẽ ổn định được nền kinh tế và tình hình chính trị dù rằng rất khó để có thể phân định nhiệm vụ nào khó khăn hơn trong hai nhiệm vụ này.
Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)
Tags