Câu chuyện về tình phụ tử vẫn luôn là đề tài thu hút nhiều người xem. Càng đặc biệt hơn, khi phim Việt khai thác sâu hơn ở những người làm bố đơn thân.
Rơi vào cảnh "gà trống nuôi con", không ít ông bố của màn ảnh Việt khiến người xem cảm thấy nể phục. Tuy mỗi người là một hoàn cảnh khác nhau, một cách dạy con khác nhau, nhưng ở họ vẫn luôn có tình yêu thương vô bờ bến dành cho những đứa con bé bỏng của mình.
Những ông bố đơn thân của màn ảnh Việt đã nhiều lần đi nước mắt của khán giả nhờ câu chuyện mà họ mang đến.
NSND Trung Anh - bố Sơn trong Về nhà đi con
Về nhà đi con từng là một "hiện tượng", phủ sóng khắp các diễn đàn ngay khi lên sóng. Câu chuyện xoay quanh cảnh "gà trống nuôi con" của ông Sơn với ba cô con gái, với đủ hỷ - nộ - ái - ố trong đời. Người đảm nhận vai diễn người bố này là NSND Trung Anh. Sau khi bộ phim lên sóng, NSND Trung Anh còn được mệnh danh là "ông bố quốc dân".
Ông Sơn vẫn luôn mang trong mình nỗi day dứt về câu chuyện trong quá khứ và lỗi lầm với người vợ đã mất. Các con gái của ông cũng lớn lên với ba tính cách khác nhau và số phận khác nhau. Cứ thế họ lớn lên, trải qua những biến cố trong hôn nhân và cuộc sống. May mắn rằng, sau tất cả những giông tố ngoài kia, lúc nào họ cũng có người bố sẵn sàng bao dung, tha thứ đón con quay trở về.
Một phân cảnh nổi bật của ông Sơn đã khiến khán giả khóc hết nước mắt, là ngày chứng kiến cô con gái rượu không hạnh phúc, ông chỉ biết con vào lòng mà chua chát. Vừa ôm con vừa nói: "Con cũng thấy đấy, giờ bố già nua, lẩm cẩm, giáo điều. Nhưng bố có tình yêu, tình yêu và ngôi nhà để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về. Về nhà đi con! Về nhà với bố”.
Có lẽ, với kinh nghiệm dày dặn, cùng lối diễn nội tâm, NSND Trung Anh đã khắc họa thành công nhân vật ông bố khắc khổ, hết lòng yêu thương con. Chỉ với ánh mắt và khuôn mặt, mọi cảm xúc của một người đàn ông từ ân hận, xót xa, đến lo lắng, bất lực và cả hạnh phúc, tất cả đều được làm nổi bật, chạm đến trái tim người xem.
NSND Công Lý - ông Lâm trong phim Khi đàn ông góa vợ bật khóc
Lên sóng năm 2013, Khi đàn ông góa vợ bật khóc đánh dấu sự trở lại của nghệ sĩ Công Lý sau thời gian dài vắng bóng trên truyền hình. Từng ghi dấu ấn qua nhiều vai diễn hài, nên vai ông Tùng Lâm được xem là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của nam nghệ sĩ. Ông Tùng Lâm là một người đầu bếp giỏi và hết lòng yêu thương vợ và 3 cô con gái.
Tuy nhiên, trong lần sinh hạ cô con gái út, vợ ông đã qua đời, để lại mình ông vừa làm cha, vừa làm mẹ, nuôi nấng các con nên người. Số phận của ông Lâm và ông Sơn trong Về nhà đi con vì thế mà có nhiều nét tương đồng. Ông Lâm cũng luôn sẵn sàng bao bọc, che chở cho các con và tha thứ cho mọi lỗi lầm của con. Bởi ông biết, cuộc sống của những cô con gái rượu ngoài xã hội cũng chẳng suôn sẻ gì.
Tình huống phim sau đó được đẩy lên cao trào, khi ông Lâm biết mình mắc bệnh Alzheimer – căn bệnh trầm cảm và mất trí nhớ của người già. Ông không còn nhớ mình là ai và những ký ức về vợ và các con chỉ là những khoảng trống vô hình. Điều này khiến ba cô con gái của ông cũng rơi vào thế bị động. Họ vừa phải lo chăm sóc, phụng dưỡng cha già, một mặt vẫn phải đối mặt với khó khăn hàng ngày không ngừng bủa vây.
NSƯT Hoàng Hải - vai ông Lưu trong Cuộc đời vẫn đẹp sao
Khác với hai "bố già" ở trên, vai Lưu của NSƯT Hoàng Hải có phần trẻ trung, hài hước và "thanh niên tính" hơn. Ông Lưu chỉ có duy nhất một cậu con trai và đó cũng là niềm tự hào lớn nhất cuộc đời ông. Vợ Lưu bỏ đi khi con còn đỏ hỏn vì chê bố con ông nghèo. Câu chuyện của bố con Lưu được khai thác sau vào đời sống thiếu thốn, vật chất.
Tuy lúc nào cũng tự hào rằng mình có cậu con trai vừa đẹp trai vừa học giỏi, nhưng trong mắt Lưu đôi khi vẫn thoáng chút mặc cảm về hoàn cảnh của mình. Một người đàn ông quanh năm làm cửu vạn ở chợ đầu mối, dành dụm nuôi và cho con ăn học. Lưu dành hết những gì tốt đẹp nhất có thể cho con, còn bản thân chỉ cần ở một ngôi nhà tạm bợ, cũ kỹ, dột nát.
Câu chuyện về bố con Lưu vẫn còn là ẩn số chưa được khai thác nhiều. Nhưng khán giả kỳ vọng, đây sẽ là một câu chuyện mới về tình phụ tử, về những người đàn ông phải làm bố đơn thân. Qua đó, đem đến những thông điệp giá trị, ý nghĩa và đậm nhân văn.
Tags