(Thethaovanhoa.vn) - Để có thêm các chứng cứ thuyết phục về “nôi phát triển loài người” tại An Khê (Gia Lai), hơn 200 học giả, nhà nghiên cứu của nhiều nước đã tụ về An Khê tham dự hội thảo quốc tế “Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè hai mặt ở châu Á”.
Theo đó trong 2 ngày 29-30.3, tại thị xã An Khê các nhà nghiên cứu đã tiếp tục khảo sát, nghiên cứu tại thực địa các di chỉ khảo cổ đồ đá cũ, cùng nhau thảo luận chuyên sâu về các hiện vật, tầng văn hóa, trầm tích và các chứng cứ xác thực khoa học từ các mẫu vật được tìm thấy trong quá trình khai quật.
Viết tiếp câu chuyện Việt hơn 800.000 năm
Sau khi các hiện vật đồ đá cũ được phát hiện tại một số di chỉ trên thềm sông Ba cổ thuộc thị xã An Khê, niềm vui này nhanh chóng được PGS. TS Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) báo về cơ quan chủ quản, và một cuộc hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Khảo cổ - Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Liên bang Nga nhanh chóng diễn ra. Theo đó, các chuyên gia Nga sẽ đến Việt Nam để cùng thám sát, khai quật.
Nhiều tháng năm gắn kết và đưa ra các định hướng sau mỗi ngày khảo sát, đo đạc, đến nay các chuyên gia khảo cổ học đã phát hiện 24 di chỉ khảo cổ thuộc sơ kỳ đá cũ và có 4 địa điểm đã được khai quật gồm Gò Đá, Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7. Qua đó, có trên 1.000 hiện vật đá được phát hiện trong các hố đào, đồng thời có trên 600 mảnh thiên thạch được phát hiện đồng thời cùng hiện vật đá ngay tại tầng văn hóa. Với các tiêu bản mẫu thiên thạch, các chuyên gia Nga đã đưa về nước phân tích kết quả bằng phương pháp K/Ar cho niên đại ở di tích Gò Đá (phường An Bình) là 806.000 ± 22.000 năm và Rộc Tưng 1 là 782.000 ± 20.000 năm cách ngày nay.
Từ những những hiện vật, tầng văn hóa và khẳng định niên đại bằng chính các chứng cứ khoa học về giá trị hiện vật đồ đá vừa được tìm thấy tại An Khê - Việt Nam, các chuyên gia đã công bố phát hiện tại nhiều ấn phẩm khoa học trên toàn thế giới. Qua đó, thu hút thêm nhiều nhà nghiên cứu tìm về Việt Nam để chứng kiến sự phát triển của loài người từ 800.000 năm trước thông qua các hiện vật đá với kỹ nghệ ghè 2 mặt tiêu biểu cho toàn hệ thống các di chỉ khảo cổ vừa được phát hiện tại đây.
Theo TS Alexander Kandyba, Viện Khảo cổ - Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) cho biết, sau 5 năm kể từ thời điểm tiến hành khai quật ở An Khê, đến hiện tại chúng ta có thể biết được rằng trên thế giới có rất nhiều địa điểm giống với địa điểm sơ kỳ đá cũ ở An Khê. Trong đó, đặc biệt nhất là địa điểm ở Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc), một trong những địa điểm đã phát hiện ra một hệ thống các di tích, với niên đại cũng tương tự như ở An Khê. Đặc biệt, tại An Khê công cụ ghè 2 mặt của kỹ nghệ ghè An Khê khác xa với kỹ nghệ chế tác ở châu Âu và sự vắng mặt các công cụ bôn, kỹ thuật ghè khác ở An Khê, điều này càng cho chúng ta tin tưởng sự xuất hiện của kỹ nghệ ghè 2 mặt ở An Khê là kết quả tiến hóa hội tụ nội tại. Đây là một địa điểm mang một dấu ấn văn hóa rất đặc biệt giữa vùng Đông Nam Á và Nam Á ở khu vực châu Á.
Vui mừng về phát hiện và được các chuyên gia đánh giá cao về hội thảo lần này, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cho rằng, việc phát hiện các di chỉ khảo cổ tại An Khê mở ra một hướng đi mới về thời điểm bắt đầu của lịch sử Việt Nam. Đồng thời, đưa Việt Nam vào bản đồ sơ kỳ đá cũ trong bản đồ phân bố sự phát triển loài người trên toàn thế giới. Đây chính là con đường mở ra cho chúng ta xây dựng một khu trung tâm nghiên cứu nguồn gốc loài người.
Cần cơ chế đầu tư, nghiên cứu tầm quốc gia
Những nghiên cứu, phát hiện khảo cổ học mới đây ở An Khê đã thực sự mở ra triển vọng lớn cho các chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu lâu dài của nhiều chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Do vậy, việc xây dựng quy hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa khảo cổ tiền sử ở đây là hết sức cần thiết; góp phần thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói chung và vùng đất An Khê nói riêng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy An Khê cho rằng, theo đánh giá và nhận định từ các chuyên gia, việc phát hiện các di chỉ khảo cổ học thời sơ kỳ đá cũ tại An Khê cùng các công bố về niên đại cho thấy tầm quan trọng phục vụ nghiên cứu của các chuyên gia thế giới về lịch sử phát triển của loài người tại đây. Để bảo vệ, lưu giữ các giá trị nằm dưới lòng đất nguyên vẹn, thị xã sẽ tích cực phối hợp cùng cơ quan của tỉnh tiến hành khoanh vùng, liên hệ người dân để đưa ra phương pháp bảo vệ, phát triển theo hướng du lịch, phục vụ nghiên cứu trong thời gian đến.
Hiện các hiện vật, hình ảnh khai quật đã được trưng bày, giới thiệu tới công chúng tại Bảo tàng thị xã An Khê với một không gian mới riêng biệt, phù hợp với loại hình di chỉ khảo cổ đồ đá cũ vừa được phát hiện tại thung lũng An Khê. Tại đây, các hiện vật tiêu biểu được trưng bày cùng các hình ảnh sinh động giới thiệu về quá trình hình thành phát triển của loài người, nơi sinh sống của con người nguyên thủy trên toàn thế giới.
Cùng với địa phương, các nhà khoa học cũng mong muốn quần thể di chỉ khảo cổ học tại An Khê sớm được đầu tư nghiên cứu, bảo tồn ở tầm quốc gia. Theo PGS.TS Nguyễn Gia Đối, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, Hội thảo khoa học quốc tế lần này ngoài việc tập trung thông báo về những kết quả nghiên cứu về An Khê trong vòng 5 năm vừa qua, Viện Khảo cổ học sẽ tranh thủ ý kiến phản biện của các chuyên gia trong và ngoài nước, các học giả, nhà nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới để tiến tới xác định giá trị thực sự của An Khê, xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia cho di tích này. Đồng thời, mở ra những nghiên cứu mới, chuyên sâu về An Khê.
Về phía chuyên gia Nga, người có 5 năm gắn bó khai quật, nghiên cứu tại An Khê, TS Anatony Derevianko Viện Hàn lâm khoa học Nga nhấn mạnh, cần trao cho địa phương một tầm nhìn và chiến lược mới trong nghiên cứu, phát huy giá trị khảo cổ học to lớn vừa được phát hiện tại thung lũng An Khê. Với những hiện vật vàqua nghiên cứu có thể khẳng định An khê là một trong những cái nôi cổ xưa nhất trong lịch sử phát triển của loài người trên thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu nếu được 2 Chính phủ đồng ý. Riêng địa phương Gia Lai cần có sự liên kết chặt chẽ để phát triển tổng quan cho khu vực này như văn hóa, dân tộc bản địa kết hợp học tập, nghiên cứu các di chỉ khảo cổ.
Với những hiện vật và qua nghiên cứu có thể khẳng định An Khê là một trong những cái nôi cổ xưa nhất trong lịch sử phát triển của loài người trên thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu nếu được 2 Chính phủ đồng ý. Riêng địa phương Gia Lai cần có sự liên kết chặt chẽ để phát triển tổng quan cho khu vực này như văn hóa, dân tộc bản địa kết hợp học tập, nghiên cứu các di chỉ khảo cổ. (TS Anatony Derevianko Viện Hàn lâm khoa học Nga) |
Việc phát hiện các di chỉ khảo cổ tại An Khê mở ra một hướng đi mới về thời điểm bắt đầu của lịch sử Việt Nam. Đồng thời, đưa Việt Nam vào bản đồ sơ kỳ đá cũ trong bản đồ phân bố sự phát triển loài người trên toàn thế giới. Đây chính làcon đường mở ra cho chúng ta xây dựng một khu trung tâm nghiên cứu nguồn gốc loài người. (PGS.TS Nguyễn Khắc Sử) |
Theo Báo Văn hóa
Tags