Anna May Wong (1905 - 1961), ngôi sao điện ảnh ở Hollywood, đã trở thành người Mỹ gốc Á đầu tiên được in chân dung trên một đồng tiền của Mỹ. Khuôn mặt của bà xuất hiện trên đồng tiền mệnh giá 25 xu bắt đầu từ ngày 24/10 vừa qua.
Anna May Wong từng làm việc ở Hollywood trong thời kỳ còn tồn tại nạn phân biệt chủng tộc và những định kiến công khai. Nhưng, bà vẫn tạo được dấu ấn trong sự nghiệp diễn xuất của mình với hơn 60 bộ phim, trải dài từ phim câm cho đến thời kỳ hoàng kim của Hollywood.
Minh tinh gốc Á với những kỷ lục đầu tiên
Bà sinh năm 1905 tại một khu phố người Hoa ở thành phố Los Angeles, là con gái của một chủ tiệm giặt là có tên Sam Sam Kee, thuộc thế hệ người Trung Quốc thứ 3 trên đất Mỹ. Khi không ở trường học hay trong tiệm giặt ủi, bà bắt đầu dành thời gian quanh quẩn ở các xưởng phim. Năm 11 tuổi, bà đã chọn nghệ danh Anna May Wong.
Vai chính đầu tiên của bà là trong bộ phim câm The Toll Of The Sea (1922). Với vai diễn này, Anna May Wong gây được tiếng vang. Nhưng do những kỳ thị về sắc tộc thời bấy giờ nên bà vẫn chưa được giới làm phim công nhận rộng rãi.
19 tuổi, bà tạo dấu ấn nhờ lối diễn giàu cảm xúc với vai diễn người nô lệ trong phim The Thief Of Bagdad (1924). Cùng năm đó, bà cũng gây ấn tượng với vai người Eskimo trong phim The Alaskan và Tiger Lily trong Peter Pan.
Vào cuối những năm 1920, Wong chuyển sang châu Âu để theo đuổi sự nghiệp diễn xuất. Bà tiếp tục xuất hiện trong bộ phim câm Schmutziges Geld do Anh - Đức hợp tác sản xuất năm 1928, phim câm Picadilly (1929) của Anh và nhiều vai diễn khác. Bộ phim truyền hình Anh The Flame Of Love (Ngọn lửa tình yêu) đánh dấu bộ phim có lồng tiếng đầu tiên của bà. Tuy nhiên, trong thời gian ở châu Âu, Anna May Wong nhận thấy mình vẫn bị phân biệt đối xử và chỉ nhận được những vai diễn “na ná” nhau nên lại quyết định trở về Mỹ.
Sang thập niên 1930, Anna May Wong trở về Mỹ trong bối cảnh được báo chí châu Âu ca ngợi nhiều. Các nhà làm phim Hollywood bắt đầu nhìn nhận tài năng của bà. Cụ thể, hãng Paramount Picture đã đề nghị bà ký hợp đồng với nhiều vai chính.
Năm 1930, Anna May Wong đánh dấu sự trở lại này bằng vở diễn On The Spot gây tiếng vang lớn ở Broadway.
Tiếp đó, năm 1932, Anna May Wong diễn xuất cùng huyền thoại điện ảnh Đức Marlene Dietrich trong Shanghai Express. Các vai diễn khác của bà trong thập kỷ này có trong Dangerous To Know, A Study in Scarlet, Daughter Of The Dragon And King Of Chinatown. Năm 1951, Anna May Wong tham gia chương trình truyền hình có người Mỹ gốc Á đầu tiên là nhân vật chính, mang tựa đề The Gallery Of Madame Liu-Tsong, trong đó bà đóng vai một thám tử Trung Quốc.
Năm 1960, Anna May Wong tự mình sản xuất 2 bộ phim có tên Flower Drum Song và The World Of Suzie Wong. Đáng tiếc là trước khi 2 tác phẩm điện ảnh ra mắt công chúng, bà đã qua đời sau một cơn đau tim đột ngột ở tuổi 56.
Mặc dù không giành được giải thưởng nào nhưng Anna May Wong đã được gắn sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood.
Những phụ nữ “in dấu” lên lịch sử tiền xu
Đồng xu có chân dung Anna May Wong là đồng xu thứ 5 trong năm nay nằm trong chương trình “American Women Quarters” nhằm tôn vinh những thành tựu của phụ nữ Mỹ, được ra mắt hồi tháng 1 với khởi điểm là một đồng xu có in hình nhà thơ người Mỹ gốc Phi Maya Angelou.
Angelou là người đã chiến đấu cùng với nhà hoạt động dân quyền Martin Luther King vì quyền bình đẳng cho người da màu tại Mỹ. Bà mất năm 2014. Đồng 25 xu được phát hành khiến Angelou trở thành phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên nhận được sự tôn vinh như vậy. Hình ảnh đồng xu của Angelou có liên quan đến cuốn sách tự truyện I Know Why The Caged Bird Sings (1969) của bà, trong đó bà kể lại cuộc sống của mình khi lớn lên ở Mỹ trong thời kỳ phân biệt chủng tộc.
Bernhard Weisser, chuyên gia thuộc Bảo tàng Quốc gia ở Berlin, cho biết: “Quyết định khắc họa những nhân vật thuộc các dân tộc thiểu số trên đồng 25 xu cho thấy Mỹ đã phát triển nhận thức về sự đa dạng của xã hội”.
Thực tế, hình tượng phụ nữ trên tiền xu đã xuất hiện kể từ khi có nghề đúc tiền. Từ các nữ thần trong thời cổ đại đến những người cai trị trong thời kỳ Phục hưng, hoặc các nhà lãnh đạo trong thời hiện đại, nhiều hình tượng phụ nữ đã được bất tử hóa trên đồng tiền. Theo đó, một trong những trường hợp đầu tiên là Nữ hoàng Ptolemaic Arsinoe II của Ai Cập, vào thế kỷ 3 trước Công nguyên.
Tiền xu được đúc như một biểu tượng của quyền lực. Do đó, nhiều phụ nữ đã được miêu tả trên nhiều loại tiền tệ quốc gia - khi sinh thời hoặc sau khi qua đời - chủ yếu vẫn là các nhà lãnh đạo chính trị. Họ là nữ hoàng Cleopatra VII (69-30 TCN), nữ hoàng Naganika trong lịch sử Ấn Độ hay nữ hoàng của Đế chế La Mã Thần thánh Maria Theresa (1717 - 1780).
Các nhà cai trị nữ, giống như các đồng nghiệp nam, muốn sử dụng hình ảnh của họ trên đồng tiền để hợp pháp hóa quyền cai trị và khẳng định ảnh hưởng của họ đối với các quốc gia và đế chế. Ví dụ nổi tiếng nhất có thể là chân dung của Nữ hoàng Elizabeth II, người vẫn được khắc họa trên nhiều đồng tiền xu trong Khối thịnh vượng chung ngày nay.
Nhưng không chỉ có những người phụ nữ bằng xương bằng thịt mới có chân dung trên đồng tiền của đế chế mình. Các đế chế cổ đại, điển hình là Hy Lạp, đã từng khắc họa các vị nữ thầntrên đồng tiền của mình. Chẳng hạn, các nhà cai trị Hy Lạp tìm cách khắc họa lên các đồng tiền hình nữ thần Athena trong nhiều tư thế khác nhau, người Kushan ở Trung Á khắc hình các nữ thần Lakshmi và Ardochsho. Còn tại Ấn Độ, nữ thần Lakshmi từ lâu đã là vị thần được miêu tả thường xuyên nhất trên tiền xu.
Ngày nay, chúng ta hiếm khi tìm thấy các nữ thần trên đồng xu nhưng những hình tượng phụ nữ đóng vai trò biểu tượng vẫn xuất hiện như Marianne của Pháp, Madre Patria của Peru và Nữ thần Tự do (Lady Liberty) ở Mỹ.
- Nhiều ngôi sao điện ảnh ủng hộ Liên hoan phim quốc tế Berlin thay đổi cơ cấu giải thưởng
- Thượng Hải làm phim tiểu sử về nữ ngôi sao điện ảnh Mỹ gốc Hoa đầu tiên
- Hồi ký của một “ngôi sao điện ảnh” là... tinh tinh
Nhưng, kể từ thế kỷ 20, thế giới đã có xu hướng công nhận phụ nữ vì những đóng góp của họ cho xã hội. Ví dụ như cựu Đệ nhất phu nhân nổi tiếng của Argentina, Eva Peron (1919 - 1952), người có bức chân dung vẫn còn được lưu hành ngày nay trên đồng peso đặc biệt, và cựu Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi (1917 - 1984). Cả 2 đều được khắc họa trên tiền tệ quốc gia.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các chính phủ cũng bắt đầu công nhận phụ nữ ngoài lĩnh vực chính trị. Chẳng hạn, Diana, Công nương xứ Wales, đã có một loạt các đồng xu dành riêng cho bà. Ngày này, càng có nhiều phụ nữ được công nhận vì những đóng góp của họ cho nghệ thuật và khoa học hoặc những hoạt động xã hội.
Weisser cho biết: "Đã có nhiều phụ nữ gần đây được xuất hiện trên các đồng tiền với sự tôn vinh về hoạt động trong lĩnh vực từ thiện hoặc giáo dục. Nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện và cần thay đổi. Vì vậy, loạt tiền xu của Chương trình “American Women Quarters” phù hợp với thời đại” - Weisser nói.
Chương trình “American Women Quarters” Chương trình “American Women Quarters” gồm 20 đồng xu và sẽ được Cục Đúc tiền Kim loại Mỹ hoàn thành vào năm 2025. Những gương mặt dự kiến được khắc họa gồm có phi hành gia Sally Ride - là người phụ nữ đồng tính nữ đầu tiên được miêu tả trên tiền của Mỹ; nhà hoạt động dân quyền Nina Otero-Warren là phụ nữ gốc Tây Ban Nha đầu tiên, nhà soạn nhạc Edith Kanaka’ole, cựu Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt, diễn viên múa ballet Maria Tallchief... |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags