(Thethaovanhoa.vn) - “Hãy vùng lên” theo cách diễn đạt thông thường, còn trong bài phát biểu của nữ Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hôm 6/3, bà kêu gọi đàn ông “hãy hành động, hãy cất tiếng nói”, nhưng không phải để chống lại phụ nữ.
Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, đàn ông đều thầm kín, hoặc công khai, mong một ngày quốc tế đàn ông, song song với ngày Quốc tế Phụ nữ. Nhưng theo The Daily Beast, thực tế vẫn chưa đứng về phía họ.
Diễn viên Keira Knightley và thông điệp 8/3 gửi đến Thủ tướng Anh.
Nhưng điều đó chẳng dễ dàng gì, bởi nếu dễ, tại sao sau những 103 năm từ ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên (1909), phụ nữ vẫn đang đấu tranh?
Khi im lặng nghĩa là chống lại
Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka là Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kiêm Giám đốc Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và nữ quyền. Hôm 6/3, bà tuyên bố khởi động chiến dịch “HeForShe” (Đàn ông vì phụ nữ) bằng bài phát biểu Bình đẳng giới không phải là việc của riêng phụ nữ được đăng lại trên tạp chí Time.
Trong bài viết này, bà Mlambo-Ngcuka dẫn ra những lý do vì sao bình đẳng giới có lợi cho cả đàn ông và phụ nữ, rồi kêu gọi đàn ông hãy “biến tinh thần đó thành hành động, hãy cất tiếng nói đủ lớn, hãy “bước qua ranh giới” và “tham gia cùng phụ nữ để tạo nên sức mạnh to lớn”.
Bà viết, nhiều nhân vật được kính trọng trên thế giới, các nguyên thủ, lãnh tụ tôn giáo, các ngôi sao giải trí và thể thao, đã bước qua ranh giới để “đứng về mặt phải của lịch sử”. Bà cũng trích lời cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: “Một khi đàn ông im lặng, có nghĩa là họ cũng chống lại”.
Daniel Craig và câu hỏi chưa thể ngừng hỏi
Cũng nhằm trúng dịp 8/3, các nữ diễn viên nổi tiếng Keira Knightley, Salma Hayek, Gillian Anderson và nhiều đồng nghiệp khác gửi thư đến Thủ tướng Anh David Cameron đề nghị ông ủng hộ hoạt động đấu tranh vì nữ quyền ở Afghanistan. Dù nổi tiếng, giàu có, xinh đẹp, các ngôi sao nữ vẫn không đủ quyền lực và tầm ảnh hưởng nên cần nhờ cậy sự góp tay của một người đàn ông.
Và họ cũng không quên gửi vào dịp này để ý nghĩa của hành động được tô đậm thêm. Nhưng không có sao nam nào tham gia cùng họ. Dường như trong những năm qua, các ngôi sao nam cũng không có mấy hoạt động nổi bật. Vì thế, Phó tổng thư ký Liên Hiệp quốc mới phải kêu gọi họ.
Năm 2011, đúng dịp 100 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, nam diễn viên Daniel Craig gây chú ý với bộ phim ngắn 2 phút, trong đó anh hóa trang làm phụ nữ: đội tóc giả dài, mặc váy, đi giày cao gót. Cùng với diễn xuất của Craig, phim có giọng đọc của nữ diễn viên Judi Dench (vai M trong loạt phim về 007) phát đi các thông điệp về bình đẳng giới.
Kết thúc phim, M hỏi: “Vậy chúng ta có bình đẳng không? Cho đến khi câu trả lời là có, chúng ta sẽ không ngừng hỏi”. Không có nhiều ngôi sao giải trí nam giới có hành động nổi bật như Craig về chủ đề này.
Nay, nhiều người cho rằng đề tài bình đẳng giới đã được nói đến quá nhiều và phong trào nữ quyền, đấu tranh cả 1 thế kỷ nay, đã “xong xuôi” rồi. Nhưng thực tế là không phải, nhất là khi chiến dịch “HeForShe” được Liên Hiệp qốc phát động, người ta hiểu rằng vẫn chưa phải.
Bất kể những dấu hiệu tích cực xung quanh chúng ta trong cuộc sống thường ngày nói rằng tình hình đã khá lên, nhưng những thông tin trên báo chí thế giới về tấn công bạo lực, tình dục, các bé gái bị ép kết hôn, khoảng cách lớn về thu nhập… thì không nói vậy.
Tờ The Independent hôm 7/3 đưa những con số này lên trang nhất, với dòng tít: “Đây là cuộc đời bạn, nếu bạn là phụ nữ” và bình luận trên trang mạng: “Điều đó cho thấy vì sao ngày Quốc tế Phụ nữ vẫn quan trọng”. Không chỉ quan trọng ở chỗ người ta phải nhớ tặng hoa cho nhau, như ở Việt Nam.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Tags