(Thethaovanhoa.vn) - Ở World Cup 1982 tại TBN, Algeria đã tỏa sáng, trước khi phải về nhà vì một màn kịch đáng khinh bỉ của Đức và Áo.
Đó là một trong những vụ dàn xếp tỉ số trơ trẽn nhất lịch sử bóng đá. Trong lần đầu tiên họ ra mắt ở World Cup, Algeria đã tạo ra ảnh hưởng sẽ thay đổi giải đấu vĩnh viễn. Họ chơi một trong những trận hay nhất giải để đánh bại ứng cử viên vô địch Tây Đức, nhưng rồi phải về nhà trong cay đắng.
World Cup của những bất ngờ
Trận đầu tiên ở bảng 2, Tây Đức hùng mạnh đã bị Algeria vô danh hạ gục. Phải nói là thái độ của người Đức là rất đáng trách. HLV trưởng của họ, Jupp Derwall, thừa nhận ông đã đưa băng ghi hình các trận đấu của Algeria cho các cầu thủ, nhưng họ đã chẳng buồn xem.
Nếu có xem, hẳn các cầu thủ Đức đã nghĩ lại, bởi lẽ Algeria đã tới TBN sau khi đánh bại Nigeria trong 2 lượt trận và có những chiến thắng ấn tượng ở các trận giao hữu trước giải gặp Ireland, Real Madrid và Benfica.
Gặp Đức, nói rằng Algeria chơi áp đảo là quá lời, nhưng họ rõ ràng là đội chơi hay hơn trong hiệp 1 và xứng đáng với bàn mở tỉ số ở phút 54, nhờ công Rabah Madjer. Karl-Heinz Rummenigge gỡ hòa ở phút 67, nhưng ngay ở tình huống phát bóng lại sau đó, với 9 đường chuyền, Algeria lại đưa bóng vào lưới khi tiền đạo Lakhdar Belloumi có cơ hội dứt điểm trong thế không bị ai kèm.
Khi hòi cồi chung cuộc vang lên, các khán giả trên sân El Molinon đều vỗ tay vang dội chúc mừng Algeria. Trong khi đó, người Đức chỉ còn biết tự trách mình. “Ngang với vụ đắm tàu Titanic”, báo Sueddeutsche Zeitung giật tít. Hào quang của Algeria giảm bớt sau trận thua 0-2 trước Áo tiếp đó, nhưng họ hồi phục nhanh chóng ở trận cuối gặp Chile và dẫn 3-0 trong hiệp 1. Dù bị gỡ lại 2 bàn trong hiệp 2, chiến thắng 3-2 là đủ để Algeria đi tiếp trừ khi trận cuối của bảng đấu kết thúc với tỉ số chính xác 1 hoặc 2 bàn cách biệt cho Tây Đức trước Áo. Tất cả đã được dàn xếp đúng như thế. Tây Đức dẫn 1-0 từ sớm và suốt 80 phút cuối trận, 2 đội không có lấy một cú sút khung thành nào.
Vụ bê bối ở Gijon
Cơn thịnh nộ bùng lên ở Gijon và nhanh chóng lan ra toàn cầu, Algeria đã bị ăn gian trắng trợn. Báo chí TBN gọi trận đấu Đức-Áo là “vụ Anschluss”, ám chỉ việc Đức thôn tính Áo hồi thế chiến thứ hai. Ngay cả ở Đức và Áo người ta cũng không chấp nhận màn kịch thô thiển tại Gijon.
Eberhard Stanjek, bình luận viên trên đài truyền hình Đức ARD, gần như phát khóc sau trận đấu: “Những gì xảy ra ở đây thật đáng hổ thẹn và không liên quan gì tới bóng đá. Không phải lúc nào mục đích cũng có thể biện minh cho phương tiện”. Ở Áo, BLV trực tiếp yêu cầu người xem tắt ti-vi và không nói gì trong nửa giờ đồng hồ cuối trận. Cựu tuyển thủ Tây Đức Willi Schulz gọi các cầu thủ của Derwall là “lũ côn đồ”.
Nhưng những kẻ “thủ ác” không cho rằng họ đã làm gì sai. Trưởng đoàn Áo Hans Tschak tuyên bố: “Bóng đá là trò chơi chiến thuật. Những nếu 10 nghìn “đứa con sa mạc” ở đây muốn gây ra một vụ scandal thì là do ở đó có quá ít trường học. Một số lãnh chúa sống trong ốc đảo ở đó được hít thở bầu không khí World Cup sau 300 năm và nghĩ có quyền làm cha thiên hạ!”
Từ khắp thế giới, FIFA nhận được những lời kêu gọi trừng phạt 2 đội châu Âu hoặc cho đá lại trận đó, nhưng thay đổi duy nhất của FIFA là kể từ đó trở đi, những trận đấu cuối cùng ở một bảng sẽ phải được đá cùng giờ. “Algeria đã để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử bóng đá”, Belloumi kết luận. Ông hoàn toàn có lý.
1 World Cup 1982 là lần đầu tiên Algeria góp mặt ở giải vô địch bóng đá thế giới. Từ đó tới nay họ đã giành quyền chơi thêm 3 kỳ World Cup nữa vào các năm 1986, 2010 và 2014. 101 Lakhdar Belloumi, tiền đạo ghi bàn ấn định chiến thắng ở trận gặp Tây Đức, cũng là người đang giữ kỷ lục về số lần khoác áo ĐT Algeria với 101 lần, ghi 27 bàn. 2 Algeria có thành tích rất đáng tự hào trước Đức: đá 2 trận thắng cả 2, bao gồm tại World Cup 1982 và trận giao hữu năm 1964. |
Thể thao & Văn hóa
Tags