LTS: Cơn lốc nhạc số đã cuốn nhiều thương hiệu băng đĩa nổi tiếng một thời về nơi xa xăm. Thật tiếc. Một vài thương hiệu trong số đó vẫn đang trăn trở tìm con đường phát triển, nhưng khả năng tái lập những "quyền lực âm nhạc" ấy trong thời đại mới thì vẫn chỉ là mơ. Nếu tính từ sau ngày giải phóng (1975), TP.HCM có thế mạnh về cassette, video và sau đó là CD, DVD, thì lĩnh vực đĩa than ghi dấu ấn mạnh mẽ của Dihavina với các chương trình của những nhạc sĩ gạo cội và của các nghệ nhân. Bài viết của nhạc sĩ Quang Long, nguyên Phó Ban biên tập Dihavina, là những chia sẻ đầy tâm huyết về thương hiệu này. |
(Thethaovanhoa.vn) - Dihavina là cái tên một thời đình đám trong đời sống âm nhạc của người Việt trong nước và khắp nơi trên toàn thế giới. Rồi bỗng nhiên thương hiệu đầy quyền lực này gần như biến mất, giờ chỉ còn tồn tại mang ý nghĩa tượng trưng!
- Hội chợ băng đĩa Phương Nam 2017 chú trọng tới giới sưu tập
- Album Phạm Duy và Ngày hội băng đĩa tại Hà Nội
“Bà đỡ” mát tay
Bạn yêu nhạc, nhất là người Hà Nội, thập niên 1990 mấy ai không từng ngây ngất với những Hoa sữa qua giọng hát Thanh Lam; Nhớ về Hà Nội, Nhớ mùa thu Hà Nội của Hồng Nhung; còn Mỹ Linh là Hà Nội đêm trở gió”… Trước đó, hàng loạt ấn phẩm băng cassette liên tục được tung ra thị trường góp phần đưa hai giọng ca ngọt ngào Trung Đức và Thu Hiền thành những ngôi sao sáng giá. Nhiều trong số những bản thu âm đó, đều do một trong những chuyên gia âm thanh hàng đầu một thời, đồng thời là cựu giám đốc NXB Âm nhạc, nhạc sĩ Lương Dũng thực hiện.
Cả một cuộc đời hoạt động gắn với Dihavina, NS Lương Dũng không thể nhớ phòng thu đã thu cho bao nhiêu nghệ sĩ. “Cao điểm là những năm thập niên 1980 và 1990, phòng thu gần như hoạt động hết công suất” - NS Lương Dũng chia sẻ. Ông kể vài cái tên các nhạc sĩ được Dihavina thực hiện các ấn phẩm như Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Phạm Tuyên, Huy Du, Doãn Nho, Hồng Đăng… Ca sĩ thì có những giọng vang danh một thời như Trần Khánh, Thanh Huyền, Qúy Dương, Trần Hiếu, Kiều Hưng, Tiến Thành, Thanh Huyền, Vũ Dậu… Rồi Lệ Quyên (đang định cư tại Pháp), Vân Khánh, Ái Vân…
Âm nhạc truyền thống cũng rất được Dihavina chú trọng. Những album của vua hề chèo - cụ NSND Mạnh Tuấn, album ca trù của NSND Quách Thị Hồ, cùng các ca nương như bà Phúc, bà Tuyết, bà Kim Đức, kép đàn - cụ Phó Đức Ban… Song, tạo được “cơn sốt” cả nước phải kể tới cải lương. NS Lương Dũng cho biết, bắt đầu từ năm 1980 tới 1995, các chuyên gia Dihavina thường từ Hà Nội vào TP.HCM tiến hành thu âm. Kết quả là những vở cải lương bằng âm thanh có sự góp mặt của các bậc tiền bối như Út Trà Ôn, Tám Lang, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Vương… đã được khán giả cả nước đón nhận.
Bên cạnh đó, một dự án hợp tác dài hơi từ 1995 đến 1999 giữa Dihavina với Hội Nhạc sĩ VN, thực hiện băng cassette và sách cho hơn 400 hội viên cũng tạo nên một cú hích cho đời sống âm nhạc lúc bấy giờ. Khi mà trước đó các nghệ sĩ gần như không có cơ hội sở hữu album riêng.
Có thể nói, Dihavina là một trong những nơi chắp cánh cho hầu hết các nghệ sĩ âm nhạc tài năng của nước nhà một thời. Hơn nữa, tất cả những ấn phẩm, bản thu âm Dihavina đã thực hiện trong khoảng thời gian đó hiện nay trở thành cuốn lịch sử âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20 bằng âm thanh, và điều đó là vô giá.
Thương hiệu số một
“Tên Dihavina có nghĩa là đĩa hát VN, có từ năm 1978, khi Bộ Văn hóa thành lập Xưởng đĩa hát, sau đó nhanh chóng đổi thành Xí nghiệp đĩa hát và băng âm thanh. Tới năm 1985, phòng biên tập âm nhạc được tách ra khỏi NXB Văn hóa sáp nhập vào Xí nghiệp và lấy tên mới là NXB Âm nhạc, tên Dihavina vẫn được giữ như giữ một thương hiệu âm nhạc mang tầm vóc quốc gia”, ông Phạm Thịnh - cựu PGĐ NXB Âm nhạc chia sẻ.
Ngày đầu, Dihavina được bộ chủ quản quan tâm. Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Văn hóa VN với các nước Tiệp Khắc, Nhật Bản, Dihavina đã nhận được sự hỗ trợ từ hãng đĩa Suprafon (Tiệp) về việc hỗ trợ đào tạo biên tập, kỹ thuật phòng thu… Cả NS Lương Dũng cùng ông Phạm Thịnh đều đã từng có một năm học tại đây. Trong khi, Nhật Bản thì hỗ trợ về trang thiết bị. NS Lương Dũng kể, phía Nhật từng chở cả một chuyến phi cơ trang thiết bị phòng thu sang tài trợ cho Dihavina. Vì thế, trong suốt thời gian dài, Dihavina luôn là phòng thu chất lượng hàng đầu.
Sản xuất băng đĩa nhạc cũng có nhiều thay đổi theo sự phát triển của khoa học cùng ngành giải trí. Thời gian đầu khi Dihavina chủ yếu sản xuất đĩa than. Phần thu âm thực hiện trong nước, in đĩa tại Tiệp Khắc nên chất lượng đĩa than của Dihavina giai đoạn đó luôn đứng hàng đầu. Cho tới bây giờ, các đĩa than của Dihavina vẫn là loại đĩa được các nhà chơi âm thanh yêu thích và sưu tầm. Đáng kể là bộ sưu tập lên tới 200 đĩa than của cố nhạc sĩ An Thuyên.
Phải nói rằng dù trong thời điểm nào thì Dihavina vẫn có những sản phẩm mang dấu ấn, chứa đựng cả yếu tố phát hiện, định hướng. Chẳng hạn giai đoạn chúng tôi, khi đã có nhiều khó khăn, Dihavina vẫn sản xuất bộ gần chục DVD giới thiệu các di sản âm nhạc; hay CD “Xẩm Hà Nội” (2005) đánh dấu sự hồi sinh của dòng ca hát dân gian đặc sắc này.
Vĩ thanh
Dẫu vậy, kể từ thập niên 1990 đến nay, Dihavina dường như chưa bao giờ được yên ổn. Giai đoạn trước những năm 2010 nạn băng đĩa lậu hoành hành. Những năm gần đây thì thị trường băng đĩa nhạc ngày càng co lại, thay thế vào đó là những phương thức xuất bản mới mang dấu ấn thời công nghệ số. Nếp nghe đã thay đổi trong khi ý thức về thực thi bản quyền chưa được cải thiện.
Tất cả điều đó khiến Dihavina cùng các hãng băng đĩa cả nước lao đao. Tới 2016 thì NXB Âm nhạc và NXB Văn hóa Thông tin sáp nhập vào NXB Văn hóa dân tộc. Một cuộc “chảy máu chất xám” đã diễn ra nhanh chóng, trong đó, gần như toàn bộ các nhạc sĩ biên tập chuyển công tác hoặc nghỉ hẳn. Dẫu cái tên Dihavina chưa hoàn toàn mất đi nhưng giờ đây lại tồn tại ở một đơn vị mới không có mấy liên quan đến âm nhạc. Còn trong thâm tâm tôi, vẫn có những tiếc cho một thương hiệu âm nhạc, một ngôi nhà cho giới âm nhạc giờ chỉ còn “sống” trong ký ức của nhiều người.
Nguyễn Quang Long (Nhạc sĩ lý luận, nguyên Phó Ban biên tập Dihavina)
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất
Tags