(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ vài ngày sau vụ lùm xùm ở Nghệ An, trận đấu mà những người con xứ Nghệ xa xứ như Đình Luật và Sầm Ngọc Đức bị tố có thái độ thi đấu thiếu chuẩn mực khi gặp lại đội bóng quê hương (trận đấu thuộc vòng 1/8 Cúp quốc gia), thì tại sân Hàng Đẫy, đã lại vang lên tiếng “rắc” kinh hoàng sau pha vào bóng của Hồ Tấn Tài nhằm vào trụ của Dương Văn Hào, vốn đang ở thế cài bóng. Trận đấu trong khuôn khổ giải hạng Nhất quốc gia 2018 giữa Long An và Viettel. Kết quả, Văn Hào gãy chân, còn Tấn Tài bị tố chơi bạo lực.
- Lịch tường thuật trực tiếp vòng 7 V-League 2018
- Dự đoán vòng 7 V-League 2018: CLB TP.HCM - Thuyền chìm tại bến ?
- Vòng 7 Nuti Café V-League 2018: Chủ nhà giương oai
Trở lại với diễn biến ở chảo lửa Vinh trước đó. Đội trưởng Đình Luật của TP.HCM thậm chí muốn 'thượng cẳng chân hạ cẳng tay' với mấy đàn em khi tiếng còi mãn cuộc vang lên. Câu chuyện bắt đầu từ pha bóng Đình Luật tiễn tiền đạo Olaha rời sân theo phương song song với mặt đất ở phút thứ 89. Trong khi đó, pha vào bóng của Sầm Ngọc Đức với “idol” Văn Đức bị quy kết là hành vi xâm phạm thân thể. Kết quả: Sầm Đức bị phạt 20 triệu đồng kèm theo 4 trận cấm thi đấu, Đình Luật là 3 trận và 15 triệu đồng tiền án.
Khoan nói đến đúng sai, hay mức độ nguy hiểm của các pha vào bóng có chủ ý (hoặc không), nhưng một lần nữa sân cỏ nội lại như vào “huông” với các biểu hiện bạo lực, thậm chí là xâm hại thân thể (theo nhận định của Ban Kỷ luật VFF). Cuối mùa giải năm ngoái, thủ quân ĐTQG và CLB Hà Nội, Nguyễn Văn Quyết vì lỡ tay giật cùi vào mặt Xuân Tú, mà bị gạt khỏi danh sách rút gọn cuộc đua Quả bóng Vàng Việt Nam 2017, giải thưởng mà Quyết “rừng” được cho là một trong 2 ứng viên nặng ký (cùng Thanh Trung).
Vài năm trước, Tạ Thái Học sau pha bóng bị đốn gãy chân ở Pleiku, trận đấu giữa HAGL và K.Khánh Hòa (cũ) đã phải chia tay sự nghiệp ở tuổi 26 (năm ngoái), sau khi trở lại mà không thể cạnh tranh vị trí trong màu áo đội bóng phố Núi. Trần Anh Hùng (HV.An Giang) may mắn hơn trong tình huống bị Đình Đồng (SLNA) “đốn củi”, khi chuyển về đầu quân cho Hải Phòng. Một trong những pha va chạm kinh hoàng nhất phải thuộc về cú tước gầm giầy của Samson, buộc Nguyễn Huy Hoàng phải đi viện thẩm mỹ lại khuôn mặt…
Các hành vi bạo lực hoặc những pha vào bóng ác ý, kể cả ngày không hết, trên khắp các sân cỏ Việt Nam. Cuộc đối đầu giữa S.Khánh Hòa BVN và HAGL ở Nha Trang chiều qua cũng cực nóng, với đầy các pha bóng tiểu xảo, khiêu khích lẫn nhau của cầu thủ 2 đội, mà chủ yếu là cầu thủ chủ nhà. Trọng tài Nguyễn Văn Kiên đã có phần nương tay với Quốc Chí, sau hành động vả vào mặt thủ thành Văn Tiến của HAGL, khi bóng đã ở ngoài cuộc. Cũng tại vòng 7, các diễn biến ở Lạch Tray và Thống Nhất không thiếu các cú “tackle”.
Bóng đá là môn thể thao nặng tính đối kháng, các va chạm diễn ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ, ở nhiều cấp độ giải đấu khác nhau. Đừng nghĩ chỉ ở Việt Nam, cầu thủ mới chơi thứ bóng đá bị cho là “mọi rợ”, mà đến các giải đấu hàng đầu thế giới, cũng không thiếu. Nói thế không phải đồng lõa hay cổ súy cho thứ bóng đá bạo lực lên ngôi, xong có một điều chắc chắn rằng, bạo lực (hay các biểu hiện của bạo lực, cay cú ăn thua…) là biểu hiện của kẻ yếu, khi đội bóng không đủ tự tin để so đọ sòng phẳng chuyên môn.
Không ai mong đợi điều tồi tệ, nhưng thi thoảng nó vẫn diễn ra. Trước khi Hồ Tấn Tài (Long An) đưa Dương Văn Hào (Viettel) đi viện, thì một đồng đội của anh trong màu áo Long An là Phạm Quốc Ca, cũng phải nghỉ thi đấu dài ngày vì chấn thương. Nếu sóng truyền hình và mạng xã hội không phủ đầy đủ các trận đấu thuộc các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, thì ai mà biết được điều gì xảy ra ở những nơi “sơn cùng thủy tận”.
TÙY PHONG
Tags