Triển lãm Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây diễn ra tại Ana Mandara Villas Đà Lạt, nhân Lễ hội âm nhạc cổ điển tại Đà Lạt (vừa bế mạc chiều qua, 17/3). Triển lãm có vài tín hiệu ít gặp, rất đáng để suy ngẫm.
Triển lãm bày 12 tranh giấy dó vẽ 12 con giáp, như một tương tác/tái trình hiện với các tiết mục âm nhạc thính phòng phương Tây của nghệ sĩ dương cầm Trần Lê Bảo Quyên, nghệ sĩ vĩ cầm Trần Lê Quang Tiến, nghệ sĩ dương cầm Tim Allhoff.
Từ chữ viết hoặc con số trên các bức tranh
Những tín hiệu đề cập ở trên chính là chữ viết hoặc con số trên các bức tranh, mà chắc chắn rằng Nguyễn Tư Nghiêm phải gửi gắm một dự phóng, một thông điệp nào đó. Ví dụ bức Mậu Ngọ, vẽ năm 2009, ông viết vào tranh: "Mậu Ngọ 1978 - 1978, 1918 - 1978: Thái ất - Thiên phù". Những năm Mậu Ngọ của mấy thế kỷ gần đây còn có 1738, 1798, 1858, 2038, 2098, 2158… vì sao ông không viết? Ông sinh ngày 20/10/1918, thuộc Mậu Ngọ, có thể với ông chỉ có năm 1918 và 1978 là có thuộc tính của "Thái ất - Thiên phù" chăng? Rất tiếc, chưa có một phát ngôn nào của ông về điều này được công bố.
Nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn thì cắt nghĩa từ một bức Giáp Ngọ, vẽ năm 2014, của Nguyễn Tư Nghiêm, với 2 câu: "Khí tư thiên thiếu âm quân hỏa/ Sinh vận thái âm thấp thổ" và lời chú "Thuận hóa". Bức tranh lấy màu vàng (thổ) làm chủ đạo, phối với màu đỏ, tím (kim) thể hiện sự tương sinh. Một năm thịnh.
Anh khẳng định: "Hiếm hoi lắm ông mới đề chữ lên mặt tranh con giáp. Đề là có lý do hết, như là những dự đoán về thời vận. Vì Nguyễn Tư Nghiêm là một người hiểu sâu về học thuyết Ngũ vận - Lục khí, vốn phức tạp, đòi hỏi phải am tường thuyết âm dương, ngũ hành".
Anh phân tích: "Theo các học thuyết này, khi ghép các can - chi của năm trong một vòng 60 năm, thì có 6 năm vận đồng với khí, đó là các năm Giáp Thìn, Giáp Tuất, Canh Tý, Canh Ngọ, Nhâm Dần, Nhâm Thân. Nên bức vẽ năm Tân Mão 2011 mà ông ghi thêm Nhâm Dần 2022 là có ý. Đây là năm thái quá về cả vận - khí, vì chúng vận động cùng chiều (dương - vận đồng khí). Nguyễn Tư Nghiêm viết "Đồng Thiên phù" là có ý dự phóng về một năm thật dữ dội. Nguyễn Tư Nghiêm mất ngày 15/6/2016, nên không kịp nhìn thấy dự phóng của mình.
Bức Đinh Sửu, vẽ 2005, ông ghi thêm: "Đinh Sửu 1997 - 2057". Bức Tân Mão, vẽ 2011, ghi thêm: "Thủy. Năm 2011 "Thuận hóa", Tân Mão 2011. Khí táo kim sinh vận hàn thủy. "Thuận hóa". Bức Quý Dậu, vẽ 1993, ghi thêm: "Năm Quý Dậu 1993. Vận hỏa nhiệt tại tuyền hỏa nhiệt. "Đồng tuế hội"…
Nếu có đủ thông tin hoặc cơ sở để cắt nghĩa, diễn giải được các dự phóng mà Nguyễn Tư Nghiêm để lại trên tranh thì có thể hiểu sâu hơn về tầm tư tưởng và những dự đoán về thời vận của ông.
Hai quan niệm về thời gian
Sau khi phân biệt rõ sự khác nhau về thời gian căn nguyên và thời gian không đích thực của phương Tây và phương Đông, theo triết học Heidegger, giám tuyển của triển lãm là Nguyễn Như Huy phân tích: "Một cuộc đối thoại giữa tranh giấy dó, bột màu, màu nước vẽ con giáp của Nguyễn Tư Nghiêm và nhạc giao hưởng, xét như 2 mô hình hiểu về thời gian. Nơi mà, một cái có tính bản thể học/khoa học kiểu Hy Lạp - coi thời gian là công cụ tính đếm, và một cái có tính căn nguyên, tức suất - tính".
Anh phân tích thêm: "Trong khi nhạc giao hưởng, như đã phân tích, có bản chất là sự tái hiện thứ thời gian được thực hữu hóa bằng các điểm bất động nằm trải dài trong không gian (các thao tác đếm nhịp, hoặc đo tốc độ), thì chất liệu giấy dó, bột màu, màu nước… và đề tài các con giống được Nguyễn Tư Nghiêm vẽ vào các khoảnh khắc chuyển hóa từ năm cũ sang năm mới, thì lại có bản chất nằm ở chính suất - tính".
Và anh kết luận: "Chính 2 quan niệm về thời gian này đã kiến tạo nên 2 cõi sống khác biệt. Một cái thì có tính khách quan, khoa học, đặt cơ sở trên niềm tin vào sự tiến bộ liên tiếp về phía trước, vào ưu thế của tốc độ. Một cái thì có tính nhất thể, tinh thần, đặt cơ sở trên niềm tin vào sự tuần hoàn lặp đi lặp lại và không phụ thuộc vào tốc độ, mà phụ thuộc vào sự hòa hợp với nhịp vũ trụ (hợp đạo)".
Bàn về tranh giấy dó của Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Như Huy nhận định: "Trong cái thế giới này, tranh vẽ đã được phục hồi lại bản tính sơ nguyên của nó - không như một thực hành sản xuất thẩm mỹ hiện đại, mà như một thao tác tâm linh hóa thế giới. Ta có thể thấy rõ sự thật này, chẳng hạn, thông qua đề tài con giáp mà Nguyễn Tư Nghiêm là họa sĩ Việt Nam đầu tiên đề tài hóa nó. Ông luôn bắt đầu một năm mới theo lịch Âm bằng thực hành vẽ màu nước hoặc bột màu (chủ yếu là trên giấy dó) các con giáp".
"Thực hành lặp đi lặp lại này vào đầu các năm Âm lịch - là khoảnh khắc thiêng liêng chuyển giao lặp đi lặp lại giữa năm cũ và năm mới (chính xác là khoảnh khắc phóng - suất), với tôi, đã không còn là thực hành nghệ thuật theo cách hiểu hiện đại phương Tây. Đây chính là hành vi vẽ bùa và tinh thần hóa, tức điều nhắm tới việc khả kiến hóa các mối quan hệ tinh thần vô hình, để qua đó mang lại năng lượng tốt đẹp vào năm mới cho mọi người. Và như thế, đây đã chính là hành vi vẽ bùa của một thầy pháp, người đem lại năng lượng tinh thần cho thế giới vật chất".
Tags