Ngay cả trước những dấu hiệu bất thường nhỏ, bạn cũng không được chủ quan.
Sự xuất hiện của ung thư là kết quả của nhiều yếu tố tổng hợp. Với việc cải thiện mức sống trong những năm gần đây, thói quen ăn uống không tốt cũng làm tăng đáng kể khả năng mắc ung thư.
Hơn nữa, ung thư giai đoạn đầu rất khó phát hiện bởi các triệu chứng cũng giống như một số bệnh thông thường. Chẳng hạn như ung thư dạ dày có biểu hiện giống bệnh đau dạ dày. Vì thế, nhiều người bệnh bỏ qua các triệu chứng rõ ràng, chỉ khi cơn đau dồn dập, kéo dài, họ mới đi khám. Đến lúc này, ung thư đã bước sang giai đoạn giữa và cuối, rất khó điều trị, cơ hội sống không cao.
Do đó, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần chú ý nhiều đến việc phòng ngừa ung thư. Đặc biệt, khi phát hiện ra những triệu chứng bất thường trong chuyện ăn uống, bạn cần theo dõi sát sao và nhanh chóng tới bệnh viện thăm khám.
4 điều bất thường cảnh báo ung thư dạ dày
1. Chán ăn đột ngột
Nếu chán ăn kèm theo mệt mỏi về thể chất, lúc này bạn cần hết sức cảnh giác. Bởi đó có thể là tín hiệu của bệnh ung thư. Ung thư dạ dày và ung thư gan đều có triệu chứng chán ăn.
Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy mắc nghẹn ở cổ, khó nuốt và khi nuốt cảm thấy vướng víu thì không loại trừ nguyên nhân do ung thư vòm họng, lưỡi,… Trường hợp bị đầy hơi, trướng bụng, nôn và đau nhiều sau khi ăn có thể là các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa.
2. Cảm giác no rất rõ ràng
Rất nhiều người chỉ ăn một chút đã thấy no, giống như không thể tiêu hóa thức ăn bình thường. Sau khoảng một giờ, cảm giác no sẽ biến mất, cũng không có cảm giác khó chịu hay bất thường gì.
Tuy nhiên, nếu bạn bị ung thư dạ dày sẽ dẫn đến suy giảm chức năng, tiêu hóa yếu. Chính vì vậy tạo nên cảm giác khó chịu ở vùng bụng, không thấy đói, ăn ít đã no. Lúc này, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt để biết rõ tình hình.
3. Cảm giác buồn nôn và nôn
Nếu không phải do mang thai hoặc các trường hợp khác, trên thực tế, mọi người rất hiếm khi cảm thấy buồn nôn và nôn sau khi ăn. Nhưng nếu bạn có cảm giác này ngay sau ăn và xảy ra thường xuyên thì bạn cần xem xét lại nguy cơ mắc ung thư.
Khi các tế bào ung thư xuất hiện trong dạ dày làm tổn hại đến chức năng của dạ dày. Lúc này nếu ăn nhiều sẽ kích thích dạ dày, tạo nên cảm giác buồn nôn. Nếu bạn không biết lý do cho vấn đề này, tốt hơn nên đi khám để tìm ra lý do.
4. Đau dạ dày xuất hiện
Thông thường, nếu mắc bệnh dạ dày, nhiều người sẽ đau bụng âm ỉ. Nhưng trên thực tế, ung thư dạ dày cũng có triệu chứng này, liên quan đến việc tế bào ung thư dạ dày xâm lấn. Đặc biệt khi ăn xong, cơn đau càng rõ rệt hơn.
Vì vậy, nếu sau khi ăn xong có biểu hiện đau bụng, bạn nên cảnh giác với nguy cơ mắc bệnh dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày.
Làm thế nào để phòng ngừa ung thư dạ dày?
1. Điều trị dứt điểm nếu bạn mắc phải các bệnh lý liên quan tới dạ dày
Nếu đang mắc phải một số bệnh dạ dày, bạn không nên chủ quan mà hãy điều trị để khỏi dứt điểm những căn bệnh này. Trong quá trình điều trị cần tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dừng thuốc, lạm dụng thuốc khiến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn.
2. Duy trì chế độ ăn lành mạnh
Chế độ ăn có tác động trực tiếp đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe dạ dày. Nếu chế độ ăn không hợp lý, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh hoặc khiến cho tình trạng bệnh càng nghiêm trọng hơn. Nhưng ngược lại, nếu bạn duy trì một chế độ ăn lành mạnh thì cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn. Và đây cũng chính là cách phòng tránh ung thư dạ dày rất hiệu quả.
- Trước hết, bạn nên loại bỏ những thực phẩm có hại cho sức khỏe dạ dày bao gồm: Các loại đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn quá mặn, có chứa quá nhiều dầu mỡ. Bạn cũng nên tránh xa những thực phẩm lên men như dưa muối hay cà muối, không nên ăn những thực phẩm cay nóng, không uống rượu bia, hút thuốc lá.
- Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe dạ dày, đặc biệt là các loại rau xanh, trái cây có chứa nhiều chất xơ và vitamin, chẳng hạn như súp lơ, rau cải mầm,…
- Bạn cũng nên duy trì thói quen ăn chậm, nhai kỹ, ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa. Đây chính là những bí kíp giúp giảm áp lực cho dạ dày, giúp bạn có một sức khỏe tốt, phòng tránh nguy cơ ung thư dạ dày.
3. Thường xuyên vận động, tập luyện
Ngoài chế độ ăn thì chế độ vận động cũng rất quan trọng. Hãy thường xuyên tập luyện để tăng cường thể lực, nâng cao sức đề kháng và để kiểm soát cân nặng, duy trì một vóc dáng cân đối. Tập thể dục thường xuyên chính là một thói quen tốt để phòng ngừa nhiều loại bệnh tật và bao gồm cả bệnh ung thư dạ dày.
4. Giữ tinh thần luôn thoải mái, vui vẻ
Căng thẳng chính là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày. Do đó, bạn nên giữ tinh thần tích cực, vui vẻ. Có thể áp dụng một số biện pháp giúp giảm căng thẳng như tập yoga, thiền, đi bộ, nghe nhạc, nấu ăn,… hay làm những việc bạn yêu thích.
5. Tránh tiếp xúc với môi trường có chứa hóa chất độc hại
Hạn chế tiếp xúc với môi trường có chứa hóa chất độc hại. Trong trường hợp do tính chất công việc, bạn bắt buộc phải tiếp xúc, làm việc trong môi trường này, thì cần mặc đồ bảo hộ lao động.