(Thethaovanhoa.vn) - Là một nhà ái quốc của Việt Nam, được xem là kỳ tài về văn chương, dịch thuật, Nhượng Tống lại bị một độc giả hiện nay nhầm là tác giả... Trung Quốc. Tọa đàm mới đây về Nhượng Tống được tổ chức với mục đích bù đắp khoảng trống hiểu biết về ông.
Nhượng Tống (1904-1949), tên thật là Hoàng Phạm Trân, là nhà Nho học quê ở Nam Định. Ông tự học thêm chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Tài hoa của ông được thể hiện trong các lĩnh vực viết văn, soạn kịch, viết báo, làm thơ, dịch thuật. Trong đó, dịch thuật được đánh giá cao nhất.
Sinh thời, Nhượng Tống là nhà cách mạng, vừa là bạn vừa là người đồng chí đã chứng kiến cuộc đời người anh hùng Nguyễn Thái Học. Cuộc đời ông nhiều thăng trầm, kết cục bi thảm.
Dịch giả tiếng Hán tài hoa nhất đầu thế kỷ 20
Nhượng Tống có khoảng 30 tác phẩm, trong đó tác phẩm dịch văn học chiếm hai phần ba. Những tác phẩm quan trọng của ông là Nguyễn Thái Học1902 - 1930 (1945), tiểu thuyết Lan Hữu (tiểu thuyết duy nhất của ông), các dịch phẩm Mái Tây tức Tây Sương Ký, Sử ký Tư Mã Thiên, Ly tao…
Nhượng Tống toàn chọn dịch những tác phẩm đỉnh cao của văn học tiếng Hán. Nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trong tọa đàm hôm 9/12 do Nhã Nam tổ chức ở Hà Nội, nhận định rằng Nhượng Tống rất “nhạy bén học thuật” khi là người đầu tiên chọn dịch các tác phẩm đỉnh cao như Nam Hoa Kinh, Kinh Thư, Sử ký, Đại Việt Sử ký toàn thư, Bình Ngô đại cáo, thơ Đỗ Phủ…
“Đầu thế kỷ 20 có rất nhiều dịch giả. Giới Hán học chúng tôi thường nhắc tới ba người: Nhượng Tống, Trúc Khê và Nguyễn Hữu Kha. So với hai tác giả trên, Nhượng Tống không nhiều tác phẩm lắm. Nhưng về độ tài hoa, Nhượng Tống là người đứng đầu” – TS Dương nói. “Chúng tôi ở thế hệ cháu chắt của ông, làm việc với bất kỳ một tác phẩm từ triết học tới văn học kinh điển đều phải nhắc tới ông”.
Trần Trọng Dương cũng cho rằng đóng góp quan trọng nhất của Nhượng Tống là ở lĩnh vực dịch thuật. Ở lĩnh vực này, ông không chỉ là dịch giả mà còn là “nhà kiến tạo văn hóa”, vì tiếng Việt của Nhượng Tống là một thứ tiếng Việt tinh hoa.
Biết và sử dụng một ngôn ngữ mới là điều không dễ, sử dụng một ngôn ngữ đến độ tinh hoa còn khó hơn rất nhiều. Nhượng Tống, người có gốc gác Nho học, đạt đến trình độ sử dụng tiếng Việt mà nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân gọi là “thiên tiên, rất khó giải thích”.
Lấp khoảng trống hiểu biết về Nhượng Tống
Gần đây, các công ty xuất bản Việt Nam có vài nỗ lực để giới thiệu Nhượng Tống với các độc giả thế kỷ 21. Nhã Nam xuất bản lại các tác phẩm của Nhượng Tống là Nguyễn Thái Học vào năm 2014 và Ly tao vào năm nay, cùng các sáng tác khác như Cửu ca, Quốc thương, Lễ hồn, Bốc cư, Ai sính…Còn tiểu thuyết Lan Hữu được Tao Đàn và NXB ấn hành tháng 9.
Nguyễn Thái Học là cuốn tiểu sử về người đồng chí mà Nhượng Tống nhận viết như nhận một nghĩa vụ lớn lao. Ông viết: “Nghĩa vụ đối với Quốc Gia, vì thân thế Anh chính là tấm gương phấn đấu, hy sinh, cần phải được nêu ra để khích lệ tất cả mọi người trong nước. Nghĩa vụ đối với văn hóa, vì thân thế Anh chính là một kết tinh phẩm của hai giáo lý Phật và Khổng, nó đã cho phương Đông ta nảy ra một ánh sáng riêng”.
“Sau hết, nghĩa vụ đối với khoa lịch sử học, vì tôi với Anh chẳng những là người đồng thời, còn là bạn đồng chí. Có lẽ trong các cây bút ở đây khó có ai hiểu biết về Anh hơn tôi nữa”.
Còn bản dịch Ly tao, bài thơ cổ nổi tiếng của tác giả Khuất Nguyên (Trung Quốc), của Nhượng Tống được coi là một thiên tuyệt bút.
Mặc dù sáng tác của Nhượng Tống không được đánh giá cao bằng các dịch phẩm của ông, Lan Hữu vẫn được đánh giá là một tiểu thuyết đáng ra đã có tầm ảnh hưởng lớn hơn, có thể như Tố tâm của Hoàng Ngọc Phách.
Dưới bài giới thiệu Lan Hữu này trên một báo điện tử, một độc giả còn buông một câu bình luận: “Ngôn tình Trung Quốc à?”. Hiểu biết ít ỏi của công chúng thế kỷ 21 về một nhân vật văn học lớn của thế kỷ 20 có nhiều nguyên nhân thời cuộc. Vì thế, các ấn phẩm xuất bản mới là nỗ lực đáng trân trọng để lấp chỗ trống hiểu biết này.
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa
Tags