"Young and rich" - Lý do niềng răng trở thành biểu tượng thời trang của giới trẻ Thái Lan
Niềng răng xuất hiện ban đầu đơn thuần chỉ là một hình thức chỉnh nha, phục vụ nhu cầu cải thiện những khiếm khuyết răng miệng, thế nhưng vài năm gần đây nó bỗng trở thành xu hướng thời trang mới của giới trẻ.
Từ đầu 2010, niềng răng trở thành phương pháp thẩm mỹ phổ hiến hơn ở các quốc gia châu Á, nở rộ từ Thái Lan, sau đó đến một số quốc gia như Indonesia và Trung Quốc. Thậm chí, ở các quốc gia châu Á kể trên niềng răng còn là biểu tượng của người giàu có, biết làm đẹp và địa vị cao. Lý do thường là bởi một ca niềng răng có chi phí khá đắt đỏ, ít thì vài chục triệu cho đến cả trăm triệu. Do đó, chỉ những ai đủ kinh tế mới có khả năng đeo niềng.
Nhiều người cho rằng, niềng răng là biểu tượng của người giàu có, biết làm đẹp và địa vị cao.
Để thể hiện phong cách cá nhân cũng như giúp bản thân nổi bật hơn, từ những năm 2006 giới trẻ Thái Lan đã đổ xô tìm đến các bộ niềng răng giả dạng phụ kiện thời trang, với đủ các màu sắc phong cách, nhưng giá tiền thì chỉ rơi vào khoảng 2-3 triệu đồng. Tại đất nước này, niềng răng được coi là biểu tượng của "young and rich" (trẻ trung và giàu có). Có không ít hotgirl đình đám tại Thái Lan này sử dụng phụ kiện niềng răng để trở nên dễ thương, trong sáng hơn.
Sau này xu hướng này lan ra rộng trên Đông Nam Á, thậm chí nhiều thanh thiếu niên còn tìm mua niềng răng giả tại các quầy hàng ngoài trời, các khu chợ địa phương hay thông qua các nhà bán lẻ trực tuyến. Các sản phẩm niềng răng này vừa có nhiều loại màu sắc, lại vừa đi theo chủ đề hoạt hình, từ chuột Mickey đến mèo Hello Kitty. Đặc biệt, có thể tự đeo và tự tháo mà không cần có sự hỗ trợ từ nha sĩ.
Tại Việt Nam, những sản phẩm phụ kiện niềng răng giả cũng được bày bán khá nhiều, với chi phí khá rẻ.
Lời cảnh báo của bác sĩ trước khi quyết định đeo niềng răng giả
BS Phan Thị Bích Hạnh (làm việc tại khoa Răng Hàm Mặt, trường đại học Y Dược Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết xu hướng đeo niềng răng giả đã phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á tuy nhiên tại Việt Nam thì chỉ mới bắt đầu.
"Về mặt y khoa thì việc đeo niềng giả hoàn toàn không có lợi, phải đến 70-80% các sản niềng răng trang trí như thế này không được thực hiện bởi nha sĩ mà hoàn toàn là mọi người tự mua niềng răng, sau đó tự gắn, có thể dùng dạng chun chuỗi hoặc là tách rời", bác sĩ Hạnh nói.
Một số mẫu niềng răng trang trí.
Vị chuyên gia phân tích, hầu hết các nẹp trang trí như thế này được liên kết bằng keo dán. Loại keo siêu dính này rất độc hại, và có thể gây ra các phản ứng quá mẫn tức là dị ứng, gây sưng gây viêm niêm mạc miệng. Bên cạnh đó các keo siêu dính này bản chất là xyanua aclirate, trong quá trình sử dụng nó sẽ có phản ứng tỏa nhiệt gây ra những tổn thương cho cả răng, cả niêm mạc. Thậm chí có thể gây tổn thương tủy răng, gây bỏng niêm mạc miệng nên nó hoàn toàn không được khuyến khích sử dụng trong khoang miệng.
Ngoài các sản phẩm niềng răng giả có sử dụng keo dán, bác sĩ Hạnh còn cảnh báo một loại sản phẩm mang tên "nẹp răng sử dụng móc giữ", mặc dù không có tác động của keo dán nhưng những chiếc móc này tiềm ẩn nguy cơ gãy, có thể gây ra các dị vật đường thở rất nguy hiểm.
Bác sĩ Bích Hạnh khẳng định: "Việc niềng răng chỉ nên thực hiện đúng chức năng của nó để điều trị các vấn đề về hàm mặt, chứ mọi người không nên sử dụng nó để tạo thành phụ kiện làm đẹp như vậy".
Để lựa chọn hình thức chỉnh nha phù hợp thì điều quan trọng là cần phải đến gặp các chuyên gia chỉnh nha để được tư vấn. Trước khi bạn niềng răng, bác sĩ chỉnh nha sẽ đánh giá tình trạng răng của bạn, chẩn đoán những vấn đề cần khắc phục và đề xuất kế hoạch điều trị.
Quá trình khám và tư vấn niềng răng thường tương đối nhanh và bao gồm kiểm tra răng miệng và chụp X-quang miệng của bạn. Tiếp theo, bác sĩ chỉnh nha có thể lấy dấu răng, và tư vấn cho bạn hình thức chỉnh nha phù hợp nhất.
Chế độ ăn khi niềng răng nên ở dạng mềm, dễ nhai. Cần hạn chế các thực phẩm có nguy cơ gây bong đứt mắc cài như là đồ ăn cứng, kẹo dẻo, các loại hạt... Ngoài ra cần tránh tiêu thụ các thực phẩm có chứa đường, tinh bột vì có nguy cơ gây sâu răng. Đặc biệt, cần nhớ tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhiều người trong quá trình chỉnh nha không tái khám và thực hiện theo lời dặn của các bác sĩ, dẫn đến việc răng không ổn định "chạy lung tung", có thể để lại hậu quả như răng hô móm, lệch vẹo, biến dạng…