Nike, adidas, Puma và bí mật của những thương vụ bạc tỷ

Chủ nhật, 18/03/2018 13:40 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 7/2017, Kylian Mbappe - gương mặt mới nổi của bóng đá Pháp đang được theo đuổi bởi các CLB hàng đầu thế giới - gây phấn khích khi tuyên bố trên trang Twitter cá nhân rằng anh có một thông báo lớn tới người hâm mộ. “Mbappe đã chọn Real Madrid? Hay PSG?”, suy nghĩ của dư luận lái theo hướng ấy bởi lúc đó bóng đá thế giới đang bận rộn với những thương vụ mua sắm của thị trường chuyển nhượng mùa Hè 2017.

Nhưng điều mà cầu thủ 19 tuổi thực sự thông báo là anh đã gia hạn hợp đồng đã ký với hãng Nike cách đó 6 năm, tức là lúc mới 13 tuổi. Vài tuần sau, Mbappe chính thức chuyển sang khoác áo PSG theo dạng cho mượn từ Monaco kèm điều khoản mua đứt. PSG, giống như Mbappe, cũng được Nike tài trợ.

Không giống như trong suy nghĩ của đa số, hợp đồng với Nike, adidas hay Puma không đơn thuần là xỏ chân vào đôi giày của họ và ra ngân hàng rút tiền đã được chuyển vào tài khoản. Chuyên gia bản quyền hình ảnh Frank Hocquemiller cho biết: “Nó không giống với việc bạn có một việc làm và làm việc cho người sử dụng lao động. Nếu bạn có hợp đồng với adidas, Nike hoặc Puma, điều đó có nghĩa họ đã mua bản quyền hình ảnh của bạn. Nó sẽ đi kèm với một số lượng nhất định những yêu cầu, về quan hệ công chúng hay về cách quảng bá thông qua mạng xã hội”.

Những ràng buộc

Sức hút tiền bạc từ hợp đồng với các hãng thời trang thể thao là rất lớn. Cristiano Ronaldo hưởng lương thưởng cao tại Real, nhưng chẳng có gì ổn định hơn việc cứ mỗi năm nhận đều 6,2 triệu bảng từ Nike. Mario Balotelli ký hợp đồng với Puma trước thềm World Cup 2014, trị giá 5,1 triệu bảng. Ba năm qua, dù sự nghiệp trồi sụt, trôi dạt qua nhiều CLB nhưng nhờ có Puma, Balotelli không phải quá lo nghĩ về mặt tài chính.

Ngay cả cầu thủ đã treo giày như David Beckham vẫn có thể kiếm bộn bằng việc diện đồ của adidas đến phòng tập, ra sân bay hay góp phần dẫn đầu một xu hướng thời trang mới do hãng khởi xướng.

Mục đích của các hãng thời trang thể thao nói trên là quảng bá rộng rãi sản phẩm của họ và họ phải đảm bảo thu về những giá trị từ hàng triệu bảng đã bỏ ra. “Các hãng thời trang thể thao đang đầu tư ngày càng nhiều tiền hơn cho các cầu thủ, CLB hay đội bóng, đổi lại họ muốn thu về hiệu quả”, Kevin Geoffroy từ Footpack.fr, một trang tin thể thao, cho biết.

Ronaldo mở rộng thương hiệu CR7 tại Anh

Ronaldo mở rộng thương hiệu CR7 tại Anh

Cristiano Ronaldo đang có động thái mở rộng thương hiệu denim CR7 ở Anh và CH Ireland. Theo tờ Daily Mail, Ronaldo đã khởi đầu cho chiến lược của mình bằng việc chọn Robert De Keyser phụ trách hệ thống phân phối sản phẩm gắn mác CR7 tại Anh và CH Ireland...

Vì vậy, các hãng sẽ khai thác triệt để tài khoản Twitter, Instagram hoặc Snapchat của các cầu thủ ngôi sao để quảng bá cho sản phẩm của họ. Tiền vệ Mesut Oezil của Arsenal gần đây đã quảng cáo adidas trên tài khoản Instagram của mình. Đây là điều Oezil bắt buộc phải làm theo giao kèo được cho là trị giá 3,7 triệu bảng/năm từ hãng thời trang thể thao Đức. Với các cầu thủ như Paul Pogba hay Ronaldo, việc này đã quá thường xuyên trong thời gian qua.

Xung đột lợi ích

Việc các hãng tài trợ cho CLB, ĐTQG và cá nhân cầu thủ khiến xung đột lợi ích là điều khó tránh khỏi. Trước đây, Johan Cruyff chỉ có thể chơi cho ĐTQG Hà Lan trong trường hợp họ phải “thửa” cho ông một chiếc áo đấu riêng. Cruyff không mặc áo ba sọc (biểu tượng của nhà tài trợ adidas), vì ông đã có hợp đồng quảng cáo riêng cho hãng thời trang thể thao Pháp Le Coq Sportif. Bởi thế, ĐT Hà Lan thường phải bỏ một sọc khỏi chiếc áo dành cho Cruyff.

Tại World Cup 1998, HLV Aime Jacquet suýt phải đối đầu với cuộc đình công của cầu thủ. Các ngôi sao tuyển Pháp không hài lòng khi phải đi giày adidas để ăn mừng chức vô địch thế giới theo hợp đồng của ĐTQG với hãng này bởi họ có hợp đồng riêng. Kể từ sau vụ lộn xộn đó, các cầu thủ đã được phép đi đôi giày mà họ muốn.

Trong bức ảnh chụp chính thức toàn đội Pháp trước giải đấu, bất kể chiều cao ra sao, các cầu thủ đi giày của Nike sẽ được phép lên đứng hàng đầu bởi năm đó áo đấu của tuyển Pháp được tài trợ bởi hãng thời trang thể thao khổng lồ của Mỹ.

Cuộc chiến khốc liệt

Ngành công nghiệp sản xuất trang phục bóng đá có giá trị rất cao. Riêng năm ngoái, Nike và adidas cùng bán được gần 5 tỷ USD trang phục và thiết bị bóng đá. Bởi thế, mảnh đất màu mỡ này luôn chứng kiến cuộc chiến vô cùng khốc liệt giữa 2 “ngáo ộp” cũng như những thế lực mới nổi.

Nếu như 2017 là năm “nhẹ nhàng” đối với các hãng khi không có các giải đấu tầm châu lục và thế giới thì năm 2018 sẽ chứng kiến sự trở lại của cuộc cạnh tranh đầy kịch tính. Theo tiết lộ của adidas với Bloomberg News, hãng đã có được 12 hợp đồng tài trợ với các đội bóng tham dự VCK World Cup 2018. Bám sát là adidas là Nike với 10 hợp đồng.

Adidas đã vươn lên một cách ngoạn mục sau vòng loại của giải đấu khi một loạt những đội bóng được Nike tài trợ như Chile, Hà Lan và Mỹ không giành được vé tới Nga. New Zealand, một đội bóng khác được Nike tài trợ, cũng không thể đè bẹp được Peru ở loạt đấu play-off.

Bốn năm trước, adidas đã chiến thắng ở Brazil khi cả hai đội bóng vào chung kết đều mặc áo đấu của họ. Năm nay, adidas cũng chứng kiến các đội bóng do họ tài trợ nâng cao danh hiệu ở Champions League và Europa League. Vì thế, họ rất vững niềm tin về sự kéo dài của vận may kinh doanh trong địa hạt bóng đá.

Nhưng Nike vẫn có thể đặt kỳ vọng lớn vào Brazil và Bồ Đào Nha. Đội bóng của Ronaldo năm ngoái đã vô địch EURO, chấm dứt chuỗi chiến thắng của adidas kéo dài từ năm 1996 đến năm 2012 ở giải đấu này, theo Nielsen Sports.

World Cup 2018 chứng kiến sự sụp đổ của Puma. Tại Brazil, hãng thời trang hiệu “con báo” của Đức có tới 8 đội khoác áo của họ góp mặt ở VCK. Nhưng bây giờ, màn trình diễn tệ hại của Italy và các đội bóng đối tác đã khiến Puma phải trả giá, khiến họ chỉ có đúng 2 đại diện là Thụy Sĩ và Uruguay tại Nga vào Hè sang năm. Tương tự, New Balance và Umbro cũng có 2 đại diện. Trong khi đó, Errea Sport, Hummel International Sport & Leisure A/S, Uhlsport GmbH và Romai Sports mỗi hãng xác nhận có một đại diện.

World Cup 2018 và cuộc chiến Nike - adidas

Adidas (12 đội): Argentina, Bỉ, Colombia, Ai Cập, Đức, Iran, Nhật, Mexico, Morocco, Nga, Tây Ban Nha, Thụy Điển.

Nike (10 đội): Australia, Brazil, Croatia, Anh, Pháp, Nigeria, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia, Hàn Quốc.

New Balance (2): Costa Rica, Panama.

Puma (2): Thụy Sỹ, Uruguay.

Umbro (2): Peru, Serbia.

Errea: Iceland.

Hummel: Đan Mạch.

Romai: Senegal.

Uhlsport: Tunisia.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Chỉ số SportsMoney Index là gì?

Lần đầu tiên, tạp chí Forbes công bố một bảng xếp hạng đầy đủ về tài sản trong thế giới thể thao mang tên “Chỉ số SportsMoney Index - SMI”, không chỉ từ thu nhập của các đội bóng, vận động viên mà còn là sự liên hệ của họ với lĩnh vực kinh doanh.

Forbes cho biết họ xếp hạng 430 vận động viên, công ty môi giới, các công ty, các đội bóng dựa trên sức mạnh tài chính cũng như những mối quan hệ ảnh hưởng với các đối tác trong thế giới thể thao. Để tạo ra SMI, họ đã kết hợp các danh sách đánh giá giá trị hằng năm của SportsMoney với những dữ liệu tài chính thành một bảng xếp hạng duy nhất.

Cũng vì thế mà bên cạnh những con số phản ánh sức mạnh tài chính của các đội bóng hay vận động viên, chúng ta còn được thấy mối liên hệ giữa các thực thể trong bảng xếp hạng. Chẳng hạn các đội bóng nhận được ảnh hưởng từ vận động viên và nhà tài trợ; các thương hiệu xây dựng tên tuổi từ các đội bóng và vận động viên. Đi sâu hơn, một vận động viên hợp tác với Nike sẽ có nhiều cơ hội kiếm tiền và có được ảnh hưởng lớn hơn một vận động viên hợp tác với adidas hay Puma. Ngược lại, một thương hiệu hợp tác với Neymar sẽ vươn xa hơn một thương hiệu hợp tác với Cesc Fabregas.

Không có gì ngạc nhiên khi trong lần ra mắt, Forbes đã xếp 5 thương hiệu dẫn đầu SMI là Nike, Pepsi, Real Madrid, Barcelona và Cristiano Ronaldo trong danh sách đầy đủ trên www.forbes.com/sports-money-index.

Khánh Đan

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›