(Thethaovanhoa.vn) – Theo thống kê của Nhà Trắng, hiện nay, ít nhất 10 người Mỹ, 500 người Anh và hàng chục nghìn công dân các quốc gia trên khắp thế giới đang ra sức chiến đấu cho lý tưởng thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Vậy tại sao trong khi phương Tây không ngừng nỗ lực tiêu diệt “ung bướu” IS, thì lực lượng này lại càng tạo ra sức hút với nhiều chiến binh phương Tây như vậy?
Nhắc đến IS, những gì thế giới nhớ tới đầu tiên có lẽ là sự tàn bạo, man rợ, thể hiện trong những video hành quyết con tin đáng kinh tởm của chúng trong thời gian gần đây. Chiêu mộ được những “anh tài” giết người không ghê tay trên thế giới, Nhà nước Hồi giáo thực sự là cơn ác mộng không chỉ của phương Tây mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tính đến cuối tháng 8, IS đã có 100.000 chiến binh và lực lượng khủng bố này hiện đang lớn mạnh không ngừng.
Đáng ngạc nhiên, lực lượng khủng bố này đã và đang tạo ra một sức hút mạnh mẽ với nhiều kẻ cực đoan đến từ phương Tây. Theo ông Joshua Landis, một chuyên gia về Syria tại Đại học Oklahoma, một trong những lý do cơ bản là khác với al-Qaeda, IS luôn chào đón tất cả những ai có cảm tình với chúng, thậm chí là những kẻ mang quốc tịch của các quốc gia thù địch.
Rapper người Anh L Jinny, 23 tuổi được cho là đao phủ tên "John" trong video hành quyết nhà báo James Foley.
Ngoài lý do trên, theo ông Landis, phương tiện truyền thông xã hội cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Trong khi các nhóm thánh chiến khác hoạt động trong các diễn đàn trực tuyến bí mật thì IS lại lan truyền thông điệp của mình cả bằng tiếng Anh và Ả Rập trên mạng xã hội Twitter và Facebook, vốn đã mở cửa cho công chúng. Bên cạnh đó, những video tuyên truyền giá trị của thánh chiến cũng kích động được nhiều kẻ Hồi giáo cực đoan trẻ tuổi, tò mò và sẵn sàng chiến đấu.
Chiến binh IS xuất hiện trong video của IS, được cho là đang đốt hộ chiếu của một chiến binh Anh.
Theo chuyên gia Matthew Levitt, thuộc Viện Chính sách Cận Đông Washington (Mỹ), nhiều người đang thiếu nhận thức mạnh mẽ về bản chất, mục đích (của IS), trong khi đó, “tài liệu trực tuyến về những khu vực IS chiếm được, kế hoạch thành lập quốc gia hay chặt đầu kẻ thù đều cho thấy rằng chúng là nhóm thánh chiến hấp dẫn nhất trong khối”.
Theo ước tính của Bộ Ngoại giao Mỹ, khoảng 12.000 người nước ngoài từ 50 quốc gia khác nhau đã di chuyển đến Syria để chiến đấu cho một số phiến quân khác nhau, trong đó có cả IS. Bên cạnh đó, số công dân Mỹ trong nhóm cực đoan này có thể dao động từ vài chục đến 100 người, Marie Harf, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói với CNN.
Dương Trần
Theo Time