"Tôi lớn lên với sở thích đam mê du lịch và bố mẹ là những người đã biến cuộc phiêu lưu trở thành một phần không thể thiếu trong thời thơ ấu. Song, phần lớn cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ có thể đi du lịch tự do vì bệnh tật".
Đó là lời tự sự của Hannah Shewan Stevens, 28 tuổi, sống tại Birmingham, Anh. Từ khi 14 tuổi, cô đã phải chấp nhận sống chung với nhiều căn bệnh như lạc nội mạc tử cung, đau cơ xơ hóa, xơ cứng bì cục bộ...
Năm 18 tuổi, cô được chẩn đoán mắc hội chứng ruột kích thích, đa nang buồng trứng, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, hội chứng tăng vận động khớp và chứng phế vị. Và đến năm 25 tuổi, cô phẫu thuật chữa lạc nội mạc tử cung.
"Tôi cảm thấy mệt mỏi và đau đớn. Đôi khi, các chức năng nhận thức cơ bản, chẳng hạn như tập trung hoặc nói rõ ràng, tôi cảm thấy mình không thể thực hiện được", Stevens cho hay.
Do đó, dù sinh ra trong gia đình rất thích dịch chuyển, Stevens buộc phải bỏ đam mê này trong nhiều năm.
Những năm đầu tuổi 20, Stevens muốn trở thành một nhà báo tự do hoặc một người du mục chụp ảnh kỹ thuật số để có thể đi đến nhiều nơi khác nhau. Thật không may, những tác động từ bệnh tật đã khiến cô không có khả năng điều hướng được cuộc sống của mình. Hơn nữa, cô cũng không được khuyến khích theo đuổi du lịch toàn thời gian. Bởi mọi người cho rằng, cô sẽ không có khả năng quản lý bệnh tật trên đường.
"Vì vậy, tôi gác lại ý tưởng. Thay vào đó, tôi làm việc cho đến khi kiệt sức 7 ngày trong tuần một mình tại văn phòng để bù đắp cho tất cả các công việc báo chí và nhân viên báo chí mà tôi đã mất", Stevens nói.
Cuối năm 2021, cô chữa khỏi bệnh lạc nội mạc tử cung. Căn bệnh này hạn chế khả năng di chuyển của cô, khiến Stevens lên cầu thang chỉ hai bước đã thấy rất mệt. Nó cũng khiến cô có nhu cầu đi vệ sinh liên tục, đặc biệt trong thời kỳ kinh nguyệt. Khi ca phẫu thuật thành công, Stevens quyết tâm thực hiện giấc mơ đi khắp thế giới.
Vì mắc nhiều bệnh, Stevens lên kế hoạch kỹ càng, thay vì có thể đi bất kỳ lúc nào giống những người khỏe mạnh. Để đảm bảo sức khỏe, cô vẫn uống thuốc đều đặn để điều trị các căn bệnh mãn tính khác.
Cô cũng lo lắng về việc có thể mắc kẹt ở một nơi xa xôi, bệnh trở nặng và không thể cứu chữa kịp thời. Điều may mắn là Stevens được bạn bè, gia đình và bác sĩ hỗ trợ. Họ lên kế hoạch cùng cô, đưa ra các phương án xử lý khi có tình huống xấu. Stevens cũng phải đối mặt với việc đi du lịch mà không nhận được bảo hiểm y tế toàn diện vì mắc nhiều bệnh. Nếu gặp trường hợp y tế khẩn cấp, cô phải tự bỏ tiền túi. Vì vậy, trước khi lên đường, Stevens đã để riêng một quỹ chuyên phục vụ cho việc điều trị này. Việc có quỹ đề phòng để chữa bệnh khiến cô yên tâm phần nào. Để có tiền đi du lịch, cô đã tiết kiệm triệt để trong nửa năm.
Cô bắt đầu hành trình bước chân ra khỏi thế giới hồi tháng 4 và đặt chuyến bay một chiều đến Thái Lan cùng người yêu. "Đó là quyết định đúng đắn nhất tôi từng đưa ra. Đây là chuyến bay rẻ nhất đến Đông Nam Á từ Anh", Stevens nói. Cô dành hai tháng để khám phá từng con phố, các khu chợ ẩm thực ở Bangkok trước khi đến đảo Koh Phangan.
Sau Thái Lan, cô đến Việt Nam, ở lại hai tháng. Những nơi nữ du khách Anh ghé thăm là Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Ninh, Hà Nội và TP HCM. Stevens mắc Covid-19 khi đang du lịch Hà Nội. Nhớ về kỷ niệm này, cô cho biết việc bị ốm khi đang ở nước ngoài là điều đáng sợ. Nhưng cô tự hào về bản thân khi đã tự xử lý mọi chuyện ổn thỏa. Stevens đến bệnh viện địa phương để được các bác sĩ chăm sóc, điều trị và khỏi bệnh sau một tuần.
Hành trình tiếp theo là Campuchia với nửa tháng ở thủ đô Phnom Penh, nửa tháng ở Siem Reap. Stevens rất yêu quý những người cô đã gặp khi đi du lịch. "Họ chào đón tôi với vòng tay rộng mở khi tôi khám phá các địa danh lịch sử, văn hóa", cô nói. Danh sách các nước dự kiến của Stevens là Lào, Indonesia, Ấn Độ.
Vì lý do sức khỏe, Stevens chọn cách du lịch chậm. Cô sẽ ở lại một quốc gia trong thời gian dài. "Tôi sẽ ở một nước cho đến khi thị thực gần hết hạn mới đến một nơi khác. Bằng cách này, tôi cảm thấy thoải mái hơn để khám phá và lên kế hoạch du lịch, cũng giúp tôi hiểu rõ về văn hóa địa phương, và có thời gian để đặt các chuyến bay giá rẻ". Việc di chuyển quá nhiều sẽ khiến cô kiệt sức. Vì vậy, mọi thứ diễn ra với Stevens đều chậm rãi, chừng mực. Cô cũng tránh lên kế hoạch quá xa, để chuyến đi được diễn ra suôn sẻ, không có bất trắc. Trong thời gian đi du lịch, cô duy trì đều đặn các bài tập vật lý trị liệu để cải thiện khả năng đi bộ, lên xuống cầu thang không bị đau nhức.
Ba tháng sau hành trình du lịch, Stevens chia tay người yêu. Lúc đầu, cô sợ hãi khi đối mặt với cuộc sống một mình nơi xứ lạ. Nhưng sau đó cô nhận ra, đi du lịch một mình thúc đẩy cô biết chăm sóc bản thân tốt hơn. Để giảm tối đa cảm giác cô đơn, cô thường xuyên gọi điện về cho người thân, bạn bè để trò chuyện.
Bên cạnh đó, cô cũng không chọn thuê những nơi ở đắt tiền. Phần lớn các căn hộ, cô đều thuê trên Airbnb. Việc không tốn tiền thuê nhà giúp Stevens không ảnh hưởng đến kinh phí, và cô cũng không cần áp lực phải làm việc nhiều giờ để có tiền chi trả sinh hoạt phí.
Stevens muốn chia sẻ câu chuyện của mình để lan tỏa năng lượng tích cực tới những người giống cô. Mắc nhiều bệnh, sức khỏe yếu không có nghĩa là phải dừng lại giấc mơ đi khắp thế giới. Việc đi khắp nơi và làm việc từ xa, đối với Stevens hiện là một điều tuyệt vời. Cô chưa có ý định trở về Anh, và mong muốn đi nhiều nơi hơn nữa.
Nguyễn Phượng
Theo Insider
Tags