Áo dài Việt Nam từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa và lịch sử dân tộc. Trải qua nhiều thế hệ, tà áo dài không chỉ đơn thuần là trang phục mà còn là biểu tượng của sự duyên dáng, mềm mại và thanh lịch.
Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, việc giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của áo dài lại trở thành một thử thách lớn. Trước tình hình đó, giới trẻ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để mang tà áo dài trở nên gần gũi hơn với đời sống hiện đại bằng sự sáng tạo vô hạn và nhiệt huyết không ngừng nghỉ của mình.
Một trong những điểm đáng chú ý là sự kết hợp tinh tế giữa văn hóa truyền thống Việt Nam và những nét phá cách hiện đại trên tà áo dài. Nhiều nhà thiết kế trẻ đã tạo nên các bộ sưu tập áo dài với những cách tân độc đáo, phù hợp hơn với thị hiếu của giới trẻ hiện đại nhưng vẫn giữ được hồn cốt của trang phục truyền thống.
Những biểu tượng quen thuộc đã in sâu vào tiềm thức người Việt như bông lúa, rối nước, gốm sứ, hay các danh lam thắng cảnh nổi tiếng được các bạn trẻ khéo léo lồng ghép vào từng chi tiết của tác phẩm. Những vẻ đẹp tưởng như đã nhuốm màu thời gian nay được các bạn trẻ thổi vào một làn gió mới, bừng lên sức sống mãnh liệt nhờ sự sáng tạo không giới hạn trên tà áo dài. Điều này không chỉ giúp tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam mà còn đưa áo dài trở nên gần gũi, phù hợp với đời sống hiện đại ngày nay.
Đối với Huế, từng hình ảnh như cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu,... trong bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều mang lại một ký ức rất đẹp về mùa thu Hà Nội. Huế bày tỏ, bộ sưu tập không chỉ thể hiện tình yêu bất tận với thành phố này mà còn nói lên tâm trạng của những người con Thủ đô xa xứ, dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội, "Vấn Vương" ký ức về một Thủ đô xinh đẹp dịu dàng.
Nhận được đánh giá cao từ những người có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế thời trang, BST "Rối nước" nổi bật với sự độc đáo từ tạo hình của nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Ấn tượng với những màn trình diễn đầy khéo léo và tinh tế của các nghệ nhân, các bạn sinh viên đã đem những con rối vào tà áo dài một cách đầy sức sống, dù đa sắc rực rỡ nhưng vẫn thể hiện được chất mộc mạc và giản dị của đời sống Việt Nam qua bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Trong quá trình thực hiện hóa những mẫu thiết kế của mình, các bạn sinh viên đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do kinh nghiệm còn non trẻ. Tuy nhiên, điều đó chưa bao giờ làm giảm đi sự tâm huyết và nỗ lực của các bạn trong việc mang tới những mẫu áo dài mới mẻ và độc đáo. Cô Vũ Thị Ngọc Linh, Trưởng bộ môn Thiết kế thời trang trường Đại học Hòa Bình, là người trực tiếp dẫn dắt các bạn sinh viên từ những khâu lên ý tưởng cho tới những tác phẩm hoàn thiện. Đồng hành sát sao cùng các nhà thiết kế trẻ, cô trân trọng những sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của các bạn trong việc đem những chất liệu truyền thống gắn lên hình ảnh tà áo dài một cách đầy sáng tạo và mới mẻ.
Việc cách tân, đổi mới áo dài không phải chủ đề mới, tuy nhiên cách tân thế nào, đổi mới ra sao để giữ nguyên được hồn cốt của tà áo dài truyền thống mới là sự khó. Để cân bằng giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại cũng là một bài toán không đơn giản đối với các nhà thiết kế, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa truyền thống và khả năng cập nhật các xu hướng mới. Sự cân bằng này không chỉ là tôn vinh những giá trị cũ mà còn là cách để thích nghi với nhịp sống và xu hướng đương đại, giúp áo dài trường tồn và phát triển trong thời đại mới.
Sau sự thành công của các BST "Tuồng cổ", "Hoa trên núi", NTK Nhật Thực mong muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ cùng chung mục tiêu: giữ được kết cấu chính là giữ được tinh thần của áo dài Việt Nam, nhờ vậy những mẫu thiết kế đó mới được coi là một phiên bản mới của áo dài chân chính chứ không phải bất cứ một sản phẩm thời trang nào khác mang cảm hứng từ truyền thống dân gian.
Dù gặp nhiều khó khăn và thử thách, mọi nỗ lực đã được đáp đền xứng đáng. Khi nhìn thấy những mẫu thiết kế từ bản vẽ trên giấy nay trở thành các tác phẩm sống động trên các sàn diễn, những nhà thiết kế trẻ đều đều tràn ngập niềm tự hào và xúc động. Đây cũng chính là minh chứng rõ nét nhất cho lòng đam mê và hành trình kiên trì theo đuổi mục tiêu mang áo dài đến gần hơn với đời sống hiện đại.
Không chỉ dừng lại ở khía cạnh thời trang, giới trẻ còn sử dụng các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa vẻ đẹp của áo dài đến cộng đồng. Những video, hình ảnh về áo dài được các bạn trẻ đăng tải đã tạo nên làn sóng ủng hộ mạnh mẽ. Các cuộc thi thiết kế, những sự kiện tôn vinh áo dài được tổ chức thường xuyên, giúp khơi dậy niềm tự hào về trang phục dân tộc và khuyến khích thế hệ trẻ tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống. Trên hành trình đầy nhiệt huyết đó, các bạn trẻ đã có cơ hội trình diễn những ý tưởng thiết kế đầy sáng tạo của mình trong Cuộc thi Thiết kế Áo dài do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức với chủ đề "Tinh hoa Áo dài", nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024.
Được khởi động tới các bạn sinh viên từ những ngày đầu tháng 8, cuộc thi hướng tới những sinh viên có đam mê thiết kế áo dài nhằm tìm kiếm, khuyến khích những tài năng trong lĩnh vực thiết kế thời trang nói chung và thiết kế áo dài nói riêng, đồng thời đây cũng là dịp để các bạn trẻ có cơ hội giao lưu và học hỏi kinh nghiệm từ các nhà thiết kế nổi tiếng. Cuộc thi không chỉ là sân chơi bổ ích với các bạn sinh viên yêu thích ngành thời trang, mà còn là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực không ngừng của các bạn trẻ trong việc gìn giữ và lan tỏa vẻ đẹp của áo dài truyền thống ngày nay.
Là một trong ba đại diện của trường Đại học Mở Hà Nội tham gia cuộc thi, bộ sưu tập "Vấn vương" của Bích Huế đã xuất sắc giành giải "Tính ứng dụng cao" trong đêm chung kết diễn ra vào ngày 6/10 tại khuôn viên Hoàng thành Thăng Long. Đồng thời, bộ sưu tập "Con đường gốm sứ Hà Nội Long thành" từ nhóm sinh viên của trường cũng đã vinh dự đạt giải cao nhất – "Tinh Hoa dân tộc". Những thành tích ấn tượng này chính là trái ngọt của niềm đam mê cháy bỏng và sự nỗ lực không ngừng của các bạn trẻ trên hành trình kiên định khơi dậy sức sống mới cho tà áo dài truyền thống.
Nhờ vào sức mạnh của giáo dục và truyền thông, giới trẻ ngày càng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của tà áo dài truyền thống, cũng như bản sắc văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nhiều bạn trẻ đã tích cực thể hiện vai trò của mình trong việc lan tỏa hình ảnh áo dài, tiêu biểu là sự sáng tạo đầy cảm hứng và những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà thiết kế tương lai. Tuy nhiên, liệu trách nhiệm này có chỉ thuộc về những bạn trẻ trong lĩnh vực thời trang?
Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống, mà còn là di sản văn hóa, biểu tượng của hồn thiêng dân tộc Việt. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, việc thấu hiểu sâu sắc nguồn gốc, ý nghĩa và giá trị tinh hoa của áo dài trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chúng ta cần tìm cách hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, đưa áo dài trở nên gần gũi với cuộc sống thường nhật, đồng thời không ngừng sáng tạo và đổi mới. Lan tỏa vẻ đẹp của áo dài ra thế giới là con đường để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa này, giúp nó trường tồn với thời gian.
Tags