(Thethaovanhoa.vn) -No Woman, No Cry được xem là thánh ca của Bob Marley. Bài hát này đã vượt ra khỏi biên giới Jamaica, được yêu thích trên toàn thế giới và đưa Bob Marley trở thành ông hoàng nhạc Reggae.
Bob Marley sáng tác bài này vào năm 1974 khi đang ngồi tán gẫu cùng một người bạn. Đó là chi tiết duy nhất được nêu ra để rồi tạo nên một bức màn bí ẩn về ca khúc này.Hỡi đàn bà, đừng khóc
No Woman, No Cry là một bài hát tôn vinh phụ nữ. Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng thông điệp bài hát này muốn ám chỉ rằng “không có đàn bà, chẳng cần gì phải rơi nước mắt”. Kỳ thực bài hát này lại mang tính an ủi, vỗ về “No woman, no cry” (Hỡi đàn bà, đừng khóc nữa) khi mà người đàn ông của họ quyết định ra đi.
Nguyên thủy ca từ của câu hát này là “No, woman, nuh cry". Trong đó, động từ “nuh” theo tiếng Jamaica có nghĩa là “don’t” (đừng). Người đàn ông trong bài hát quyết định ra đi và nói với người đàn bà của mình rằng “thôi đừng khóc nữa, rồi mọi thứ sẽ ổn thôi mà”.
Việc ra đi của người đàn ông không đơn thuần là dứt bỏ một cuộc tình mà là một thái độ sống, một sự phản kháng với chính quyền sở tại, với một xã hội bấp bênh và những lời hứa lèo. Ra đi đếnphương trời mới và hứa một ngày nào đó sẽ trở lại.
Bob Marley (phải) và Vincent Ford những ngày còn trẻ. Lúc này Bob đang bắt đầu đi vào con đường âm nhạc
Bob Marley luôn đẫm mình trong thế giới ấy, thế giới của những kẻ nghèo hèn không tìm ra lối. Những bài hát của ông luôn nhuộm ca từ phản kháng. Ông không tìm cách thay đổi thế giới, ông chỉ viết nên thực trạng của cả cái xã hội mà ông đang sống, xã hội mà những đứa trẻ lớn lên không có mơ ước, vô gia cư còn cha mẹ thì bất lực.
Nghe Bob Marley hát, có thể cảm nhận được nỗi đau và niềm hy vọng. Ở đó, điệu reggae như thể chuyên chở những nỗi buồn xa vắng trong giọng hát, còn nhịp trống trong bài như thể mái chèo, từ từ đẩy bài hát về phía trước. Những cảm giác nặng nề cứ nhẹ nhàng lắng xuống khi bài hát trôi về phía cuối. Câu hát “Mọi thứ rồi sẽ ổn” được lặp đi lặp lại như thể mở ra một sự hy vọng lớn, một sự hồi sinh.
No Woman, No Cry xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1974 trong album Natty Dread của Bob Marley nhưng lại không được chú ý nhiều lắm. Phải sang năm 1975, khi biểu diễn live ca khúc này ở London thì nó mới thật sự được bùng nổ.
Bản studio ca khúc "No woman, No cry" từ album "Natty Dread" (1974) của Bob Marley
Chuyến lưu diễn của Bob Markey và nhóm The Wailers tại Anh quốc vào năm 1975 ấy đã thành công khủng khiếp khi lần đầu tiên một nghệ sĩ Jamaica giới thiệu reggae ra bên ngoài biên giới. Buổi biểu diễn tại Lyceum đã trở thành huyền thoại và album thu từ buổi diễn này, Live!, cũng là album đột phá của Bob Marley trong năm 1975 và từ đây biến ông trở thành ông hoàng reggae.
Trong album này, ca khúc No Woman, No Cry được trích ra làm single và đó là lí do vì sao đến giờ nhiều người vẫn không biết đến một bản studio đã từng tồn tại. Bản single “live” đã trở thành chuẩn mực của Bob Marley khi ông làm dày thêm bản phối với phần âm thanh căng hơn, tiếng guitar được chơi to hơn bản phòng thu còn giọng hát của Bob Marley lại thống thiết và nhiều cảm xúc hơn.
No Woman, No Cry mở ra cho Bob Marley một chân trời mới, lên đỉnh vinh quang và cùng với đó đã xuất khẩu điệu nhạc non trẻ reggae (phát triển từ điệu ska truyền thống của Jamaica) lan tỏa ra khắp thế giới.
Single “No Woman, No Cry” của Bob Marley phát hành vào năm 1975
Tình bạn tuyệt vời
Có một chi tiết ít người để ý rằng, dù Bob Marley là người đầu tiên thể hiện ca khúc này, nhưng trong phần sáng tác người ta thấy ghi người sáng tác là Vincent Ford. Vincent Ford là một người hoàn toàn xa lạ với giới sáng tác và cũng chẳng ai biết nhân vật này là ai.
Đã vậy, Vincent Ford còn “đứng tên” trong 3 ca khúc kinh điển khác của Bob Marley, là Positive Vibration, Roots Rock Reggae và Crazy Baldheads.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho một cuộc chiến pháp lý nổ ra giữa nhà sản xuất, kiêm quản lý Danny Sims và Bob Marley. Theo đó, năm 1973, Sims đã ký một hợp đồng khai thác quyền sử dụng những sáng tác của Bob Marley. Số tiền không được tiết lộ nhưng được xem là khá lớn vào thời điểm ấy.
Nhưng rồi, sau khi ký kết, phần lớn những bài hát của Bob Marley đều để tên của vợ mình, con trai hoặc một người đàn ông tên Vincent Ford. Có nghĩa rằng, tiền tác quyền sẽ không được chia cho Sims. Điều này đã làm Sims tức tối và kiện Bob Marley. Vụ kiện kéo dài đến tận năm 1987 với phán quyết cuối cùng có lợi cho phía Bob Marley.
Bob Marley hát live "No Woman, No Cry" tại London vào năm 1975
Nhưng đằng sau câu chuyện pháp lý ấy lại le lói một tình bạn tuyệt vời. Vincent Ford không ai khác, là người bạn thuở thiếu thời của Bob Marley.
Họ quen nhau từ thời niên thiếu khốn khó ở Trenchtown (Jamaica). Khi ấy, Bob Marley cực kỳ nghèo khó, không một xu dính túi và đói triền miên. Còn Vincent Ford khi ấy đang là chủ một bếp ăn tình thương, cũng nghèo hèn và bếp ăn của ông được huy động từ tiền thiện nguyện của cộng đồng.
Bob Marley cùng rất nhiều người khác sống qua ngày nhờ bếp ăn tình thương của Vincent Ford. Hơn vậy, chính Vincent là người đã đưa Bob Marley vào những giấc mơ âm nhạc khi tập cho cậu chơi guitar, nói về cuộc đời và mỗi đêm cả hai ngủ dưới sàn bếp trong cái nóng kinh hồn ở Trenchtown.
Bob Marley cực kỳ thân với Vincent Ford, họ cùng nhau chia sẻ tất cả những khó khăn trong cuộc sống và ngày ra đi, Bob đã hứa sẽ quay lại.
No Woman, No Cry là một trong những cách mà Bob Marley “quay lại”. Nhiều người nói rằng bài hát này được ra đời khi mà Bob Marley ngồi nói chuyện cùng Vincent Ford, như thể những câu nói của Vincent làm chất xúc tác để Bob Marley dạt dào cảm hứng sáng tác.
Và cuối cùng Bob Marley đề tên người bạn thân nhất của mình vào phần sáng tác không phải để lách luật mà đó là cách mà ông muốn tri ân Vincent và muốn Vincent vẫn tiếp tục công việc ở bếp ăn tình thương, nơi đã từng giúp ông tồn tại trong những tháng ngày khổ đau.
No Woman, No Cry đến giờ vẫn là bài hát được yêu thích trên toàn thế giới, trở thành một trong những bài hát được cover nhiều nhất thế giới. Và ở một góc nhỏ nào đó, bếp ăn tình thương của Vincent vẫn tiếp tục được mở và giúp đỡ những phận đời hèn mọn. Là nhờ No Woman, No Cry.
Bài hát kiếm được nhiều tiền nhất của Bob Marley Đến bây giờ không ai biết thật sự tác quyền của ca khúc No Woman, No Cry mỗi năm đem về là bao nhiêu nhưng tổng tác quyền những ca khúc của Bob Marley là vào khoảng 9 triệu USD và No Woman, No Cry là bài hát kiếm được nhiều nhất trong số này. Sân chơi cộng đồng của chính quyền thị trấn Trenchtown khi xưa giờ đã trở thành bảo tàng Bob Marley; còn quán ăn của Vincent Ford vẫn tồn tại, bất chấp việc ông chủ của nó đã qua đời vào năm 2009 ở tuổi 68. |
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags