(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12/10, ông Angus Deaton, giáo sư kinh tế về các vấn đề quốc tế ở Đại học Princeton danh giá, đã trở thành người giành giải Nobel Kinh tế. Sự kiện cũng đồng thời khép lại mùa giải Nobel 2015, vốn thu hút sự chú ý lớn của dư luận.
Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển cho biết hôm 12/10, Deaton được trao giải vì "các phân tích của ông trong lĩnh vực tiêu thụ, đói nghèo và phúc lợi".
Sự tôn vinh một công trình quan tâm tới dân nghèo
Giáo sư Deaton, 69 tuổi, người mang hai quốc tịch Anh - Mỹ, nổi tiếng bởi công trình nghiên cứu về sự lựa chọn của từng người tiêu dùng. "Thông qua việc kết nối sự lựa chọn chi tiết của từng cá nhân với tổng thu nhập chung, ông đã giúp biến đổi các lĩnh vực kinh tế vi mô, vĩ mô và phát triển kinh tế"- Viện Hàn lâm nói trong thông báo trao giải.
Viện Hàn lâm cho biết đã tôn vinh giáo sư Deaton vì có phát hiện liên quan tới 3 câu hỏi quan trọng: người tiêu dùng chi tiêu ra sao trên các mặt hàng khác nhau; thu nhập của xã hội được tiêu dùng và tiết kiệm ra sao; cách thức tốt nhất để đo đếm, phân tích phúc lợi và sự nghèo khó.
Trong một cuộc họp báo diễn ra theo sau thông tin về giải Nobel kinh tế được công bố, Deaton tự gọi mình là người "quan tâm tới người dân nghèo của thế giới và cách thức họ hành xử, cũng như việc cần phải làm gì để giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn".
Ông cho biết mình rất vui khi đoạt giải và hài lòng với việc Ủy ban trao giải Nobel quyết định tôn vinh một công trình nghiên cứu quan tâm tới dân nghèo trên thế giới. Mặc dù bản thân mong mỏi nạn đói nghèo toàn cầu sẽ tiếp tục giảm xuống, Deaton nhắc lại rằng ông không muốn "lạc quan một cách mù quáng".
Ông chỉ ra rằng "người lớn và trẻ em ở Ấn Độ vẫn gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe, bất chấp việc nước này đã có nhiều sự tiến bộ". Ngoài ra, tới nửa số trẻ em ở Ấn Độ vẫn suy dĩnh dưỡng và tình hình tại nhiều vùng khác trên thế giới cũng tồi tệ không kém.
Giải thưởng cũng được trao trong bối cảnh có hàng triệu người đang phải chạy trốn chiến tranh và nghèo đói ở Syria. Họ tìm tới châu Âu với hy vọng đổi đời, bất chấp việc phải thực hiện các hành trình vô cùng nguy hiểm. Deaton nói rằng việc này xảy ra là bởi "hàng trăm năm phát triển bất bình đẳng của các nước giàu có, đã bỏ lại thế giới ở sau lưng".
Với việc giành giải Nobel Kinh tế, Deaton sẽ được nhận một giấy chứng nhận, một chiếc huy chương vàng và số tiền thưởng gần 1 triệu USD. Năm ngoái, nhà kinh tế học người Pháp Jean Tirole đã giành giải nhờ công trình nghiên cứu về sức mạnh của thị trường và sự điều phối.
Không phải giải Nobel "chính hiệu"
Giải Kinh tế không phải là một giải thưởng do Nobel lập ra theo di chúc của ông. Thay vì thế, giải được Ngân hàng trung ương Thụy Điển sáng lập vào năm 1968 để tưởng nhớ tới Nobel. Giải này đã gây tranh cãi ngay từ đầu, với một số người cho rằng nó thường lai vãng quá gần tới chính trị.
Theo lời Peter Englund, cựu lãnh đạo Ủy ban trao giải nobel Kinh tế, không giống các giải Y học, Vật lý và hóa học, "kinh tế không phải là một ngành khoa học thử nghiệm". Mỗi mùa Nobel, các nhà chỉ trích đều chỉ ra rằng Nobel chưa từng có ý định trao giải cho các nhà kinh tế.
Họ nói rằng các nhà kinh tế học thường không đáng tin cậy trong việc dự báo khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Ngoài ra, họ cũng chưa thể tìm ra thần dược chống lại tình trạng thất nghiệp hàng loạt.
Mặc dù vậy, kể từ khi ra đời tới nay vẫn có tới 47 giải Nobel Kinh tế được trao cho 76 người đoạt giải, bao gồm cả ông Deaton.
Chỉ có duy nhất một người phụ nữ từng lĩnh giải Nobel Kinh tế là Elinor Ostrom. Trong khi đó, Kenneth J Arrow là người trẻ nhất từng đoạt giải Kinh tế. Ông đã 52 tuổi khi được trao giải vào năm 1972. Leonid Hurwicz là người cao tuổi nhất, khi nhận giải vào năm 90 tuổi.
Điều thú vị là có 2 người đoạt giải Nobel Kinh tế có mối quan hệ với nhau. Cụ thể, Gunnar Myrdal, người giành giải Nobel Kinh tế 1974, đã kết hôn với Alva Myrdal, người sau này giành giải vào năm 1982. Năm 1969, Jan Tinbergen giành giải Nobel Kinh tế. Chỉ một thời gian sau, vào năm 1973, anh trai của ông là Nikolaas Tinbergen đã giành giải Nobel Y học.
Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Tags