Gia đình ông Phước đã mất gần cả năm trời để mở một nhà hàng Việt Nam ở trung tâm Sao Paulo vừa khai trương 6 sáu tháng trước. Miss Saigon, tên của nó, là nhà hàng Việt Nam duy nhất ở xứ này.
Ông Phước bảo động lực thôi thúc ông mở Miss Saigon là muốn giới thiệu món ăn của người Việt với người bản xứ. “Món ăn mình ngon mà tụi nó không biết, có nhiều người Ba Tây bảo tôi họ chỉ được ăn đồ Việt mỗi lần họ qua Mỹ”. Nhưng ông cũng không giấu còn một lý do khác, đó là nghề may túi xách, ba lô gần ba chục năm ở Brazil của ông đang bị cạnh tranh đáng kể bởi một cộng đồng người Tàu ngày một đông. “Cái túi mình may tốt, bền, nhưng đồ của người Tàu mang qua thì rẻ mà tụi Ba Tây nó đâu cần biết là tốt hay bền. Cứ rẻ là mua”.
Có bao nhiêu tiền tích cóp từ nghề may túi và trước đó nữa may cả váy cưới, vợ chồng ông Phước bỏ ra đầu tư nhà hàng. Vẫn thiếu, ông đi vay ngân hàng. Nhà hàng Miss Saigon với gia đình ông vì thế nhất định phải thành công.
Hai đầu bếp được đưa từ Việt Nam qua trực tiếp nấu nướng (thay vì đầu bếp Brazil lúc nào cũng chỉ nghĩ đến món xúc xích) và phải bay qua Mỹ để lấy nguyên liệu nấu phở. Ông không dám theo dõi một cách trọn vẹn trận bóng đá World Cup lúc ti-vi phát trận tuyển Đức hòa với Ghana, vì sợ xao lãng công việc.
Quyết tâm của ông Phước cũng giống như những người Việt khác ở Sao Paulo, kinh doanh buôn bán đủ ngành nghề và khá cơ cực. Họ bắt đầu công việc buôn bán ở một cái chợ khá giống chợ trời lúc nửa đêm. Rồi lặng lẽ trở về nhà lúc gần trưa và nghỉ ngơi vào buổi chiều để lấy sức cho buổi tối kiếm cơm.
Những người Việt ở Brazil này tới Sao Paulo năm 1979. 35 năm của họ là ngắn so với trăm năm của người Nhật qua đây làm đồn điền cà phê. Khoảng 100 người Việt ở đây là quá nhỏ so với hàng triệu người Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Phải tới chục năm qua, nếu không kể chuyện lấy chồng lấy vợ rồi sinh con đẻ cái, cộng đồng này mới đón thêm được một người Việt sang sinh sống, một phụ nữ từ Sài Gòn lấy chồng người Brazil gốc Đài Loan, nhưng nhà lại ở giữa khu phố Hàn ở thành phố Sao Paulo, trong khi phần đông người Việt sống ở khu Cambuci.
Hương Nhiên, tên người phụ nữ còn khá trẻ ấy, bảo cô sang đây được một năm rưỡi nhưng không gặp một người Việt Nam nào cho tới khi cô tìm thấy nhà hàng Miss Saigon, một nơi để cô vừa ăn những món ăn Việt vừa được nói tiếng Việt.
Nhưng không phải lúc nào cô cũng được nói tiếng Việt, bởi ông chủ bận bịu trong bếp và thực khách hầu như là người Brazil bản địa.
350 ngàn đồng một bát phở ở nhà hàng Miss Saigon đang trở thành một trong những món mới mà báo chí Sao Paulo nhận định rằng nên thử.
Phạm Tấn (Sao Paulo)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags