(Thethaovanhoa.vn) - "Lương cho một HLV các tuyến trẻ ở Nam Định lúc này chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, từ ngân sách tỉnh. Lương thầy đã thấp thế, chế độ của VĐV còn thấp đến đâu?! Chưa nói đến yếu tố sân bãi tập luyện. Như vậy, Nam Định liệu có thể kỳ vọng sẽ sản sinh ra những Quang Hải, Văn Hậu hay Công Phượng không?", HLV trưởng CLB DNH Nam Định, Nguyễn Văn Sỹ, chua xót.
Chiều qua (17/12), U21 Nam Định đã bị loại ở bán kết VCK U21 quốc gia - Báo Thanh Niên 2020, đang diễn ra ở Nha Trang, Khánh Hòa, bởi kỳ phùng địch thủ SLNA. Như thế cũng... tốt, bởi hơn 10 cầu thủ U21 Nam Định sẽ di chuyển qua Phú Yên ngay sát bên, hội quân với hơn chục cầu thủ khác ở đội 1, chuẩn bị xuôi Bình Dương đá giải tập huấn trước thềm V-League 2021. Cố níu kéo có khi lại... khổ!
Trên thực tế, đây là cái kết được báo trước, khi U21 Nam Định tỏ ra quá lép vế trước SLNA. Cả Nam Định và Nghệ An đều là những địa phương giàu truyền thống bóng đá, có hệ thống đào tạo trẻ được kiện toàn và thực tế, đã không ngừng cung ứng cho các ĐTQG rất nhiều nhân tài. Tuy nhiên, trong khi SLNA vẫn chiếm được thế thượng phong, thì Nam Định đã đuối hơi, tụt lại. Tại sao?
Cùng cơ chế bao cấp như nhau, nhưng sự thống nhất rất mạch lạc giữa nhà tài trợ (Bắc Á) và Nghệ An mang tính chiến lược, rằng một phần gói tài trợ 30-40 tỷ đồng mỗi mùa giải sẽ được rót xuống cho bóng đá trẻ, chứ không chỉ tập trung cho đội 1 SLNA. Tức là bóng đá trẻ SLNA ít nhiều vẫn còn được nhờ từ nhà tài trợ, bên cạnh ngân sách tỉnh. Và nó khác với Nam Định và một số địa phương khác.
Trong khoảng 5-7 năm qua, các tuyến trẻ Hà Nội và PVF, cùng Viettel đã thay nhau thống trị hệ thống các giải bóng đá trẻ quốc gia, ít nhất từ U15-U21. Tuy nhiên, những năm gần đây, SLNA đã lấy lại vị thế của một phân xưởng đào tạo lớn nhất Việt Nam bắt đầu từ giải thiếu niên - nhi đồng (11-13 tuổi), đến U21. Đồng Tháp dù lên xuống như con nước, nhưng bóng đá trẻ của địa phương này cũng có những điểm sáng.
Người trẻ là tương lai của đất nước, cầu thủ trẻ là tương lai của nền bóng đá. Tuy nhiên, nếu cứ nhìn vào những gì đã và đang diễn ra ở Quảng Ninh, Hải Phòng (gần như không duy trì các tuyến trẻ, hoặc nếu phát hiện một cầu thủ trẻ tài năng nào đó là bán lúa non luôn), Nam Định, Quảng Nam, CLB TP.HCM, Sài Gòn FC..., quả là hơi ngán ngẩm. Liệu Hà Nội, Viettel, SLNA, PVF và HAGL có thể "gánh team", cõng trên lưng tham vọng của cả nền bóng đá?
Năm 2020, các ông chủ của PVF đã có những chính sách biệt đãi chưa từng có trong lịch sử, với bóng đá trẻ. Gói tài trợ khoảng 20 tỷ đồng cho BTC và các CLB tham dự VCK Cúp quốc gia U17, U19 và kế đến là U15, nhằm tạo điều kiện thi đấu cọ xát nhiều hơn cho cầu thủ trẻ, điều đó thật đáng trân trọng. PVF chính là đã và đang thực hiện đúng chức năng của Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá trẻ Việt Nam.
Người ta phải tìm tiền làm bóng đá, đây sẵn tiền mà bóng đá không thành, thì còn có thể trách ai? Giá mà một phần của các gói tài trợ ấy, được dành hỗ trợ các địa phương như Nam Định hay Đồng Tháp, mang tính dài hơi một chút, chúng tôi tin rằng nền bóng đá sẽ còn có thể phát hiện ra rất nhiều cầu thủ trẻ tài năng. Trong địa hạt bóng đá mà nói, đây là 2 vùng đất có thể nói là thiên linh địa tú.
Theo tính toán của HLV Park Hang Seo, có khoảng 15 cầu thủ trẻ trong kế hoạch tập trung U22 Việt Nam chuẩn bị vòng loại U23 châu Á 2022 và SEA Games 2021, đã và đang chơi tại VCK U21 quốc gia - Báo Thanh Niên 2021. Không biết ông Park có vừa được thấy các mầm ươm tương lai của đội tuyển, vừa phải chơi các trận bán kết trên mặt sân 19/8 như đám ruộng cày dở, bởi ảnh hưởng của thời tiết không nhỉ?!
Muốn có một sản phẩm bóng đá tử tế, chúng ta cần những con người làm bóng đá tử tế, không vụ lợi và không thể ẩu tả được, từ một mặt sân thi đấu cũng phải đủ tiêu chuẩn của nó. Đó là bắt buộc!
Tùy Phong
Tags