(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi Hòa nhạc Điều còn mãi 2016 diễn ra vào ngày 2/9 kết thúc, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - người phụ trách phối khí những tiết mục trong chương trình này - đã chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình bài viết với tiêu đề “Buồn quá”.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng buồn khá nhiều điều, tựu chung cũng với mục đích là nói lên những khiếm khuyết (dù đã nói mãi) với mong muốn chương trình hòa nhạc mang tầm quốc gia và nhiều ý nghĩa xã hội này khắc phục để chương trình ngày càng hoàn thiện.Tuy nhiên, tôi quan tâm nhất là tiết mục Người là niềm tin tất thắng (sáng tác Chu Minh), tiết mục được xem là có lực lượng biểu diễn mang tầm vóc quốc gia gồm: Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, dàn hợp xướng Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, “sao” chỉ huy từ nước ngoài về - nhạc trưởng Lê Phi Phi - và “divo” Tùng Dương.
Đúng như nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chia sẻ, cùng hòa với nhau, nhưng ca sĩ hát solo thì hát theo nhịp 6/8 còn dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng thì hát theo nhịp 2/4. Thật ra có nhiều đoạn ngắn ca sĩ solo bị “cuốn” vào hợp xướng nên cũng hát thành nhịp 2/4.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi trong đêm "Hòa nhạc Điều còn mãi 2016"
Khi ca sĩ hát solo cùng dàn nhạc, cảm giác “lổn nhổn” đã xuất hiện, nhưng khi hợp xướng “tutti” lời hát cùng ca sĩ solo, sự so le lời hát như rượt đuổi nhau gây cảm giác thật khó chịu. Với những người làm nghề chuyên nghiệp, đây là lỗi “ensemble” quá sơ đẳng khi dàn nhạc, hợp xướng và solist hòa cùng nhau.
Việc xử lý ca khúc với nhịp 2/4 thành 6/8 thường diễn ở lĩnh vực nhạc nhẹ, thông thường là nó được biến thành nhịp 6/8 để hát theo tiết điệu slow rock. Nhưng bài hát “Người là niềm tin tất thắng” được tác giả viết với nhịp 2/4, một bài hát mang tính chất thính phòng và được phối cho dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng - những yếu tố “đặc” chất thính phòng thì ca sĩ không bao giờ hát theo cách với dàn nhạc nhẹ. Nhưng hai yếu tố nhạc nhẹ, thính phòng này đã “đấu” nhau trong tiết mục “Người là niềm tin tất thắng”.
Điều đáng nói hơn cả, người hát solo là “divo” Tùng Dương, chẳng lẽ Tùng Dương hát mà không nghe dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng? Tuy nhiên, những gì diễn ra trên sân khấu, có lẽ trách nhiệm cao nhất vẫn là người nhạc trưởng, bởi nhạc trưởng được ví như vị tướng chỉ huy trên sân khấu hòa nhạc mà hàng trăm người phải “tuân lệnh” và nhạc trưởng là linh hồn của buổi hòa nhạc. Có lẽ điều này đã diễn ra trong những buổi tập luyện, nhưng với một chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng như Lê Phi Phi, rất khó hiểu là đã để điều này xảy ra trong buổi công diễn chương trình.
Nói gì đi nữa, hậu quả đã diễn ra trên sân khấu đối với các các nghệ sĩ rất nổi tiếng (những nghệ sĩ đã có quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật rất nghiêm túc, đạt nhiều thành tựu được nhiều người ngưỡng mộ) là một điều đáng trách. Đáng trách về sự cương quyết, nghiêm khắc trong nghệ thuật, những điều mà lâu nay chỉ xảy ra ở những chương trình của thị trường âm nhạc.
Có lẽ việc “đấu” nhau giữa dàn nhạc giao hưởng, dàn hợp xướng và ca sĩ solo nó không thành một scandal của showbiz vì đó là… nhạc hàn lâm. Tuy nhiên, với giới âm nhạc chuyên nghiệp, đó là điều khó có thể chấp nhận. Nếu những điều tương tự như thế này tiếp tục diễn ra khó có thể nói Hòa nhạc Điều còn mãi là chương trình nghệ thuật tầm vóc quốc gia đúng nghĩa.
Cùng xem Tùng Dương hát Người là niềm tin tất thắng:
Hải Long
Thể thao & Văn hóa
Tags