Bề dày lớp văn hóa Việt Nam gắn liền với sen cũng tựa như vô vàn cánh hoa đan xen, xếp lại thành một búp sen. Và tại tọa đàm Sen trong đời sống văn hóa Việt diễn ra trong tuần qua tại Bảo tàng Hà Nội, nhiều chuyên gia lại cùng nhau bóc tách từng cánh hoa ấy, để giải mã thêm những lớp văn hóa.
1. Tọa đàm quy tụ các diễn giả: PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, TS Trần Đoàn Lâm, TS Trần Hậu Yên Thế và nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thanh Tâm. Và chẳng phải ngẫu nhiên mà Bảo tàng Hà Nội lựa chọn sen làm chủ đề bàn luận trong tọa đàm vào thời điểm này - khi một mùa sen nữa lại đi qua.
Sen không chỉ khiến người ta quyến luyến vì mùi hương mà còn hiện diện trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Việt Nam. Đơn cử, như lời PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, việc sử dụng các loài hoa làm thành phần chế biến món ăn không còn xa lạ trong văn hóa ẩm thực của chúng ta. Nhưng ít có loại hoa nào mà cả cây hoa, từ củ, lá, cánh hoa, hạt… cũng đều được đưa vào trong chế biến ẩm thực như nó. Mà, có lẽ phổ biến nhất là phương thức chế biến trà sen, bằng cách ướp lá trà khô với gạo sen - phần hạt li ti có màu trắng đục, được tách ra từ nhụy hoa.
Hoặc, trà sen từ đời sống bước vào thế giới điện ảnh hiện đại với tác phẩm Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Trong phim cóhình ảnh một cô gái Huế sáng nào cũng dậy sớm, tỉ mỉ gỡ từng búp sen ra để lấy lá trà, pha cho chồng. Hương vị của trà sen giàu hình ảnh ẩn dụ, đại diện cho sức hấp dẫn, quyến rũđể người phụ nữ ấy níu giữ người chồng bên mình.
Sen còn cho người ta cảm nhận, đây là loài hoa đầy sự quyến luyến. Đặc tính này đã được Nguyễn Du khéo léo đưa vào trong Truyện Kiều - "Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng", bởi như cố PGS Nguyễn Thạch Giang bình giảng: Ngó sen dù bị ngắt lìa ra nhưng những sợi tơ trong lòng ngó sen không đứt hẳn mà vẫn còn vướng liền nhau". Và, "khác nào như Kiều vì cảnh ngộ mà phải lìa Kim Trọng, nhưng về tình thì lòng vẫn luôn luôn nhớ chàng, luôn luôn vương vấn không dứt được với chàng".
Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng như hiện nay, những xóm làng xưa trở thành phố thị, số lượng ao, hồ trồng sen bị thu hẹp dần. Song, TS Trần Đoàn Lâm cho rằng, những nguời từng sống ở nông thôn xưa vẫn có thể tìm về khung cảnh những ngày thơ ấu từng tắm mát dưới hồ qua ký ức được lưu giữ lại trong những lời ca dao "Rủ nhau ra tắm hồ sen/ Nước trong bóng mát, hương chen cạnh mình/ Cứ chi vườn ngọc, ao quỳnh/ Thôn quê vẫn thú hữu tình xưa nay". Sen cũng từ đó mà trở thành biểu trưng cho nét đẹp của quê hương, làng mạc cũ - để rồi trong nỗi nhớ miên man của những người con xa quê không chỉ có cơm rau muống với cà dầm tương, cây đa, sân đình, mà còn là mùi hương hoa sen thoang thoảng, đầy hoài niệm.
Hoặc, nhắc đến làng quê Bắc Bộ xưa, người ta còn nhớ đến hình ảnh các mẹ, các chị duyên dáng trong chiếc khăn mỏ quạ với lời lục bát: "Miệng cười như thể hoa ngâu/ Cái khăn đội đầu như thể hoa sen". Như thế, sen không chỉ là biểu trưng riêng cho vẻ đẹp của làng quê mà còn được thu hẹp hơn, là biểu trưng đích danh cho vẻ đẹp của người phụ nữ sinh sống ở làng quê xưa.
2. Ngay từ rất sớm, đặc tính của loài hoa sen đã được nhiều dân tộc khác ở phương Đông tiếp thu và gửi gắm vào hình tượng đó những tư duy triết học. Chẳng hạn, theo TS Trần Hậu Yên Thế, các triết gia đạo Bà-la-môn ở Ấn Độ đã chú ý đến đặc tính không thấm nước, không lấm bẩn, từ đó lựa chọn sen làm biểu tượng cho sự an nhiên và bất nhiễm của hành giả trong thế giới vật chất.
Rồi, dù không có mối tương quan nào, nhưng tình cờ trong Đạo giáo Trung Hoa cũng đã có sự gặp gỡ với Bà-la-môn giáo trong đề cao tính vô nhiễm của sen. Từ đó, loài hoa này cũng tượng trưng cho người tu hành trong đạo Lão. Như tại Trung Hoa, Thái Ất cứu khổ hộ thân diệu kinh thời Đường có chép: Hoa sen được người đời tôn vinh thành quân tử nhanh nhẹn, "xuất thân từ bùn mà không lem luốc".
Sau này, khi hình thành Phật giáo trên đất Ấn, tôn giáo này cũng đã kế thừa những quan niệm trong Bà-la-môn giáo, trong đó có ý niệm về hoa sen. Nhãn quan của những vị thiền sư đã nhìn nhận ra, ở hoa sen chứa đựng tầng tầng lớp lớp triết học về thời gian. Quá khứ, hiện tại và tương lai cùng đồng thời xuất hiện trong cùng một thời điểm. Trong đó, quá khứ được gói gọn vào trong củ sen. Từ củ mọc lên bông hoa sen, là sản phẩm thuộc về thời hiện tại. Bông hoa sen nở ra, để lộ ra hạt sen, đó là những hạt mầm hướng đến tương lai.
Phật giáo Việt Nam cũng đã tiếp biến quan niệm về hình tượng hoa sen trong Phật giáo nguyên thủy tại Ấn Độ. Bước vào chánh điện của những ngôi chùa theo phái Bắc truyền ở nước ta, đặt ở vị trí trung tâm là tượng Tam Thế Phật với 3 vị Phật: Phật A Di Đà, Phật Thích Ca và Phật Di Lặc lần lượt đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Cả 3 vị Phật đều được tạo tác ngự trên tòa sen đầy trang nghiêm, tôn kính.
Chính vì gắn liền với con người Việt Nam, đất nước Việt Nam, nên ngày nay, hình ảnh hoa sen đã được lựa chọn để đưa thiết kế nhận diện của ngành du lịch Việt Nam, hãng hàng không quốc gia Việt Nam,… Tuy chưa có công bố chính thức nào ghi nhận hoa sen là quốc hoa của nước ta nhưng không thể phủ nhận mối quan hệ mật thiết giữa sen với văn hóa Việt Nam mà bao đời nay đã gây dựng, bồi đắp và truyền thừa.
Tags