(Thethaovanhoa.vn) - Rất nhiều nước mắt đã rơi vào sáng qua 30/6, khi lễ truy điệu 9 thành viên phi hành đoàn CASA 212 diễn ra tại Hà Nội. Và, kèm với đó, trong cơn mưa tầm tã, rất nhiều lời tri ân, tiếc thương, đồng cảm… cũng đã được đồng đội và nhân dân gửi theo linh cữu các liệt sĩ giữa thời bình.
- Điếu văn các liệt sĩ CASA 212: Các anh đi để lại danh thơm 'Bộ đội Cụ Hồ'
- VIDEO: 'Người rơi nước mắt, trời tuôn mưa' đúng thời khắc truy điệu 9 chiến sĩ CASA-212
- Tổ chức Lễ tang các thành viên Phi hành đoàn CASA-212 vào ngày 30/6
Đó là bức ảnh một bé gái chừng 4 tuổi với vành khăn tang và chiếc áo xô vốn chỉ dành cho con ruột của người đã khuất… Ngơ ngác, em đứng giữa Đại sảnh Nhà tang lễ, dõi mắt nhìn theo những người lính đang đứng mặc niệm trước linh cữu cha mình mà chưa hiểu chuyện gì.
Bức ảnh ấy được các đồng nghiệp của báo Lao động thực hiện và không khỏi khiến chúng ta nhói lòng khi nhớ tới cảnh huống tương tự tại lễ tang 18 người lính gặp nạn trên trực thăng Mi 171 (tại Hòa Lạc) 2 năm trước. Ở phút giây đau buồn ấy cũng có những đứa trẻ say ngủ trong vòng tay của ông, bà, mẹ mà không biết rằng hôm nay là ngày cuối, chúng được nhìn thấy gương mặt của cha mình.
Đó cũng là những bức ảnh về một chú bé khác, được Thể thao & Văn hóa (TTXVN) cùng các đồng nghiệp thực hiện ở thời điểm đoàn xe chở linh cữu 9 liệt sĩ bắt đầu rời Nhà tang lễ. Trong dòng người đứng chật phía bên kia đường,một bé trai 7 tuổi, đứng nghiêm bên lề đường trong nhiều phút, với cánh tay đưa lên chào tiễn biệt đoàn xe tang. Tên em là Lưu Chí Dũng, hiện đang học lớp 2A tại trường Tiểu học Tây Sơn. Đi cùng Dũng là bà nội.
Chí Dũng đang giơ tay chào. Sau lưng em là bà nội (đội mũ)
Theo lời kể của bà, ông nội của Dũng cũng từng nhiều năm công tác trong binh chủng phòng không - không quân. Khi được biết thông tin về lễ truy điệu 9 liệt sĩ, Dũng nằng nặc đòi được tới Nhà tang lễ để tham dự lễ vĩnh biệt các đồng đội của ông nội.
Biết chuyện, những người đứng xung quanh xoa đầu Dũng rồi hỏi em sau
này có thích làm phi công? Bẽn lẽn, cậu bé gật đầu. Cái gật đầu ấy lại
khiến người ta nghĩ tới một chú bé thứ ba, trong bức ảnh đang được cộng
đồng mạng chia sẻ. Nhỏ hơn Dũng vài tuổi, em đứng lẫn trong dòng người
tiễn biệt các chiến sĩ phi công, với chiếc máy bay đồ chơi đang nắm
chặt trong tay.
Giữa nỗi buồn trĩu nặng như một vành khăn tang chung đang phủ lên Hà Nội, vẫn có những lời động viên và cổ vũ được gửi tới cậu nhóc này. Rằng, tới một ngày nào đó, biết đâu em sẽ không còn dừng ở một chiếc máy bay đồ chơi, mà trở thành một phi công thực thụ, để rồi có lúc nhìn lại bức ảnh của ngày hôm nay và nhớ tới sự hy sinh của cha chú mình.
Đông đảo nhân dân, có cả những em nhỏ đến tiễn đưa các anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Sự ngây thơ của trẻ em ở một thời điểm nào đó sẽ làm nỗi xót xa thêm lớn. Nhưng, cũng ở một thời điểm khác, sự hồn nhiên ấy lại có thể giúp chúng ta thấy cuộc sống có thêm ý nghĩa, để rồi từ đó gượng dậy và gắng vượt qua những gì đang xảy đến với mình. Chí ít, từ câu chuyện của những cô bé, cậu bé trong buổi sáng 30/6 này, người ta hiểu thêm rằng những ai đã đi qua nỗi đau của ngày hôm nay thì sẽ hiểu được trọn vẹn hạnh phúc của ngày mai.
Anh Bảo
Thể thao & Văn hóa
Tags