Cơ chế bóng đá chuyên nghiệp mở ra và có những đòi hỏi khắt khe của nó. Nói bóng đá là của nhà giàu, không sai, nhưng người nghèo cũng có thể làm bóng đá tử tế, nếu họ chịu học hỏi và dám hành động, thay vì cứ ngồi chờ sung rụng, mang nặng tâm lý ỷ lại vào kẻ khác.
Lên xuống như con nước
Từng 2 lần đoạt chức vô địch quốc gia (1989 và 1996), Đồng Tháp chứ không phải An Giang, Cần Thơ hay Long An, mới là anh cả của bóng đá khu vực miền Tây Nam bộ. Nhưng ở kỷ nguyên V-League, vị thế của xứ Tràm Chim đã không được đảm bảo, bởi xuất hiện của ĐT.Long An, đội bóng cũng đã tích luỹ đủ 2 chức vô địch và liên tục ngự trị trong tốp đầu, kể từ mùa giải 2002–2003, kéo dài đến năm 2008.
V-League đầu tiên, 2000–2001, bóng đá Đồng Tháp nhận vé xuống hạng và trở lại giải đấu này một năm sau đó. Tuy nhiên, sau 3 mùa giải liên tiếp, kết thúc V-League 2005, một lần nữa bóng đá Đồng Tháp phải nếm trải nỗi đau rớt hạng. Họ quay lại ở mùa 2006, nhưng điệp khúc lên xuống tiếp tục năm 2007. Sau chiến thắng trước Bình Định ở trận play-off, Đồng Tháp một lần nữa lên chuyên.
V-League 2009 đánh dấu bước tiến dũng mãnh của Đồng Tháp, với thứ hạng 5 chung cuộc dành cho tân binh này. Đây chính là bước đệm để xứ bưng biền đánh chiếm tốp huy chương, với vị trí thứ 3, sau khi V-League 2010 kết thúc. Tuy nhiên, đội một lần nữa phải chơi hạng Nhất mùa giải 2013, như một định mệnh. Sau 2 mùa giải ngụp lặp ở giải đấu hạng thấp, V-League 2015 đáng lẽ đã đánh dấu sự trở lại, cho đến khi…
“Trong khi Tập đoàn Cao su Việt Nam từ 2 năm nay đã gần như không còn rót tiền xuống, thì ngân sách tỉnh là không đủ. Đồng Tháp có chừng 4 doanh nghiệp lớn, nhưng ngoại trừ Xổ số kiến thiết, phần lớn còn lại đều khó khăn. Tôi biết là lãnh đạo không muốn một cái kết đau thương, nhưng trong trường hợp này thì bó tay rồi. Đến Kiên Giang, rồi An Giang giàu hơn, còn không gồng được nữa là” - một ý kiến xin giấu tên.
Với một địa phương mà tình yêu với quả bóng tròn luôn hừng hực, dòng máu trẻ không ngừng được sản sinh, thì việc xoá sổ (nếu xảy ra) đội bóng thực sự là một nỗi đau. Nhiều người đã bàng hoàng trước thông tin này, nhưng soi lại toàn bộ lộ trình chuyên nghiệp của bóng đá xứ bưng biền, nó là cái kết được báo trước. Phải có ai đó đứng ra nhận trách nhiệm về mình?
Người ta phải đặt ngược lại câu hỏi, rằng C.ty CP Bóng đá với đầy đủ các ban bệ, có Chủ tịch và GĐĐH, có nhân viên…, được sinh ra để làm gì, ngoài việc hợp thức hoá “tư cách đại biểu” bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam?! Trách ai, ai trách đây?!
Không nguồn nguyên liệu tại chỗ, tất nhiên, không Nhà máy và không sở hữu thị phần, thật phi lý khi Đồng Tháp đòi hỏi nhiều hơn dòng tiền từ Tập đoàn Cao su Việt Nam tiếp tục đổ vào. Cơ chế “xin cho” đã trở nên lạc hậu rồi, nên đòi hỏi người ta phải làm việc cật lực.
Bắt đầu của sự kết thúc
Không như K.Kiên Giang hay HV.An Giang bị bỏ lại, “cái chết” đến với TĐCS.Đồng Tháp vào thời điểm họ đang… hưng phấn nhất, cùng vị trí đương kim vô địch giải hạng Nhất 2014 giành được, đồng nghĩa với suất thăng hạng V-League vào năm sau. Trước đó, việc kéo lại về rất nhiều các thương hiệu bậc trung người bản địa, những tưởng có thể giúp bóng đá xứ Tràm Chim cất cánh trở lại. Ít ai nghĩ, đó lại là bắt đầu của sự kết thúc.
Về mặt tổ chức đội bóng, cũng như chiến lược phát triển, rõ ràng, bóng đá Đồng Tháp đã gặp vấn đề quá lớn suốt một thập niên qua. Khi Trung Vĩnh, Quang Trãi, Minh Nghĩa…, dứt áo ra đi ở những năm đầu cơ chế chuyên nghiệp ra đời, Đồng Tháp không nhận được một xu. Đến lứa của Việt Cường, Quý Sửu, Thanh Bình, Tấn Trường…, có đỡ hơn, nhưng cũng chỉ là giật gấu vá vai. Và mới đây chuyện của Bửu Ngọc…
Theo hợp đồng chuyên nghiệp, cũng giống như Thanh Hào, thủ thành ĐTQG Trần Bửu Ngọc còn 1 năm thời hạn, mà không hề có phí lót tay. Tuy nhiên, trong bản ký nháy hợp đồng đào tạo trẻ với gia đình Ngọc, thủ môn này còn có nghĩa vụ cống hiến đến năm… 28 tuổi. Tất nhiên là nó sai cơ bản với Luật Lao động và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, nên người ta đã ví, đó là sự bất cập khó lý giải về luật.
Ngày Tấn Trường bị đẩy lên Sài thành (XMXT.Sài Gòn, đội bóng cũng đã bị xoá sổ), để đổi lấy 9 tỷ đồng, năm 2012, mở ra một chương mới cho bóng đá xứ sở! Dựa trên nguồn lực trẻ rất dồi dào, lãnh đạo đội bóng hoàn toàn có thể “bán máu” cầm hơi, nếu cần, mà trường hợp của Tấn Trường là một điển hình, giúp đội bóng tái đầu tư, duy trì hoạt động. Tuy nhiên, một lần nữa họ đang đứng trước nguy cơ mất trắng lứa 1990 – 1992.
Đã chẳng có “chương mới” nào được mở ra cả, khi tư duy làm bóng đá kiểu “ăn chắc mặc bền” đã luôn khiến Đồng Tháp phải tiền mất tật mang. Sợi dây kinh nghiệm dài đến độ rút mãi không hết. Phần lớn các lãnh đạo đội bóng đều ngại đối thoại, đặc biệt là khi nhận điện thoại cho một cuộc hẹn từ giới truyền thông, và đó là một biểu hiện rõ nhất cho sự bị động của những người chịu trách nhiệm với sự tồn vong của đội bóng.
Tháng 10 gió chướng về, với việc nước biển xâm thực vào tận sâu trong đất liền. Phần lớn các địa phương ven biển khu Tây Nam bộ đều phải chịu liên đới và Đồng Tháp, những tưởng đã có thể miễn nhiễm. Song, hiệu ứng domino bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, đã và sẽ không trừa một ai cả. Nhà tổ chức giải đấu cứ cố vun vén, mà quên rằng, chân đế (câu lạc bộ) rất yếu. Đó là một nghịch lý không dễ gỡ!
Tiền chỉ là một phần của vấn đề Cứ năm lên, năm xuống, người ta ví rằng, bóng đá Đồng Tháp như thể con nước ở khu vực Tây Nam bộ. Cần chắc rằng, bằng với khoảng thời gian này, bóng đá trẻ Đồng Tháp từ U15 – U21 cũng liên tục đạt thứ hạng cao, nên tính kế thừa vì thế vẫn được đảm bảo. Rõ ràng, tiền chỉ là một phần của vấn đề, mà bản chất nằm ở khâu tổ chức, cơ chế làm bóng đá chuyên nghiệp của địa phương này. |
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Tags