Những đứa trẻ ở làng vạn chài ít có cơ hội đến trường, tuổi thơ của chúng là những tháng ngày lênh đênh trên sông nước cùng bố mẹ.
Trẻ em làng vạn chài bao đời nay vẫn theo bố mẹ lênh đênh trên sông nước, chưa kịp bắt nhịp với cuộc sống ở nơi này thì đã nhổ sào giong thuyền đi nơi khác vì thế sự học của các em cũng bị gián đoạn, những con chữ vẫn chòng chành theo con nước, mạn thuyền.
Nỗi lo cơm, áo dìm "con chữ"!
Ông Nguyễn Văn Nhung gần 60 tuổi, làng chài Thủy Cơ, xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) buông ánh mắt đượm buồn xuống dòng sông Chu khi trò chuyện với chúng tôi về sự học của những đứa trẻ làng chài.
Ngay như gia đình ông có 7 người con thì có đến 6 đứa không biết chữ, duy nhất đứa con út sinh năm 1987 được đến trường nhưng chỉ học được đến lớp 5 rồi lại bỏ dở.
Theo ông Nhung, đứa con út bỏ học bởi gia đình theo nghề sông nước nay đây, mai đó, khiến sự học của con bị gián đoạn dẫn đến lực học kém, không theo được các bạn, dần già con chán học rồi không đến lớp nữa, dù được gia đình, nhà trường động viên.
"Ở làng chài, những đứa trẻ nếu có được đi học thì cũng không được đi đúng tuổi, có đứa 10 tuổi mới vào lớp 1. Cũng do điều kiện khó khăn, nhiều gia đình bố mẹ lênh đênh sông nước kiếm sống, không quan tâm đến việc cho con lên bờ đi học. Mặc dù được nhà trường, thầy cô, bạn bè động viên, hỗ trợ trong học tập nhưng do đi học quá tuổi, chúng mặc cảm rồi cũng lại bỏ dở" - Ông Nhung nói.
Còn chị Nguyễn Thị Liệu, làng chài Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) ứa nước mắt kể về cuộc sống trước đây của 5 thành viên trên một chiếc thuyền nhỏ chật hẹp. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng ốm đau liên tục, bản thân chị Liệu trước đó cũng có thời gian bị tai nạn nên ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.
Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền của gia đình chị Liệu khiến 3 đứa con của chị không thể đến trường. Chúng cũng không biết chữ như bố mẹ, ông bà.
Theo chị Liệu, dù được chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ để các cư dân ở đây cho con em đến trường nhưng người vạn chài cứ lênh đênh theo con nước rồi lại lo chạy ăn từng bữa thì chuyện học hành của các con cũng đành phải gác lại.
Ông Hà Duyên Chương, cán bộ chính sách xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân cho biết, không biết chữ, mỗi khi có việc các cư dân làng chài đều phải dùng tay điểm chỉ. Thậm chí có cả thanh niên đi nhận hỗ trợ thay bố mẹ cũng phải điểm chỉ, có những hôm, điểm chỉ gần như kín trang giấy.
Canh cánh nỗi lo vạn chài lên cạn
Từ đầu năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu triển khai bố trí đất và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho tất cả các hộ dân chài. Toàn tỉnh sau khi rà soát, có 299 hộ dân sinh sống trên sông.
Cụ thể, huyện Thọ Xuân có 65 hộ, huyện Thiệu Hóa 64 hộ, huyện Thạch Thành 5 hộ, huyện Vĩnh Lộc 4 hộ, huyện Yên Định 76 hộ và TP Thanh Hóa 85 hộ. Trong đó, có 194 hộ được đề nghị cấp đất ở, hiện có 86 hộ đã được cấp đất, 66 hộ đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở.
Ông Nguyễn Văn Tuyết làng chài Thành Công, Tp Thanh Hóa cho biết, trước đây, sống dưới sông, thuyền nhỏ lại cũ kỹ, cuộc sống rất khó khăn. Hai vợ chồng đã có 5 mặt con, 2 đứa con đầu cũng đã lập gia đình từ rất sớm. Hiện giờ, vợ chồng với 3 đứa con, đứa con lớn 15 tuổi nhưng cũng chỉ mới học đến lớp 6, đứa nhỡ 14 tuổi đang học lớp 4, đứa nhỏ 8 tuổi đang học lớp 1.
Theo ông Tuyết, lên bờ, tái định cư, cuộc sống của gia đình khấm khá hơn khi ông Tuyết đi làm phụ hồ, còn vợ ông ai thuê gì làm nấy. Cuộc sống mới không còn thất học, không còn mù chữ nhưng sự học của con em làng chài không khỏi lo lắng khi đa số các em đều có lực học rất kém. Ngay như 3 đứa con của ông, chúng không theo được bạn bè, mặc cảm, tự ti, có ý định muốn nghỉ học.
Cô giáo Nguyễn Bích Thìn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai 2, Tp Thanh Hóa - nơi cũng có những học sinh vạn chài theo học, cho biết, hầu hết các em ở làng chài đều có lực học rất kém.
Có 6 trường hợp những năm trước, chính quyền có chủ trương cho lên bờ nhưng vì không quen công việc trên bờ lại quay xuống thuyền, dẫn đến việc con cái đi học không được bố mẹ quan tâm, sát sao khiến các em học hành sa sút.
Bên cạnh đó, những học sinh làng chài học không chăm chỉ và đi học không đều, không hoàn thành hết được nội dung kiến thức vì về phải phụ giúp gia đình. Các buổi tối, ngày nghỉ không dành thời gian cho việc ôn bài mà phải đi kiếm sống, làm thêm.
"Do hoàn cảnh khó khăn nên các học sinh được nhà trường miễn tất cả các khoản đóng góp trong 5 năm học. Bên cạnh đó, nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm thay phiên nhau phụ đạo miễn phí cho các em cuối giờ.
Nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm quan tâm, tìm hiểu hoàn cảnh của từng gia đình học sinh làng chài để có những động viên, hỗ trợ các em như: Sách, vở, bút và quần áo để các em đến trường" - Cô Thìn cho biết.
Tại trường Tiểu học Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân, năm học 2022 - 2023, trường có 26 học sinh làng chài Thủy Cơ theo học. Trong số 26 học sinh, đa số các em có lực học kém. Nguyên nhân vẫn bắt đầu từ sự quan tâm của gia đình khi có nhiều em, bố mẹ không biết chữ hoặc bố mẹ đi làm, gửi con cho ông bà. Những học sinh này đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Theo cô giáo Hà Thị Thảo, chủ nhiệm lớp 2C - nơi có nhiều học sinh làng chài Thủy Cơ đang học tập, có những hôm, các em nghỉ học không có lý do, gọi điện cho phụ huynh thì không liên lạc được.
Do lực học "đuối" hơn các bạn trong lớp nên cô giáo thường xuyên dạy kèm ở các buổi ra chơi hoặc lúc tan học. Mặc dù được ưu ái kèm cặp, để ý hơn những bạn bè cùng trang lứa, nhưng nhiều học sinh vẫn không thể theo kịp các bạn.
Tags