Nhìn con trai bận rộn mỗi ngày, người cha xót xa nói: "Một năm con có thể tiết kiệm được bao nhiêu tiền, có thể mua được căn hộ rộng bao nhiêu ở thành phố lớn?"
01
Gần đây, trên mạng có người nói rằng nuôi con vất vả chẳng qua là để chúng làm công việc 996 (9h đi làm, 9h tan làm, làm việc 6 ngày 1 tuần), gánh các khoản thế chấp, trở thành nô lệ cho nhà cửa và con cái.
Suy nghĩ này đã làm dấy lên vô số cuộc thảo luận.
Một số bạn trẻ tin rằng vì cuộc sống của mình đang rất vất vả rồi nên không muốn sinh con, để chúng cũng phải vất vả như mình. Vì vậy, họ chọn không sinh con, không kết hôn, không mua nhà.
Một số người trung niên tin rằng quả thực là như vậy. Họ đồng thời cũng băn khoăn, chẳng phải trình độ học vấn của con cái cao hơn cha mẹ hay sao? Tại sao vẫn sống vất vả hơn cả cha mẹ?
Trong một khu vực hay một gia đình nơi mà mọi người thất học, thì một sinh viên đại học trong gia đình là một kho báu hiếm có. Nhưng sinh viên đại học lại có ở khắp mọi nơi, mọi người đều được tiếp nhận giáo dục, vậy thì sinh viên đại học đó lại chỉ là một hạt cát giữa sa mạc.
Trên thị trường luôn có một quy luật: hiếm thì đắt, nhiều thì vô giá trị. Bất kể là gì, chỉ cần số lượng lớn, nó sẽ không còn giá trị nữa, điều này rất thực tế.
02
Một ông bố than thở con mình tốt nghiệp trường đại học danh tiếng nhưng cuộc sống không bằng bố mẹ chỉ học hết cấp 2.
Anh Lưu là người gốc Quảng Châu, Trung Quốc, chỉ học hết cấp 2 nhưng lại sở hữu 3 căn nhà và cả tài sản do cha mẹ để lại. Gia đình anh cũng có thể được xem là một hộ giàu có.
Nhưng con của anh Lưu, tốt nghiệp đại học trọng điểm tại Trung Quốc, sau khi ra trường, vào làm việc trong một công ty lớn, mặc dù mức lương hàng năm rơi vào khoảng 200.000 tệ (khoảng 700 triệu đồng) nhưng lại không có thời gian nghỉ ngơi, thậm chí không có ngày nghỉ cuối tuần, thường xuyên phải làm thêm giờ.
Nhìn con trai bận rộn mỗi ngày, anh Lưu xót xa nói: "Một năm con có thể tiết kiệm được bao nhiêu tiền, có thể mua được căn hộ rộng bao nhiêu ở Quảng Châu?"
Nghe bố nói, người con trai bất lực lắc đầu: "Các ngành hiện nay đều đang sa thải nhân viên nội bộ, làn sóng sa thải nối tiếp nhau, có thể sang năm con sẽ mất việc. Còn chuyện mua nhà, nếu con không phải là người Quảng Châu, dù có vất vả cả đời chắc cũng không mua nổi".
Anh Lưu vô cùng xót xa, trước đây khi thị trường chưa bão hòa, buôn bán nhỏ cũng có thể kiếm bộn tiền. Ngày nay, thị trường đã bão hòa, những người có trình độ học vấn cao lấp đầy đường phố. Khó khăn trong câu chuyện mưu sinh của những người bình thường thậm chí còn cao hơn thế hệ của cha mẹ họ.
May mắn là con trai anh Lưu được sinh ra trong một gia đình ở thành phố hạng nhất, nếu anh ấy đến từ một khu vực hẻo lánh, chẳng phải nó sẽ còn tệ hơn sao?
03
Những người như con của anh Lưu cũng đã được xem là rất sung sướng, sinh ra ở thành phố hạng nhất, cha mẹ có nhiều nhà, tốt nghiệp trường đại học danh tiếng, lương hàng năm hơn 200 nghìn tệ.
Đối với người bình thường mà nói, điểm xuất phát của anh ấy là đích đến mà người khác mấy kiếp cũng không tới được.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều đứa trẻ xuất thân từ những gia đình khó khăn, chúng học hành chăm chỉ, nỗ lực thi vào các ngôi trường đại học danh tiếng để nắm lấy cơ hội đổi đời.
Nhưng khi đi làm ở các thành phố lớn, họ mới nhận ra rằng mức lương mấy chục triệu một tháng so với chi phí đắt đỏ để kết hôn, mua nhà, sinh con dường như chẳng đáng là bao.
Lấy buổi xem mắt làm ví dụ, ngày nay những người không có nhà không xe thậm chí còn không vượt qua được vòng gửi xe của buổi xem mắt. Với hôn nhân, điều đó lại càng không thể.
Ở thế hệ cha mẹ, họ vẫn có thể kết hôn chỉ vì tình yêu chứ không vì vật chất. Nhưng những người trẻ sống trong một thế giới vật chất như hiện nay, họ không thể không nhìn vào vật chất.
Không có cô gái nào sẽ kết hôn với một anh chàng nghèo không có nhà hoặc xe hơi. Cũng chẳng có người đàn ông nào muốn cả đời chỉ làm trâu làm ngựa.
04
Trở lại câu hỏi trên, vì sao con cái tốt nghiệp trường danh tiếng vẫn sống khổ hơn cha mẹ chỉ học hết cấp 2?
1. Cha mẹ có thể kết hôn và tìm được một người chân thành, nhưng con cái ở xã hội hiện tại, rất khó để kết hôn và tìm được một người chân thành
Hôn nhân hiện đại dường như đã trở thành một giao dịch. Trong quá trình giao dịch, ai cũng mong tìm được chốn về ưng ý, đối với những đứa trẻ xuất thân từ những gia đình nghèo khó, đây là cơn ác mộng.
Bạn muốn kết hôn, nhưng người khác thấy bạn nghèo, không muốn ở bên bạn, bạn cũng chẳng biết làm sao. Bởi lẽ chuyện hôn nhân, không phải chuyện một người muốn là được.
2. Cha mẹ có thể mua nhà nhưng con cái vất vả cả đời có khi cũng không mua được
Giống như con của anh Lưu, tốt nghiệp trường danh tiếng, tiền lương hàng năm hàng trăm triệu, có bao nhiêu người trẻ tuổi có thể đạt tới trình độ của anh? Hiếm. Đối với đại đa số người bình thường, mức lương hàng năm 300 triệu thôi có lẽ cũng là cả một vấn đề.
Những người như vậy về cơ bản không thể mua nhà hay xe hơi ở thành phố lớn. Có lẽ, ai cũng cần phải cạnh tranh với cha mẹ, với gia cảnh và tài nguyên của mình. Những người đấu không lại, chỉ có thể bị loại bỏ.
3. Làn sóng thất nghiệp xuất hiện thường xuyên, cạnh tranh ngày một khốc liệt
Cái gọi là cạnh tranh khốc liệt là nhằm vào ai? Là vào những người bình thường với ít tài nguyên. Bạn biết đấy, những người có tiền và tài nguyên hoàn toàn không cần cạnh tranh.
Một người sinh ra ở các thành phố lớn và một người sinh ra ở vùng sâu vùng xa, vốn đã có những cuộc sống khác nhau.
Người trước không sợ thất nghiệp, họ cũng không sợ cạnh tranh. Người sau, chỉ cần không có công việc thôi, cả nhà sẽ không có gì để ăn. Khoảng cách giữa người với người có lẽ còn lớn hơn khoảng cách giữa người và mèo.
Tôi bỗng nghĩ tới một câu nói như vậy, nếu bạn không có nó khi bạn sinh ra, thì khả năng cao là bạn cũng sẽ không có nó trong tương lai. Cũng giống như một ngôi nhà ở thành phố lớn, nếu bạn không có nó khi bạn sinh ra, bạn có thể cũng sẽ chẳng mua được nó khi lớn lên.
Cuộc sống thực tế chính là tàn nhẫn như vậy. Cho dù bạn có học thức đến đâu, bạn cũng chỉ là một người lao động nhập cư ở một thành phố lớn. Bởi lẽ hiện nay, lao động nhập cư có trình độ học vấn cao, đâu đâu cũng có. Thứ ít, tự nhiên sẽ hiếm. Thứ nhiều, tự nhiên sẽ vô giá trị.
Tags