(Thethaovanhoa.vn) - Tôi đã xem phim và thực sự ấn tượng với người nghệ sĩ có nụ cười lãng mạn mang nhiều chất thơ bởi chiếc “mầm giềng” duyên, nhưng là nhìn “từ xa” trên màn ảnh. Cho đến ngày được đạo diễn Vương Đức mời một số nhà văn, nhà báo, ê kíp sáng tạo xem bộ phim Nhà tiên tri lần đầu tại Hãng Phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội), tôi mới chính thức gặp vợ chồng NSND Bùi Bài Bình - Ngọc Thu. Tôi có “hơi choáng” và bất ngờ vì không biết nghệ sĩ đã “giấu” chiếc răng khểnh ở đâu…
Bùi Bài Bình học khóa II (1973-1977) Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) cùng lớp diễn viên với các nghệ sĩ, như: Bùi Cường (1947-2018), Đào Bá Sơn, Vũ Đình Thân, Thanh Quý, Ngọc Thu, Quốc Trọng, Hữu Mười, Minh Châu...
Duyên với điện ảnh
NSND Bùi Bài Bình sinh ngày 20/9/1956 tại Hà Nội. Tên anh có trong tộc Bùi - một họ thuộc vùng Đông Nam Á do Wikipedia thống kê. Nói về tên “lạ” họ, đệm, tên đều có phụ âm đầu B và 3 dấu huyền, anh lý giải: “Các thế hệ dòng họ anh đều giữ nguyên tên họ là Bùi Bài. Âm hưởng hòa bình năm 1954 ấn tượng đến mức, anh sinh năm 1956 mà các cụ vẫn quyết định chọn chữ Bình. Không thể khác được. Làm sao làm không 3B và 3 huyền được chứ”.
Anh đến với điện ảnh như là cơ duyên đã được “lập trình” không thể khác. Tôi đã từng được nghe kể anh đã lọt “mắt xanh” của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Trước khi vào học Trường Điện ảnh Việt Nam, Bùi Bài Bình tưởng đã yên vị học nghề sửa chữa ô tô ở Công ty Cầu đường Hà Nội. Khi nghe tin tuyển diễn viên điện ảnh, anh theo bạn bè rủ rê cũng thử vai. Đến lượt mình, Bùi Bài Bình nghĩ ngay ra một tình huống tự nhiên, đầy kịch tính. Ném cái ví xuống đất, anh đánh mắt lơ láo hỏi từng người:
- Cái ví này của anh à?
- Có phải của chị không?
Không ai nhận, Bùi Bài Bình tập trung diễn tả đôi mắt đảo trước, chao sau, nhanh như cắt nhặt luôn cái ví nhét vào túi áo. Ngay lập tức tiểu phẩm đã gây sự chú ý của các thành viên Ban giám khảo. Đạo diễn Phạm Văn Khoa ấn tượng ở cách thể hiện của Bùi Bài Bình chính là đôi mắt. Dẫu sở hữu khuôn mặt hiền lành, ngơ ngác, đậm chất quê, nhưng anh đã diễn đôi mắt “gian” quá xuất sắc. Kể từ giây phút đó, Bùi Bài Bình đã thuộc về điện ảnh.
Thời gian học tại trường, ngoài làm đầy tri thức điện ảnh để cả đời gắn bó với sự nghiệp, làm nên tên tuổi NSND Bùi Bài Bình, cơ duyên cho anh tìm được “nửa yêu thương”, tìm được người bạn đời tri kỷ. Bùi Bài Bình - Ngọc Thu là “đôi bạn ngày xưa học chung một lớp” (thơ Phan Thị Thanh Nhàn). Chính tình bạn hữu ấy, đến giữa năm 1981, “đôi bạn cùng tiến” đã quyết định về chung một nhà. Kể từ thời điểm ấy, cặp đôi nghệ sĩ luôn đan tay bên nhau trong suốt chặng đường đời, đường nghề không ít gian nan để cùng “tát cạn bể Đông” với niềm tin ở đâu có tình yêu thì nơi đấy đạt được sự phi thường. Vì thế, những khó khăn, thách thức dường như đã phải lùi bước và họ vượt qua bao ghềnh thác cập đến đỗ bình yên.
Kết quả tình yêu “của để dành” của họ là hai cậu con trai tài năng, ngoan hiền, trọng tâm đức, giàu nhân nghĩa. Nền tảng gia đình làm nghệ thuật đã tạo nên sự hấp dẫn, hút cậu út Bùi Dương lựa chọn đến Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Tốt nghiệp lớp Đạo diễn tài năng do chuyên gia nước ngoài đào tạo, hiện Bùi Dương đang hiện thực hóa niềm đam mê điện ảnh của mình.
Đa dạng các vai diễn
Bùi Bài Bình là diễn viên tâm huyết, chỉn chu, trách nhiệm với nghề diễn viên. Trước mỗi vai diễn, anh luôn đau đáu tìm cách thể hiện sao cho nhân vật chân thật nhất và đời nhất. Ngoài đọc sách, xem phim, học hỏi bạn bè đồng nghiệp, anh thường tự đi “trải nghiệm” bằng cách quan sát. Vì thế, kể từ vai diễn đầu tiên (1975) đến nay đã hơn 45 năm, không ai ngạc nhiên khi anh có thể hóa thân xuất sắc vào nhiều vai diễn đến thế.
NSND Bùi Bài Bình luôn tâm niệm: “Diễn viên là một nghề có thể làm được nhiều nghề nhất. Cũng như cuộc đời có bao nhiêu kiểu người, hạng người, thì diễn viên cũng phải nhập tâm, hóa thân bằng vai diễn vào tất cả kiểu người đó. Diễn càng thật, càng đời thì nhân vật càng sinh sộng, bộ phim càng thành công”.
Ngay từ năm thứ 2, anh đã được đạo diễn Phạm Văn Khoa và Nông Ích Đạt chọn đóng vai Trác trong “Kén rể”. Từ vai diễn đầu tiên này, Bùi Bài Bình có nhiều cơ hội được các đạo diễn tham gia đóng phim truyện nhựa, phim video, phim truyền hình. Đây là niềm hạnh phúc, may mắn mà không phải diễn viên nào cũng có được cơ hội này.
Ngoài phim truyện nhựa, NSND Bùi Bài Bình còn tạo những ấn tượng đặc biệt ở thể loại phim truyền hình dài tập, như: vai Tòng trong phim "Ma làng", Trưởng thôn Khuếch trong phim "Gió làng Kình" (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần); ông Hà nhu nhược trong “Chiều ngang qua phố cũ”; người cha nông dân chân chất trong “Cô gái nhà người ta” (Trịnh Lê Phong); “Chuyện tình bên đồng hoa tam giác” (đạo diễn Đào Duy Phúc); người cha dân tộc thiểu số trong “Lặng yên dưới vực sâu” (kịch bản Đỗ Bích Thúy, đạo diễn Đào Duy Phúc)…
Có lẽ một phần “trông mặt mà bắt hình dong”, được sở hữu khuôn mặt “có bảo hành” hiền hiền, trong sáng, hồn hậu, lại kèm theo chiếc răng “chồi chen trước đội ngũ”, nên các đạo diễn thường chọn mời Bùi Bài Bình vào những vai hiền lành, chân chất, thật thà, nhất vai anh bộ đội. Sau Kén rể, Bùi Bài Bình dường như “đóng đinh” vào vai người tốt, tử tế, như Hùng trong phim Những con đường (1979, đạo diễn Nông Ích Đạt), Nông Chí Hiếu trong Đất mẹ (1980, đạo diễn Hải Ninh), anh lái xe trong Mảnh trăng cuối rừng (1980, đạo diễn Lê Thi), Bằng trong Cuộc chia tay mùa Hạ (1982), Du trong Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh (1984, đạo diễn Vũ Phạm Từ), Tiến trong Đêm miền yên tĩnh (1984, Trần Phương, Hữu Luyện), bác sĩ Hào trong Thị trấn yên tĩnh (1986, đạo diễn Lê Đức Tiến), Việt trong Một thời đã sống (1988, đạo diễn Xuân Sơn), Hòa trong phim Mùa ổi… NSND Bùi Bài Bình đã thể hiện chân thực, sinh động vai người tốt, nhân hậu.
Phim Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh là bộ phim chiến tranh triển khai theo mạch tâm lý tình cảm con người khi đối mặt với sự sống, cái chết. Phía sau âm thanh réo gào của đạn bom là một cuộc chiến dữ dội và khốc liệt. Đó là cuộc chiến của những người cùng “máu đỏ da vàng”, cùng đi theo lý tưởng tự chọn lựa, đó là anh bộ đội miền Bắc và người lính cộng hòa miền Nam đang cầm súng đối đầu trong cuộc chiến sinh tử. Nhân vật anh bộ đội bị thương tên là Du (Bùi Bài Bình đóng). Giữa lúc cận kề cái chết, Du đã hồi tưởng lại tất cả những gì đã diễn ra trong ký ức về gia đình, tình yêu, đồng đội…
Nghe người lính sống sót, bị thương cả hai chân trong khi đồng đội của anh đã hy sinh nói: “Dũng cảm thôi, chưa đủ. Phải biết mình chiến đấu vì cái gì, chiến đấu cho ai” tên lính cộng hòa rất đỗi ngạc nhiên: “Lạy chúa, chiến cuộc hôm nay đã dẫn đường cho hai sinh vật gặp nhau, một sinh vật là con! Con được hiểu cuộc đời là chuỗi khổ đau không dứt để đi đến cái chết. Còn sinh vật kia là người lính Cộng sản, anh ta quyết chống lại định mệnh”… Đạo diễn dành sự lãng mạn, trong trẻo nhất khắc họa hai nhân vật trong phim Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh. Dòng hồi tưởng tình yêu như một “khoảng lặng”. Anh bộ đội Du gặp cô thanh niên xung phong xinh đẹp người Hà Nội tên Phương (NSND Lan Hương đóng) trên một chuyến tàu. Khung cảnh chiến tranh nên thơ và lãng mạn. Trăng lướt qua cửa sổ soi cảnh Phương dựa vào vai Du ngủ ngon lành. Mối tình chợt đến. Du đã phải lòng Phương từ lúc nào. Cách tỏ tình của người lính thể hiện qua cuộc đối thoại hồn hậu và chân thật, đơn giản và mộc mạc:
- Sao anh không ngủ?
- Vì tôi sợ.
- Anh sợ gì?
- Sợ mất.
- Anh có nhiều tiền lắm sao mà sợ mất?
- Không. Tôi sợ mất trái tim…
Chất thơ đẩy cao hơn khi đạo diễn Vũ Phạm Từ chọn nhạc sĩ Phó Đức Phương làm nhạc cho phim…
Đến nhân vật Hòa trong Mùa ổi (năm 2000, đạo diễn Đặng Nhật Minh), NSND Bùi Bài Bình đã hóa thân quá xuất sắc, quá hoàn hảo vào một nhân vật thiểu năng trí não bản tính hiền lành, gần gũi, thân thiện. Chính vai diễn rất khó này đã đưa anh đến giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIII; giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam.
NSND Bùi Bài Bình cho biết cơ duyên được vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phim Nhà tiên tri cũng thật tình cờ. Nhân một lần nghe nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm nói viết kịch bản về Bác Hồ và dự định mời anh đóng vai Bác Hồ. Nghe xong, anh vẫn chỉ nghĩ thi sĩ Nhuận Cầm nói cho vui, ai dè anh được giao sứ mệnh lớn lao này là thật. Trước khi nhận vai, một số bạn bè cho rằng anh không có ngoại hình giống Bác thì rất khó đảm nhận vai này. Những băn khoăn, lo lắng của bạn bè, người thân không phải không có cơ sở. Vượt lên nỗi phân vân của bản thân và nghi ngại của bạn bè, anh tự nhủ vấn đề quan trọng vào vai Bác là thần thái, cốt cách, là nội lực tỏa ra từ bên trong nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh.
Nhận trọng trách này, trước hết Bùi Bài Bình “chỉnh trang” về ngoại hình, phom dáng cho gần thời điểm Bác ở Việt Bắc. Anh tích cực giảm cân bằng mọi giá, nuôi râu, mài răng... Nghe đến chuyện mài chiếc răng khểnh mới thấy một hy sinh lớn lao của NSND Bùi Bài Bình cho nghệ thuật. Anh đã từng tạo nên ấn tượng với khán giả bởi chính nụ cười này. Nhưng cũng chính nhận vinh dự lớn lao hóa thân vào hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh, NSND Bùi Bài Bình đi tới một quyết định dũng cảm. Răng khểnh, lúm đồng tiền là “lộc trời cho”. Điện ảnh Việt Nam mới có 2 nam diễn viên được sở hữu “đặc sản” hiếm này là anh và cố NSND Thế Anh.
Đó mới là sự chuẩn bị cho ngoại hình. Điều quan trọng hơn cả là hóa thân vào vai lãnh tụ Hồ Chí Minh thế nào cho xúc động trong thời gian từ năm 1947 - 1950 tại chiến khu Việt Bắc. NSND Bùi Bài Bình đầu tư cho vai diễn kỹ càng từ đọc tài liệu, xem phim, học dáng điệu, tư thế, tác phong của Bác… Vừa học cách nói giọng Nghệ An, anh vừa đi học tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và tiếng Nga để hợp với nhóm lồng tiếng để thoại khớp khẩu hình…
Xác định diễn viên phải hóa thân được vào nhiều vai diễn, Bùi Bài Bình bắt đầu tham gia những vai phản diện: Năm sứt trong phim video Dòng sông vàng, họa sĩ Hùng trong Chuyện tình bên dòng sông (1991, đạo diễn Đức Hoàn)... Năm 1989, lần đầu tiên anh vào vai Năm sứt “Nhị đại ca” trong phim video Dòng sông vàng (đạo diễn Kiều Tuấn). Bộ phim đã huy động hầu hết lớp diễn viên khóa II như: Bùi Cường, Minh Châu, Thanh Quý… tham gia.
Được phân công vào vai công an, nhưng anh đã chủ động xin một vai phản diện. Đó là “Nhị đại ca” chiến đấu với “Nhất đại ca” do Bùi Cường đảm nhận. Cuộc chiến giành giật người đẹp vốn là vợ của “Nhất đại ca” đã được Bùi Bài Bình “Nhị đại ca” thể hiện sinh động đến mức khán giả đã từng xem anh “định vị” với vai diễn hiền lành, tử tế phải tròn mắt “ngạc nhiên”. Với phim truyền hình, anh đã gây ấn tượng mạnh với những vai phản diện như nhân vật trưởng thôn trong Hương đất (đạo diễn Quốc Trọng); Tòng trong Ma làng, Khuếnh trong Gió làng Kình (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần).
Xem Ma làng, khán giả màn ảnh nhỏ đã thốt lên đầy “căm phẫn” như muốn “đập cái người ác” trong ti vi cho hả lòng, hả dạ: Cái lão này khiếp quá. Là người gì mà mưu mô thế, mà ác độc thế. Nghe thế, anh nhủm nhỉm cười hoan hỉ lắm, lại còn ra điều thầm “thách thức” khi được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tiếp tục mời vào vai trưởng thôn Khuếch trong Gió làng Kình: "Ai đã ghét tôi khi xem Ma làng, chắc sẽ còn thấy ghét tôi hơn nữa trong phim này, bởi cũng bản chất đểu giả ấy, trưởng thôn Khuếch còn dữ dội hơn nhiều. Tôi đã phải đầu tư rất kỹ cho nhân vật Khuếch, từ cách để tóc, trang phục cho đến lời nói, cử chỉ. Tôi tạo ra Khuếch như một trí thức nửa nông thôn nửa thành thị, với mái tóc rẽ ngôi giữa, đeo kính nhưng lại ăn vận quần ta, áo ta".
Chính những vai diễn phản diện đã làm cho anh tỏa sáng bởi tài năng không bị “định vị” trong một kiểu nhân vật. Anh đã chứng minh đầy sức thuyết phục người nghệ sĩ tài năng đa dạng với nhiều vai diễn khác nhau để thỏa sức sáng tạo. Nói như nhà thơ Thụy Kha, Bùi Bài Bình đã vào vai phản diện thành công bằng cái tâm chính diện của mình.
Yêu nghề, diễn viên Bùi Bài Bình tham gia dạy nhiều khóa diễn xuất tại Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình (VFC). Dù nhiều bạn lớp diễn viên của anh như lớp trưởng Bùi Cường (đã mất), Vũ Đình Thân, Hữu Mười… học thêm đạo diễn thì anh vẫn bền bỉ, thủy chung với nghiệp diễn và cố gắng đổi mới chính mình thích ứng với từng vai diễn.
Với những đóng góp cho điện ảnh Việt Nam, Bùi Bài Bình đã đoạt Giải Bông Sen Vàng Nam diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh Mùa ổi tại LHP Việt Nam lần thứ XIII (2001). 10 năm sau (2011), diễn viên Bùi Bài Bình đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Tags