(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuộc đời làm nghệ thuật, dù dấn thân với nhiều loại đề tài để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng nhưng NSND Đặng Nhật Minh dường như luôn dành sự ưu tiên cho đề tài chiến tranh cách mạng, mặc dù ông chính thức chỉ làm có 3 phim về đề tài này.
Tại Hội thảo khoa học toàn quốc Văn học nghệ thuật Việt Nam - 45 năm thống nhất đất nước do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam tổ chức ngày 22/6 tại TP.HCM, đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn nhất quán quan điểm đó. Ông không chấp nhận cái cách ai đó nói đề tài chiến tranh cách mạng là xưa cũ, thiếu hấp dẫn.
Với NSND Đặng Nhật Minh, làm phim về đề tài chiến tranh cách mạng là làm về lịch sử của dân tộc, của Tổ quốc được thể hiện quathân phận mỗi con người...
- NSND Đặng Nhật Minh trở thành 'Công dân Thủ đô Ưu tú ': Tôi yêu và đã được yêu
- NSND Đặng Nhật Minh: Điện ảnh là định mệnh
“Hổ phụ sinh hổ tử”
NSND Đặng Nhật Minh sinh ngày 11/5/1938 tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) trong một gia đình trí thức, không có ai làm nghệ thuật. “Tôi sinh ra trong một gia đình toàn những người làm nghề Y và dậy học, không có mối liên hệ gì với nghệ thuật, nhất là với nghệ thuật điện ảnh” - ông tâm sự.
Thân phụ của ông là Giáo sư - Bác sĩ Đặng Văn Ngữ (1910-1967),quê An Cựu, thành phố Huế, là một bác sĩ y khoa nổi tiếng của nền y học hiện đại Việt Nam; bác sĩ đầu ngành nghiên cứu về ký sinh trùng ở Việt Nam. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ là người Việt Nam đầu tiên được giữ lại làm phụ giảng cho Giáo sư Henry Galliard - Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, kiêm Hiệu trưởng Trường Y - Dược lúc đó. Ông được đánh gia là người có trình độ chuyên môn cao, xứng đáng đại diện cho nền y học của Pháp tại Đông Dương.Năm 1943, bác sĩ Đặng Văn Ngữ được Chính phủ Pháp cử sang Nhật làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Y khoa Tokyo trong khuôn khổ trao đổi sinh viên giữa hai nước Pháp - Nhật.
Sau 7 năm tu nghiệp tại Nhật, nghe lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1949, GS Đặng Văn Ngữ quyết định về nước tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. GS trở thành giảng viên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng Trường Đại học Y khoa trong kháng chiến tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Bác sĩ Đặng Văn Ngữ là người nghiên cứu và sản xuất thành công “nước lọc Penicillin” - loại thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn chế từ giống nấm mang từ Nhật về, phục vụ kịp thời điều trị cho thương binh, nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bộ phim tài liệu Việt Nam trên đường thắng lợi của nhà điện ảnh nổi tiếng Liên xô Roman Karmen có rất nhiều hình ảnh GS Đặng Văn Ngữ cùng phòng bào chế Peniciline của ông trên chiến khu Việt Bắc.
Năm 1955, Giáo sư- Bác sĩ Đặng Văn Ngữ sáng lập Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng Việt Nam và làm Viện trưởng đầu tiên. Là nhà khoa học tài năng, tâm huyết, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, GS đã vào chiến trường nghiên cứu vắc xin miễn dịch sốt rét và điều trị căn bệnh sốt rét cho bộ đội. GS Đặng Văn Ngữ đã hy sinh tại mặt trận Tây Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên) vào ngày 1/4/1967 và lặng lẽ nằm trên dải Trường Sơn suốt 20 năm. Tình cờ, một người tiều phu phát hiện được mộ ông... Trong gói vải dù bọc một ít di hài của ông chỉ có một tấm biển nhôm khắc vẻn vẹn mấy chữ: Đặng Văn Ngữ 1/4/1967. Vì tấm biển không xác định rõ tung tích nên hài cốt GS Đặng Văn Ngữ được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đến năm 1992, gia đình mới đưa về nghĩa trang Đặng tộc trên núi Ngự Bình (thành phố Huế).
NSND Đặng Nhật Minh xúc động nói về cha mình:“Cha tôi đã chia sẻ đến tận cùng số phận của đất nước, của nhân dân mình cho đến khi ông ngã xuống trên rừng Trường Sơn dưới trận bom B52 như bất cứ một người lính nào đã ngã xuống trên suốt dải đất này vì sự nghiệp cao cả và thiêng liêng của Tổ quốc”.
Mẹ của ông là bà Tôn Nữ Thị Cung là người phụ nữ xinh đẹp, thục hiền, đoan trang, giỏi tiếng Pháp. Bà là con gái quan Thượng thư Bộ Hình dưới triều Khải Định. Khi chồng đi du học, bà cùng 3 người con từ Hà Nội về sống cùng gia đình chồng ở Huế. Năm 1950, biết tin chồng về nước, bà mang 3 con nhỏ từ Huế ra Việt Bắc, lên chiến khu Chiêm Hóa để đoàn tụ với chồng. Bànhanh chóng hòa nhập với cuộc sống kháng chiến, không nề hà bất cứ công việc gì. Bà làm việc tích cực ở phòng thí nghiệm, cùng chồng điều chế penicillin phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
Năm 1954, sau 4 năm sống cùng chồng con ở chiến khu Việt Bắc, bà Tôn Nữ Thị Cung đã mất sau một trận ốm. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ vội vàng từ nơi chỉnh huấn trở về, cùng các y bác sĩ giỏi cứu chữa, nhưng không thành. Bà rời cõi tạm năm mới 37 tuổi. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ nằm bên xác vợ suốt 1 đêm và sáng hôm sau chôn xác vợ ngay trên nền nhà trước khi rời Việt Bắc để về tiếp quản Thủ đô.
Sự ra đi đột ngột của bà là một cú sốc lớn cho mọi thành viên trong gia đình. Người đàn ông 44 tuổi ở vậy, dồn tất cả sự yêu thương thay vợ chăm sóc, nuôi 3 con trưởng thành và tập trung nghiên cứu khoa học. Mặc cho gia đình nhà vợ, bạn bè giục đi bước nữa, nhưng bác sĩ Đặng Văn Ngữ có một lý do duy nhất để từ chối là “Làm sao tìm được người thứ 2 như Cung?”.
Mỗi lần nói về mẹ, NSND Đặng Nhật Minhxúc động nói: “Mẹ tôi mất quá sớmlà sự mất mát đầu tiên trong gia đình tôi. Tôi vẻn vẹn chỉ có 12 năm ở bên mẹ. Tôi là đứa trẻ mồ côi mẹ từ sớm. Tôi không được hưởng nhiều những tình cảm âu yếm của mẹ như những đứa trẻ khác. Mỗi khi nghĩ đến mẹ là tôi nghĩ đến hai chữ hy sinh. Bà là hiện thân của đức hy sinh của người phụ nữ Huế và của người phụ nữ Việt Nam nói chung. Suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, mẹ tôi không có mục đích nào khác là hy sinh vì sự nghiệp của chồng”.
Đặng Nhật Minh lớn lên chịu nhiều mất mát về tình cảm gia đình: 16 tuổi mẹ mất, 29 tuổi cha hy sinh và 2 năm sau khi cha mất thì người em gái út Đặng Nguyệt Quý đang học môn Vật lý khí quyển tại Trường Đại học Tổng hợp Leningrad cũng theo cha mẹ về với tiên tổ. Những mất mát, đau thương này đã luôn ám ảnh, nhức nhối trái tim người nghệ sĩ.
Trước vong linh những người thân yêu đã mất, ông tự thầm hứa sẽ sống sao cho xứng đáng với song thân mình đã khuất. Lời hứa ấy đã thành hiện thực khi năm 2007, Đặng Nhật Minh vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (chuyên ngành điện ảnh). Tuy không theo nghề y của cha, nhưng người con trai duy nhất đã cố gắng đền đáp được sự kỳ vọng của cha mẹ mình. Đúng là “Hổ phụ sinh hổ tử”. Thật hiếm thấy trong lịch sử giải thưởng cao quý này 2 cha con cùng vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.Năm 1996, GS Đặng Văn Ngữ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong (lĩnh vực y học).
Bắt đầu từ “kẻ ngoại đạo” với điện ảnh
Đang học phổ thông ở chiến khu Việt Bắc, năm 14 tuổi, Đặng Nhật Minh được gửi đi học tại Trường Thiếu nhi Việt Nam ở Quế Lâm (Trung Quốc). Năm 1954, sau Hòa bình lập lại, ông lại được cử đi tiếp sang Liên Xô học tiếng Nga. Sau khi học ở Liên Xô về, khởi đầu sự nghiệp của Đặng Nhật Minh là biên dịch cho các bộ phim nói tiếng Nga và phiên dịch cho các lớp đào tạo điện ảnh của Liên Xô dành cho người Việt Nam.
Trong suốt những nămlàm phiên dịch tiếng Nga, Đặng Nhật Minh cũng từng nuôi dự định học ngành y nối nghiệp cha, nhưng cuộc đời như đã được lập trình để qua bao thăng trầm định vị ở nghệ thuật điện ảnh. Khởi nghiệp điện ảnh của ông là ở lĩnh vực phim tài liệu.
Trước khi bắt tay vào làm các tác phẩm thực sự, ông đã có một quá trình tập dượt, trải nghiệm nghiêm túc. Sau bộ phim đầu tay Theo chân những người địa chất làm năm 1965, ông thực hiện một số bộ phim tài liệu: Hà Bắc quê hương (1967), Tháng 5 - Những gương mặt (1975), Nguyễn Trãi (1980).
Bắt đầu niềm say mê điện ảnh, từ phim tài liệu, ông vươn sangthử sức làm phim truyện với những phimđầu tay, như: Những ngôi sao biển (1977), Ngày mưa cuối năm (1980) không mấy thành công. Nhưng chính những thất bại đó đã hối thúc ông rút kinh nghiệm, tìm cho mình một lối đi riêng trong điện ảnh. Kể từ đó, NSND Đặng Nhật Minh với lối đi riêng của mình đã đạo diễn thành công nhiều bộ phim nổi tiếng cống hiến cho nền điện ảnh Việt Nam, như: Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê, Hà Nội mùa Đông 1946, Mùa ổi, Đừng đốt...
Như vậy, sự nghiệp điện ảnh của Đặng Nhật Minh bắt đầu từ “kẻ ngoại đạo” với “nghệ thuật thứ bảy” không qua trường lớp đào tạo điện ảnh chính quy, mà nhập làng điện ảnh bằng cách tự học cùng 2 cuộc tập huấn ngắn hạn ở Pháp và Bungaria… Con đường đến với điện ảnh của ông là con đường tự học, tự nghiền ngẫm, trải nghiệm, tìm tòi, đổi mới…Tư chất thông minh, cộng với vốn văn hóa được đào tạo bài bản trên ghế nhà trường phổ thông là tri thức nền quan trọng của ông. Thêm nữa, năng khiếu về văn học cũng là một kênh mang đến cho ông nhiều lợi thế trong điện ảnh…
Những sự tôn vinh dành cho đạo diễn Đặng Nhật Minh Đạo diễn Đặng Nhật Minh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993 (đợt 3). Năm 2005, ông được trao Giải thưởng Thành tựu trọn đời tại Liên hoan phim Quốc tế Gwangju; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (chuyên ngành điện ảnh) năm 2007, Giải Kỳ lân Vàng cho toàn bộ sự nghiệp Điện ảnh tại LHP QT Amiens (Pháp) năm 2016. Ông được Vinh danh (Academy Salut) tại Holywood của Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ năm 2010. Đặng Nhật Minh đã được báo Nihon Keizai Shimbun của Nhật Bản trao giải thưởng về văn hóa năm 1999. Đây là giải thưởng trao hàng năm cho những nhân vật châu Á nổi bật trong các lĩnh vực khoa học và văn hóa . Trong lễ bế mạc LHP VN lần thứ XI, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà phê bình phim quốc tế, ông Klaus Eder, người Đức đã đánh giá: “Đạo diễn Đặng Nhật Minh là người đã đưa điện ảnh của các bạn đến với thế giới”. |
(Còn tiếp)
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Tags