(Thethaovanhoa.vn) - NSND Diệp Lang là một “cây đa cây đề” trong làng cải lương, dù nayông đã định cư nước ngoài nhưng trái tim khán giả luôn nhớ về ông, yêu mến vô cùng. Bao nhiêu tác phẩm với những nhân vật xuất sắc mà ông để lại cho đời đã trở thành những dấu son tuyệt đẹp trong lịch sử cải lương.
Tôi biết NSND Diệp Lang khoảng 25 năm nay, từ chỗ chỉ là phóng viên viết bài về ông trở thành một người bạn của gia đình ông, cũng vì tôi và ông cùng quê Đồng Tháp. Căn hộ chung cư ở đường Lý Thường Kiệt tuy nhỏ bé nhưng rất đầm ấm, vì ông có một người vợ là bà Thu Phong rất vui vẻ, chăm sóc chồng cực kỳ chu đáo mà tôi hay đùa như “bảo mẫu”vàhai đứa con đều có hiếu. Người con gái lấy chồng ở Mỹ thì cần cù làm ăn, gởi tiền về nuôi cha mẹ, sau này bảo lãnh cha mẹ sang sống với mình để tiện bề chăm sóc. Người con trai tên Bình Tiên thì nối nghiệp ông đi theo sàn diễn, nhưng không hát cải lương mà là diễn kịch tại sân khấu Phú Nhuận.
Một gia đình bình dị như bao gia đình khác, nhưng lại toả sáng tuyệt vời bởi tài năng của ông.
- Thế hệ vàng cải lương: NSND Bạch Tuyết - Từ 'Cải lương chi bảo' đến 'người truyền lửa'
- Khi người trẻ kể chuyện trăm năm cải lương
Tuổi thơ nghèo khó và thời vàng son của nghệ thuật
Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sinh năm 1941 tại làng Bình Tiên, quận Đức Thịnh, tỉnh Sa Đéc, nay là Thành phố Sa Đéc. Địa danh Bình Tiên giờ vẫn còn nguyên, từ tỉnh lộ đi vào bằng một con đường uốn lượn dọc bờ sông, một bên là xuồng ghe nhẹ trôi, nước phù sa lãng đãng, một bên là những hàng cây xanh mướt, thấp thoáng phía sau có những ngôi nhà hiền lànhnằm nghe nắng mưa…
Xứ sở như thế nên sinh ra những tài tử cải lương ngọt ngào, trong đó có cha của Diệp Lang là thầy đờn Ba Diệp đi theo gánh cải lương Tam Phụng. Diệp Lang từ nhỏ đã nghe tiếng đàn của cha, lặng lẽ thấm vào máu những xang, xừ, xê, cống, cho nên lớn lên ông nối nghiệp cha dễ như không. Nhưng cha ông nói: “Làm nhạc công thiệt thòi lắm con ơi, chỉ ở sau cánh gà không ai biết đến, con phải ráng làm nghệ sĩ nghen con”. Quả thật, sau này khi tuổi già sức yếu, ông Ba Diệp lặng lẽ về quê Bình Tiên rồi mất ở đó, kết thúc phận tằm tơ hiu hắt như ông từng tiên đoán.
Diệp Lang nghe lời cha đi theo nghề hát, 12 tuổi đã rong ruổi khắp các gánh lớn nhỏ, rày đây mai đó. Gánh nào rã thì ông lui về mấy cái đình ở Sài Gòn sống tạm qua ngày chờ người kêu đi hát ở gánh mới. Cho đến lúc ông gia nhập đoàn Hoài Dung-Hoài Mỹ thì được đóng vai chính.
Năm 1962, ông về đại bang Kim Chưởng thì đoạt luôn giải Thanh Tâm 1963 với vai người cha trong vở Người anh khác mẹ. Sự nghiệp của ông bắt đầu rực rỡ với rất nhiều vở tuồng được thu đĩa, thu băng cassette cùng với Út Bạch Lan, Thanh Sang, Lệ Thủy, Minh Vương, Minh Phụng, Bạch Tuyết, Chí Tâm, Hùng Cường, Ngọc Giàu, Mỹ Châu… không thể nào kể hết.
Nhưng có lẽ rực rỡ nhất là giai đoạn sau 1975, Diệp Lang có những vai diễn để đời mà bây giờ vẫn in đậm trong ký ức khán giả. Vai Hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu, vai Hội đồng Dư trong Tiếng hò sông Hậu, vai ông giáo trong Ánh lửa rừng khuya, vai trung sĩ Tám trong Tìm lại cuộc đời, vai cha của cô Hương trong Nửa đời hương phấn, Lê Quý trong Tâm sự Ngọc Hân, Lê Xuân Giác trong Tiếng sóng Rạch Gầm, ông nội trong Cây lẻ bạn, ông Cả trong Tô Ánh Nguyệt, ông Tư trong Lời ru của biển, Lỗ Quý trong Lôi Vũ…
Nhưng ít ai biết, ngoài việc biểu diễn, ông còn kiêm nhiệm nhiều công tác khác nữa, như đạo diễn, quản lý, biên tập kịch bản… Đó là giai đoạn ông làm Phó đoàn Cải lương Sài Gòn 2, ông làm việc quên cả bản thân, nhiều đêm thức trắng, đến nỗi mắt mờ hẳn luôn, tưởng đã mù lòa, bà vợ hoảng hốt phải bắt ông đi trị bệnh.
Bà nói: “Lương lúc ấy ít lắm, thời bao cấp mà, ai cũng sống như vậy chứ đâu phải riêng mình. Nhưng ổng không bao giờ tính toán, cứ dốc hết sức ra làm việc, đến lúc hết thấy đường mới dám giao cho người khác. Tôi không dám ngăn cản ước mơ và nhiệt huyết của ổng, chỉ khóc nói rằng anh bị mù thì ai lo cho em và các con, ổng mới chịu thôi việc. Điều trị mấy tháng thì mắt sáng lại, tôi mừng như bắt được vàng. Sau đó ổng chỉ lo diễn thôi”.
Tánh Diệp Lang là như vậy, đã làm thì phải hết mình, không so đo tính toán, và cũng lặng lẽ, không kể lể, không cần ai ghi công.
Gian nan và hạnh phúc
Diệp Lang nổi tiếng nhưng không giàu. Thời trẻ dù được giải Thanh Tâm nhưng ông cũng gian truân, nhất là giai đoạn 1965-1975, nghệ sĩ bị bắt quân dịch dữ dội, Diệp Lang cùng nhiều bạn bè khác như Thanh Tú, Tấn Tài…bị “hốt” rồi sung vô đơn vị ngay, không báo tin được cho gia đình. Từ đó Diệp Lang phải đi hát lén vì lỡ ký hợp đồng với mấy ông bà bầu rồi.
Ông lo lót tiền cho sếp để được ra ngoài đi hát, đi thu đĩa, chính vì vậy mà lãnh cát-sê rồi trừ đi chẳng còn bao nhiêu. Nhưng cũng có lúc bị phát hiện, thế là bị biệt giam cả tuần, bị phạt chà cầu tiêu, làm tạp dịch, hoặc cấm cố... Vợ của ông lúc ấy là nghệ sĩ Phượng Liên mới sinh con đầu lòng, ở nhà chờ chồng mãi không thấy tin tức, hiểu lầm, khi gặp lại thì vợ chồng cắn đắn. Hạnh phúc dần tan vỡ từ đó. Diệp Lang là người ít nói, ít thanh minh, lại mặc cảm đời nghèo, nên đành lòng để vợ ra đi.
Sau 1975, ông được hoàn toàn trở lại với sân khấu, say mê cống hiến. Ông bước sang một giai đoạn rực rỡ, đồng thời tìm được người vợ tri kỷ là bà Thu Phong vốn là dân Văn khoa Sài Gòn, nên hai người rất tâm đầu ý hợp. Ông làm Phó đoàn Cải lương Sài Gòn 2, chỉ lo việc nghề, còn bà vừa nuôi con, vừa đọc và đánh máy kịch bản cho ông, vừa góp ý nội dung, nhân vật… Nghèo mà không có than van, cãi vã, nghèo mà rộn tiếng cười…
Ông nói: “Tôi cảm ơn vợ nhiều lắm, bả chu đáo mọi bề cho tôi tập trung sân khấu. Hồi trẻ bả mỏng manh liễu yếu lắm, không ngờ sức chịu đựng phi thường. Người ta nói đằng sau thành công của người đàn ông có bóng dáng của người phụ nữ là đúng”. Bà Thu Phong thì cười ha ha: “Hồi xưa liễu yếu chứ giờ như thùng phuy rồi!”. Sau một lần giải phẫu bà mập lên, nhưng vẫn không tự ti, vẫn cứ đảm đang và vui vẻ.
Hai ông bà sau này sống đỡ hơn, đủ ăn đủ mặc, nhưng mỗi lần ông bệnh nặng là khốn khổ vì lo tiền điều trị. Ông có bệnh tim và nhiều bệnh khác, con gái gởi tiền về cũng không đủ, thế là các bệnh viện và Mạnh Thường Quân nghe tin bèn góp nhau lại mổ miễn phí cho ông mấy lần với số tiền rất lớn. Hóa ra nghèo vẫn hạnh phúc, không ai bỏ rơi ông. Ông cảm động: “Qua những vụ này mới biết khán giả yêu thương mình tới đâu. Tôi không biết làm sao mà đền đáp”. Khán giả nói với nhau: Cuộc đời nghệ thuật của ông đã đủ đền đáp rồi.
Năm 2010, Diệp Lang và vợ sang Mỹ ở với con gái. Hai ông bà lặng lẽ ra sân bay, không ai hay biết. Chừng nghe điện thoại gọi về, tôi bàng hoàng muốn khóc. Bà Thu Phong nói: “Chúng tôi sợ khi biết tin thì khán giả sẽ kéo tới đưa tiễn, mình đi không đành”. Đúng vậy, nếu hay tin thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người đến chia tay, lưu luyến.
Qua Mỹ, những năm đầu ông vẫn đi hát cho các chương trình uy tín, vì họ mời quá, từ chối hoài không được. Đồng bào ở hải ngoại vẫn yêu quý ông vô cùng. Sau này, sức khoẻ ông yếu dần, thế là ông giã từ sân khấu luôn. Những năm đầu ông cũng có về thăm Việt Nam, nhưng 5 năm nay chỉ có mình bà Thu Phong về thôi, vì ông không đủ sức đi máy bay. ông hay gọi điện thoại về cho tôi, bảo rằng nhớ quê quá xá. “Nhớ cái mùi của quê. Bên đó không thiếu thứ gì, từ tô phở tới cọng rau, nhưng vẫn không phải cái mùi quê mình”. Còn sân khấu thì… “Đành chịu thôi. Tôi chưa bao giờ nói bỏ nghề, chỉ là không còn đủ sức đi diễn. Tôi vẫn chạnh lòng với cải lương, đêm nằm cứ nghĩ về cải lương. Mong thế hệ đàn em diễn giỏi, mong cải lương trường tồn và phát triển”.
Hỏi đáp quá khứ - hiện tại - tương lai Tận tụy, hết lòng, thì tổ nghiệp mới phù hộ * Ông có hài lòng về cuộc sống hiện nay không? - Tôi bằng lòng. Bởi ai rồi cũng qua giai đoạn sinh lão bệnh tử, bình thường thôi. Giờ thì tôi không đi hát nữa nhưng khán giả vẫn yêu mến mình, vẫn thấy những vở diễn hoặc trích đoạn có mình được phát đi phát lại, khán giả xem đi xem lại trên mạng, thì tôi vui rồi. Đòi hỏi quá không được. Vinh quang đã có, hạnh phúc gia đình vợ con đầm ấm cũng đã có, nay tuổi già cứ sống bình dị thôi. * Nếu quay trở về thời đó thì ông sẽ làm gì? - Thì đi hát thôi chứ biết làm gì. Trời sinh ra làm nghề hát thì chỉ hát, quan trọng là thời nào cũng tận tụy, hết lòng, thì tổ nghiệp mới phù hộ. * Giờ ông có mong muốn gì đối với những tác phẩm ngày xưa ông thủ vai? - Tôi thật sự mong thế hệ trẻ đóng hay hơn. Hậu sanh khả úy chứ, không lẽ cải lương dừng lại ở những “cái bóng” của thế hệ trước hay sao. |
Hoàng Kim
Tags