Diễn viên sân khấu - điện ảnh của Hà Nội từng được phong "bà hoàng" từ cuối thập niên 1980, thì nay ở tuổi 68, sau bao bão táp, vẫn giữ cho mình cuộc sống ắp đầy, trù phú tinh thần, ý nghĩa từng ngày và ở mặt chất lượng sống, cũng không kém xa "bà hoàng" là mấy.
Hoàng Cúc, nghệ sĩ bẩm chất, là diễn viên đọc nhiều nhất, am hiểu văn chương nhất mà tôi biết. Cô sinh ra, lớn lên tại thị xã Hưng Yên. Từ nhỏ, con gái út đã say mê đọc sách và xinh xắn, khí chất nổi trội, nhưng người mẹ sớm góa bụa vẫn rèn cặp con nghiêm khắc.
Từ tình cờ biết tuyển sinh diễn viên
Xong cấp 3, Hoàng Cúc lên Tuyên Quang nghỉ Hè, thăm chị gái lấy chồng lập nghiệp ở đó, thì tình cờ biết thông báo tuyển sinh của Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc tại phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên. Đây là nôi đào tạo nghệ thuật lớn nhất của vùng Việt Bắc, mà ông nội tôi - hoạ sĩ Vi Kiến Minh (1926 - 1981) đã sáng lập và là chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Mỹ thuật trường này.
Học tại đây, Hoàng Cúc là học sinh nổi bật để rồi sau hơn 40 năm trong lịch sử 59 năm của trường (thành lập từ 1965), các thế hệ giáo viên, học sinh không quên điểm danh Hoàng Cúc khi nhắc đến những người làm sáng danh trường.
NSND Hoàng Cúc là diễn viên, Phó Giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Kịch Hà Nội trong 30 năm công tác. Lịch sử 65 năm của nhà hát này có dấu ấn Hoàng Cúc trong mốc son thời hoàng kim nhất. Thời mê mải đi diễn khắp nơi, sát Tết vẫn còn đang ở Hải Phòng hay TP.HCM đầy nắng. Có khi bế con trai đầu lòng (và duy nhất) mới 1 tháng rưỡi đi làm phim, cho con nằm sau cánh gà đợi mẹ.
Là con út, nhưng Hoàng Cúc cáng đáng gia đình. Căn phòng 8m2 có gác xép ở Nguyễn Quyền gần hồ Thiền Quang, cô Thanh của Tôi và chúng ta còn nuôi thêm các cháu con của chị gái.
Về hưu, NSND Hoàng Cúc còn bận hơn khi còn công tác. Cô đi liên tục, làm việc hơn lúc trẻ, trong khi phát hiện ung thư vú năm 2010. 14 năm chiến đấu với K, từ Bệnh viện Ung bướu Quảng Châu sang Tokyo Nhật Bản, là hành trình chữa bệnh và nỗ lực kiên cường. Hoàng Cúc là một biểu tượng của tinh thần sống tích cực, đề cao lao động và sẻ chia. Cô động viên, cổ vũ tinh thần bệnh nhân bằng chính cuộc sống bận rộn, vị tha của mình. Cô tham gia ngày hội nơ hồng, trình diễn áo dài, giao lưu ở các bệnh viện…
Dù ra vào bệnh viện thường xuyên, chưa bao giờ Hoàng Cúc sống như bệnh nhân. Cô chỉ nghĩ mình có bệnh, phải chữa tích cực, không chỉ với liệu trình, mà còn phải giữ được ý chí lạc quan và bản lĩnh trước mọi biến cố.
Muốn có kinh tế để gánh vác gia đình (nuôi cháu nội học trường tốt), chữa bệnh lâu dài, giúp người thân thì phải kinh doanh. Hoàng Cúc và Minh Châu là 2 NSND 5X năng động gần 30 năm là doanh nhân bất động sản, khởi từ tay trắng. Họ đều là con út, từ tỉnh lẻ, Minh Châu từ thành phố Thái Nguyên về thủ đô học diễn viên điện ảnh khóa 2. Vừa trau dồi chuyên môn, vừa năng động bươn chải, thêm chút may mắn, họ thành công và nay khi tuổi 68, họ vẫn làm việc, cả nghệ thuật lẫn thương trường...
Đến một nghệ sĩ chọn lọc vai diễn
Mang tiếng ở cách nhà cô hơn 2km mà hẹn từ đầu tháng 3/2023 đến Chủ nhật 21/1/2024 mới gặp lại được NSND Hoàng Cúc, do cô dịch chuyển liên tục và luôn kín lịch. Một đời sống phong phú, đủ đầy, du lịch nước ngoài vài chuyến/năm, vẫn duy trì yoga, nghe nhạc, đọc sách và sáng tác.
Cô cập nhật công nghệ, nạp kiến thức, năng lượng tươi mới và giữ cho bản thân nguyên tắc sống chọn lọc "hay", chỉ tiếp cận, giao diện và liên kết với những gì hay, đẹp, bởi quý thời gian và nuôi cảm hứng nhân sinh.
Mỗi khi khó khăn trong tư duy, quyết định, cần lời khuyên hay chia sẻ, tôi luôn gọi cô Hoàng Cúc. Cô luôn có tư vấn xác đáng mà nghe theo thì nhiều năm sau vẫn chuẩn. Ngưỡng mộ tài năng, phong thái cô từ khi tôi niên thiếu, trung niên mới được gần gũi cô, tôi thấy mình may mắn vì người thầy lớn, người mẹ tinh thần. Dù biết cả đời không thể đạt được nửa phần cô, tôi vẫn nhắc mình: "Sống như Hoàng Cúc".
"Sống như Hoàng Cúc", không phải chỉ là phấn đấu tài sản kinh tế. Cô đang ở căn hộ cao cấp tầng 12 tòa nhà Metropolis 2, mặt tiền phố Kim Mã, quận Ba Đình, gần ngã tư xa hoa bậc nhất vùng phía Tây, mở salon tóc ngay tầng trệt tòa M3 khu này. Chuỗi salon Cúc Hoàng sang xịn tại Hà Nội còn ở 69B Thụy Khuê, quận Tây Hồ và Tulip 09-08 Vinhomes Việt Hưng, quận Long Biên. "Sống như Hoàng Cúc" là không để ai thấy mình khóc, suy sụp, không than vãn, bế tắc và chưa một lần tỏ ra gục ngã trước khổ đau.
"Cô bé đèn dầu" hơn 40 năm trước ngốn hết thư viện trường nghệ thuật Việt Bắc, mượn sách bên đại học sư phạm, tự trang bị cho mình kiến thức nền tảng và sáng tác âm thầm. Hoàng Cúc là diễn viên lớn, bởi trình độ diễn xuất, độ dày tri thức và năng lực viết mà không dễ tìm thấy trong nền kịch nghệ, biểu diễn hiện nay. Cô luôn khác biệt, không do cố ý, mà chất Hoàng Cúc là vượt lên.
17h chiều thứ Bảy, 22/12/2023, chuyên mục Nhật ký người Việt phát VTV1, nói về phim Tướng về hưu, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi chuyển thể từ truyện cùng tên (1986) của Nguyễn Huy Thiệp, phỏng vấn Hoàng Cúc, vai bác sĩ phụ sản Thủy trong phim nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP VN lần IX (1990, Nha Trang). Lần đầu tiên trong lịch sử liên hoan phim quốc gia, nhân vật phản diện được giải cao nhất này.
Phóng sự trích hình ảnh phim có Hoàng Cúc, Hoàng Dũng, Thu An, Mạnh Linh và phỏng vấn nghệ sĩ, người mà sau phim này đã lưu vẻ đẹp trong phim điện ảnh Kiếp phù du (ĐD: NSND Hải Ninh), rồi cùng phim đi LHP quốc tế ở Pháp. Vẻ đẹp Hoàng Cúc còn lưu dấu vai cô giáo trong phim truyện nhựa Truyện cổ tích cho tuổi 17 (Bông sen Vàng, LHP VN lần VIII, 1988), đặc biệt là Tám Bính phim Bỉ vỏ (từ tiểu thuyết của Nguyên Hồng) đóng cặp với Lê Dũng Nhi vai Năm Sài Gòn, trình chiếu năm 1990 với bối cảnh chính Hải Phòng, do NSND Lương Đức đạo diễn.
Không coi việc đi đóng phim là nguồn thu nhập, kỹ càng mỗi khi xuất hiện vì thích sự chọn lọc, ẩn mình, bởi những gì hay, xuân sắc đã bung trổ, là ngọc thì cũng biết ẩn trong đá, chứ không cần lên ti vi quanh năm cho khán giả đỡ quên, nên Hoàng Cúc từ chối không ít lời mời. Năm 2019, Hoàng Cúc tham gia vai mẹ của Thái, phim 46 tập Hoa hồng trên ngực trái (ĐD: Vũ Trường Khoa, giải Phim truyền hình ấn tượng VTV Awards 2020).
Trọng tình nghĩa
NSND Hoàng Cúc có visa 3 năm để sang Nhật chữa bệnh và du lịch. Cô sang 6 lần/1 năm để miễn dịch và lọc máu, mỗi lần 1 tháng, từ năm 2022. Trong 2 năm qua, Hoàng Cúc đã đến Kyoto, Osaka, Fukuoka, Hokkaido... và nhiều địa danh khác, đưa gia đình con trai, 2 cháu nội sang thăm thú. Một nghệ sĩ được sống nhiều, đầy trải nghiệm với thế giới quan duy mỹ như Hoàng Cúc cật lực kiếm tiền và dám tiêu tiền để mở mang tri thức, vốn sống. Bà đã ngắm đủ các mùa hoa nơi xứ sở Phù Tang, song thích nhất là anh đào hồng trắng tháng Tư nối mùa hoa tử đằng rực tím.
NSND Hoàng Cúc là trụ cột đại gia đình và cũng đầy tình nhân ái khi làm thiện nguyện nhiều năm. "Mỗi người một phận khổ cháu ơi. Cô được sức khỏe ổn, thì giúp đời, giúp con cháu, nhất là trẻ miền núi. Trên vùng cao, 160 nghìn mua gạo/1 tháng, giúp các bé no bụng thì chúng không bỏ chữ. Mỗi tháng tôi góp 3 triệu nuôi được 10 đứa trẻ".
Ngồi với cô Hoàng Cúc luôn được nạp năng lượng thẩm mỹ. NSND đúc kết những bài học quý về kỹ năng sống. 1 - Quen sợ "dạ", lạ sợ áo quần. Ta mặc đẹp thì thái độ người ta sẽ khác. Đã thân mà miệng cứ "dạ vâng ạ" - đấy là sáo ngôn, không chân thật. Chỉ người thân, ta mới nói tục nếu cáu quá, nhằm xả stress, giải tỏa ức chế; không văng với người lạ, ra ngoài mất hình ảnh. 2 - Cãi nhau hoặc khóc cũng phải đẹp, mặt biến dạng thì sẽ bị ấn tượng xấu không xóa được. 3 - Chọn quan hệ mà giao tiếp. Gặp ai hay, dồi dào thông tin, cuộc sống phong phú, yêu nghệ thuật thì có năng lượng tích cực. Tránh gặp kẻ nghèo nàn mòn sáo, nôm na về trí tuệ (nói toàn điều vớ vẩn, cũ nhàm, tủn mủn), thiểu năng nghệ thuật... mà ta sống cạnh, giao tiếp nhiều, sẽ làm ta mất năng lượng. Đừng biến mình thành tầm phào, cùn gỉ. 4 - Hãy bồi đắp trí tuệ, nhân sinh, tri thức để sống thi vị trong cõi đời khổ ải. 5 - Hãy giảm ngạc nhiên trước những tai nạn, kỳ quặc, quái gở; hãy dành ngạc nhiên cho những tầm cao nhân loại, cho sáng tạo, cho những kỳ tích. 6 - Hãy học sự cao quý: Ăn, nói, viết, nghĩ... hãy sống tinh hoa!".
Là người có năng lực văn chương, trọng nghĩa tình, Hoàng Cúc đã viết điếu văn cho các đồng nghiệp cùng Nhà hát Kịch Hà Nội: Trần Vân, Hồng Sơn, Nguyễn Quốc Toàn... Gần nhất là trong tang lễ NSND Hoàng Dũng sáng 20/2/2021, cảnh các trai tài gái sắc của Nhà hát mặc áo dài trắng, cầm nến trắng, tái hiện vẻ bi tráng của vở Tiếng đàn vùng Mê Thảo do NSND Trung Hiếu chủ trì, đọc điếu văn do NSND Hoàng Cúc, người bạn thân thiết, viết, gây xúc động mạnh.
Hoàng Cúc đã sáng tác khoảng 50 truyện ngắn, hơn 300 bài thơ. Truyện ngắn Về nhà của bà nhận giải tháng 10/2021, cuộc thi Làng Việt thời hội nhập do báo Nông thôn ngày nay và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Cao 1m65, nặng 59kg, sắc vóc lý tưởng từ thế hệ mình đến hôm nay vẫn đẹp, bà nội 2 cháu Phi Yến (lớp 6) và Thiên Bảo (lớp 4) được giáo sư Vũ Khiêu đặt tên, NSND Hoàng Cúc tóc bạch kim rất thời trang, sành điệu, mỹ phẩm đồ hiệu... Một người đẹp, sang quý từ cốt cách, tâm hồn.
Dù biết cả đời không thể đạt được nửa phần cô, tôi vẫn nhắc mình: "Sống như Hoàng Cúc".
Tags