Sau 5 năm, NSND Lê Khanh lần đầu tiên trở lại với mảng phim truyền hình với Nơi giấc mơ tìm về. Trái với mong đợi, bộ phim không chỉ bị khán giả chê "nhạt" mà còn liên tục gặp vấn đề về việc phát sóng.
Kịch bản nhàm chán, câu thoại gây tranh cãi
Nơi giấc mơ tìm về xoay quanh Gia An (Lãnh Thanh) - công tử nhà giàu bị bà Lan (NSND Lê Khanh) ép vào khuôn khổ dù anh liên tục né tránh việc nối nghiệp. Để giám sát, bà nội đã cử Phương (Việt Hoa) trợ giúp trong quá trình bàn giao công việc. An cho rằng bà độc đoán, không tôn trọng lựa chọn của mình nên thường tỏ ra vô trách nhiệm, khiến công ty bị ảnh hưởng. Khoảng cách thế hệ, sự khác biệt trong suy nghĩ và nhiều hiểu lầm khiến tình cảm của 2 bà cháu rạn nứt, tưởng chừng không thể hàn gắn.
Nhưng trong quá trình làm việc ở công ty, An phần nào hiểu những vất vả, khó khăn bà một mình gánh vác sau khi ông nội qua đời. Từ thái độ đối phó tiêu cực, anh dần cảm thấy thích thú công việc, đồng thời chứng tỏ năng lực, đưa công ty trở lại quỹ đạo phát triển.
Là bộ phim được chiếu vào khung "giờ vàng", Nơi giấc mơ tìm về ngay từ khi được "nhá hàng" đã nhận được sự kỳ vọng của khán giả nước nhà. Ngoài việc quy tụ dàn diễn viên trẻ quen mặt, đây cũng là lần trở lại màn ảnh nhỏ sau 5 năm vắng bóng của NSND Lê Khanh kể từ bộ phim Mẹ ơi! Bố đâu rồi? (2018).
Vậy nhưng chỉ sau 15 tập được lên sóng, phim đã cho thấy dấu hiệu "sụt giảm phong độ" khi liên tục bị khán giả chê bai, từ kịch bản rời rạc, thiếu thu hút, đến lời thoại khiến cư dân mạng tranh cãi kịch liệt.
Được nhận xét có phần giống các bộ phim Hàn Quốc nhưng lại thiếu điểm nhấn, Nơi giấc mơ tìm về nhanh chóng bị chê vì nội dung quá cũ, thiếu thuyết phục, từ đầu phim đến nay hầu như không đọng lại điều gì trong lòng khán giả. Mọi chi tiết trong phim đều không có gì nổi bật, ngay cả việc bà Lan đến giờ vẫn chỉ quanh quẩn áp đặt cháu trai trong khi Gia An cũng không cho thấy sự quyết liệt hay thể hiện rõ thái độ mà chỉ ngầm thể hiện sự không thích trong lòng khiến người xem mất dần kiên nhẫn.
NSND Lê Khanh hóa thân thành một doanh nhân điềm tĩnh, lý trí nhưng lại có câu thoại nhận về phản ứng gay gắt.
Cụ thể, khi biết cháu trai kinh doanh online, bà Lan đã thẳng thừng tuyên bố: "Bà rất ghét cái trò cứ thò chân xuống gầm bàn không lao động gì, mất một chút nước bọt kiếm bộn tiền. Bà nói thật đấy. Cháu bỏ kinh doanh online đi, nó không bền đâu".
Lối suy nghĩ có phần cổ hủ của bà Lan khi chê nghề bán hàng online khiến nhiều khán giả bức xúc. Câu thoại của nhân vật thiếu tinh tế, có phần "động chạm" đến nghề nghiệp của nhiều người. Thậm chí, không ít khán giả cho rằng giữa thời đại công nghệ 4.0, khi mà kinh doanh online là xu hướng, việc một người phụ nữ làm chủ doanh nghiệp lớn như bà Lan lại giữ suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu và áp đặt lên cháu trai không tránh khỏi mang đến nhiều sự bức xúc.
Diễn xuất không hợp vai của dàn diễn viên chính
Đảm nhiệm vai diễn chàng công tử nhà giàu, Lãnh Thanh ngay từ những tập đầu phim đã làm khán giả khó hiểu khi xuất hiện với phong cách chẳng hề có phong thái của một người có tiền đi du học nước ngoài. Ngay cả yếu tố bắt buộc nhất đó là việc ăn mặc lịch sự khi đến công ty làm việc, nhân vật này cũng không làm được.
Gia An ăn mặc như "đi chợ" tới chỗ làm, vẻ ngoài xuề xoà, uể oải, lại đi kèm với giọng nói chậm rãi, thiếu điểm nhấn khiến nhân vật của nam diễn viên mất điểm trong mắt khán giả, hoàn toàn phá vỡ hình tượng các nam chính được khen ngợi trước đó của phim Việt khung "giờ vàng".
Sự "mệt mỏi" của Gia An được khán giả đùa rằng vô cùng hợp với vai Phương (Việt Hoa). Trong khi các bộ phim trước đó nhận về nhiều lời khen từ diễn xuất đến ngoại hình, thì vai diễn trong Nơi giấc mơ tìm về của Việt Hoa lại bị chê vì "quá dừ", từ cử chỉ, lời nói đến tạo hình đều cứng nhắc.
Trong khi đó, NSND Lê Khanh sau nhiều năm nghỉ đóng phim truyền hình nhưng dường như nhân vật chưa có chiều sâu.
Sự trở lại của nữ diễn viên gạo cội cũng không đem lại ấn tượng nhiều người kỳ vọng. Hình ảnh người phụ nữ quyền lực, sắc sảo, đứng đầu cả một công ty nhưng lại được thể hiện với gương mặt cứng, đôi mắt lúc thì dữ dằn lúc lại mệt mỏi, thiếu sức sống, không hề tạo được cảm tình hay ấn tượng cho khán giả.
Bên cạnh đó, nhân vật Mai Anh (Minh Thu) lại bị đạo diễn xây dựng "lố" và vô lý đến khó tin. Dù chỉ là người yêu cũ của nhân vật Gia An nhưng cô nàng này làm đủ trò ghen tuông, kênh kiệu hoặc soi mói Phương vì nghĩ rằng Phương và Gia An có tình cảm.
Vai trò của nhân vật này trong phim cũng chưa rõ ràng, nhưng khán giả lại chỉ thấy cô suốt ngày cau có, trợn mắt, cư xử không chừng mực giữa chốn đông người. Thậm chí, trong tập 10, Mai Anh xông thẳng vào nhà Trí - bạn thân Gia An - để tìm người yêu cũ, sau đó đòi lấy điện thoại Trí để gọi Gia An. Nếu Trí không gọi, Mai Anh sẽ ở đó chờ qua đêm.
Là một bộ phim giải trí, phân đoạn này lại mang đến cảm giác bực bội, ức chế và cực kỳ không thoải mái cho người xem.
Liên tiếp bị hoãn chiếu
Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam thông báo hoãn chiếu tập 16 của bộ phim Nơi giấc mơ tìm về. Theo lịch, tập 16 của phim sẽ lên sóng vào tối 14/6/2023 nhưng vì trùng lịch với chương trình truyền hình trực tiếp nên bộ phim phải hoãn chiếu.
Tối ngày 15/6/2023, khung "giờ vàng" của VTV1 sẽ phát sóng chương trình truyền hình trực tiếp Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm và Khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận 2023 nên bộ phim tiếp tục được lùi phát sóng sang tối 16/6/2023.
Trước đó, Nơi giấc mơ tìm về đã có 2 lần hoãn chiếu vì lý do khách quan.
Cụ thể, tập 10 của phim dự kiến lên sóng ngày 2/6/2023 nhưng trùng với thời lượng chương trình truyền hình trực tiếp khai mạc Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng 2023 nên phim lùi phát sóng sang tối 5/6/2023.
Đến ngày 9/6/2023, phim tiếp tục bị hoãn phát sóng để nhường thời lượng cho chương trình truyền hình trực tiếp.
Nơi giấc mơ tìm về cho thấy dấu hiệu tụt giảm về "nhiệt độ" dù chỉ đi được chưa tới nửa chặng đường. Nhiều khán giả tỏ ra lo lắng về thành tích phát sóng trong tương lai khi phim dự kiến sẽ khép lại sau 35 tập.
Tags