(Thethaovanhoa.vn) - "Song hành và ghi lại lịch sử bằng những giai điệu cùng ca từ thấm đẫm dấu ấn từng giai đoạn phát triển của dân tộc, của đất nước, để rồi tính dân tộc của âm nhạc Việt Nam cũng không hề bị hòa tan trong quá trình hội nhập mà luôn được đề cao” - NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đưa ra lời khẳng định ấy khi nhìn lại dòng chảy của âm nhạc Việt.
Ông có cuộc trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) nhân dịp chào mừng 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cũng như ngày Âm nhạc Việt Nam (3/9) lần thứ 10.
* Chúng ta vẫn nói rằng âm nhạc cách mạng đã thực sự khắc họa trọn vẹn quá trình đấu tranh, dựng xây đất nước của dân tộc. Là một nghệ sĩ và với tư cách Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông đánh giá thế nào về quá trình đó cũng như bước phát triển của âm nhạc Việt Nam ở giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay?
- Trong suốt chặng đường lịch sử 75 năm qua của dân tộc, âm nhạc cách mạng Việt Nam luôn song hành với những bài ca đi cùng năm tháng, ghi lại lịch sử bằng giai điệu và ca từ thấm đẫm dấu ấn của từng giai đoạn phát triển đất nước.
Theo cá nhân tôi, điểm cần nhấn mạnh nữa là chúng ta có hơn 30 năm hội nhập quốc tế nhưng không vì thế mà âm nhạc Việt bị hòa tan theo âm nhạc nước ngoài. Thị hiếu âm nhạc của người Việt ngày nay không đánh mất mà luôn đề cao tính dân tộc, bao gồm cả người sáng tác, người biểu diễn và người thưởng thức.
Chúng ta đã hội nhập với thế giới một cách tự tin và được đánh giá cao. Cụ thể, Việt Nam đã 3 lần đăng cai, tổ chức thành công Liên hoan Âm nhạc Á - Âu. Sự kiện này hội tụ đầy đủ mọi nghệ sĩ đương đại của thế kỷ 21. Đặc biệt, các bạn trẻ hiện nay đã bộc lộ rõ xu hướng trở lại tìm cảm hứng sáng tác, dàn dựng, biểu diễn bằng các đề tài mang đậm chất truyền thống Việt Nam.
* Trong dòng chảy của âm nhạc cách mạng Việt Nam, các ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có vị trí đặc biệt và trở thành những ca khúc đi cùng năm tháng. Ông có thể nói thêm về điều này?
- Tài năng và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm cảm hứng bất tận cho rất nhiều văn nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế sáng tác. Chúng ta đã có rất nhiều ca khúc về Bác với giai điệu thiết tha, sâu lắng. Theo ước tính của tôi, có hàng trăm ca khúc như vậy của các nhạc sĩỹ Việt Nam và nước ngoài.
Trong nước, đơn cử nhạc sĩ Thuận Yến có tới 26 ca khúc về Bác. Nhạc sĩ Văn Cao, Lưu Hữu Phước và Đỗ Nhuận thì mỗi người đều có một tác phẩm về Bác với cùng tên Ca ngợi Hồ Chủ tịch... Còn các nhạc sĩ nước ngoài gần như đủ đại diện của mọi phương trời như: Buangeun Saphouvong (Lào), Suphat Mukhophaithiai (Ấn Độ), Felis Pita Rogerigate (Cuba), Adisorn Piengket (Thái Lan), Ali Primera (Venezuela), Ewan MacColt (Anh), Vladimir Fere (Nga), Kurt Demmier (Đức), Victor Jara (Chile), Peter Seeger (Mỹ)…
Những sáng tác về Bác đã nằm lòng trong công chúng và được biểu diễn bởi nhiều nghệ sĩ Việt Nam và thế giới. Tôi từng được đọc câu chuyện về Thông tấn xã Việt Nam mở văn phòng đại diện nước ngoài đầu tiên ở Bangkok (Thái Lan), với sự tạo thuận lợi của Thủ tướng nước chủ nhà thời kỳ ấy Pridi Banomyong (1946-1954). Cá nhân tôi có kỷ niệm không thể nào quên gắn với gia đình cựu Thủ tướng Pridi. Năm 2001, 2 cô con gái của cựu thủ tướng Pridi sang Việt Nam, tham gia chương trình duy nhất cùng Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội với điểm nhấn là ca khúc Người là niềm tin tất thắng. Tôi được giao nhiệm vụ soạn phần đệm piano, trong tác phẩm này của nhạc sĩ Chu Minh, cho họ trình diễn. Xin nói thêm là khi ấy bà khoảng 60 tuổi và được phong “Nghệ sĩ Quốc gia”, danh hiệu cao quý của Thái Lan.
* Trở lại với những bước phát triển hiện tại của âm nhạc nước nhà, ông có thể nói rõ hơn về sự trưởng thành và theo kịp thời đại của các nhạc sĩ Việt Nam?
- Tôi xin chỉ để nói về công việc của những nhạc sĩ hòa âm, phối khí và dàn dựng biểu diễn. Đây là những con người âm thầm sáng tạo và hay bị lãng quên bởi công chúng chủ yếu nhớ tên nhạc sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn thành công tác phẩm.
Xin nói thêm, cách mạng công nghiệp 4.0 len lỏi vào mọi lĩnh vực một cách nhau chóng và thể hiện hiệu quả rất mạnh mẽ. Lĩnh vực âm nhạc cũng không đứng ngoài. Chính vì vậy, gần đây công chúng Việt Nam được thưởng thức những màn trình diễn chưa từng có nhờ công nghệ kỹ thuật số. Đó là vừa được tận dụng để khôi phục lại hình ảnh, âm thanh chất lượng cao và vừa dàn dựng phối cảnh, tái hiện cho các nghệ sĩ song ca với người đã khuất như tiết mục nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ song ca với cố nghệ sĩ Lê Dung hoặc Nghệ sĩ Tùng Dương song ca với cố nghệ sĩ Trần Lập....
* Vào đầu tháng 8 vừa qua, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025 đã diễn ra tại Hà Nội. Theo đánh giá của giới làm nghề, đây là Đại hội có bước chuyển giao thế hệ quan trọng. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Ra đời năm 1957, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã qua 10 kỳ Đại hội. Cá nhân tôi vinh dự lần thứ 3 liên tục trúng cử Ban chấp hành và không khỏi bùi ngùi chứng kiến sự chuyển giao thế hệ của nền âm nhạc Việt Nam những năm gần đây.
Dẫu biết là quy luật của tạo hóa song tại Đại hội của Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa qua chúng tôi có cảm giác thật sự trống vắng khi giới âm nhạc nước ta vĩnh viễn chia tay nhiều cây đại thụ như Nhạc sĩ, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam - người được xếp trong hàng đầu về sáng tác giao hưởng của Việt Nam; Nhạc sĩ Phong Nhã - người giữ vị trí số một về sáng tác cho thiếu nhi; Nhạc sĩ Trần Quang Lộc - người con Quảng Trị sáng tác chừng 600 ca khúc với những giai điệu sâu lắng hay Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển...
Tuy nhiên, Hội Nhạc sĩ hiện có lực lượng hùng hậu 1.500 hội viên, bao gồm 4 chuyên ngành: Sáng tác, Lý luận, Biểu diện và Đào tạo - làm việc trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Điều đó cũng có nghĩa hơi thở của cuộc sống luôn được các nhạc sỹ chúng tôi phản ánh kịp thời bằng âm nhạc. Một trong những trọng trách của Hội Nhạc sĩ là hỗ trợ các nhạc sĩ đưa tác phẩm của mình tới công chúng cũng như góp phần để những tài năng mới có điều kiện sáng tác, học hỏi, phát triển. Bên cạnh đó, Hội chủ động, tích cực phát huy vai trò trên tất cả các phương diện như sáng tác, lý luận phê bình, đào tạo, biểu diễn, giao lưu trong và ngoài nước về âm nhạc.
* Đề cập đến Hội Nhạc sĩ không thể không nhắc đến vấn đề danh hiệu và giải thưởng đối với các nhạc sĩ, điều hiện vẫn còn là điểm nóng?
- Nhờ sự quan tâm sâu sắc, toàn diện của Đảng và Nhà nước, những nỗ lực, sáng tác thực sự của nhạc sĩ chúng tôi luôn được ghi nhận, đánh giá xác đáng. Trên cơ sở đó, từng cá nhân nhạc sỹ được bình xét công tâm để nhận các danh hiệu hoặc giải thưởng.
Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi mong muốn thống kê, rà soát tất cả các thế hệ nhạc sĩ trước đây, những người có đóng góp với âm nhạc Việt Nam. Nhiều người không còn nữa và cần có sự phối hợp gia đình, người thân, công chúng yêu nhạc để thu thập đầy đủ nhất tư liệu về thành tựu âm nhạc của mỗi cá nhân nhạc sĩ, nhằm ghi nhận, đánh giá đúng về cống hiến của họ với nền âm nhạc nước nhà.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Nguyễn Tiến (thực hiện)
Tags