Không ít người yêu nhạc bất ngờ khi mới đây, một trong những giọng hát thính phòng nhạc kịch hàng đầu Việt Nam, NSND Quốc Hưng, bất ngờ "tung" bộ sản phẩm với 1 album CD Gửi dĩ vãng và video album toàn bộ 10 ca khúc.
Gửi dĩ vãng đã đến với công chúng yêu nhạc từ cách nay 1 năm, còn album video thì mới được giới thiệu trải dài trong suốt tháng 12này trên kênh YouTube cá nhân của NSND Quốc Hưng. Album đang được khán giả đón nhận.
Mang tới điều gì?
Sẽ không có cảm giác giọng hát mềm như sợi bún, cũng chẳng có cảm giác sến sẩm não nuột như không ít giọng ca khi hát nhạc tình về sự chia ly. Cho nên, nếu ai muốn tìm những cảm giác quen thuộc của mình trong nếp nghe nhạc tình kiểu ấy thì không nên tìm tới Gửi dĩ vãng của NSND Quốc Hưng.
Nhưng nhạc tình đầy chất tự sự, đượm màu sắc nội tâm buồn buồn thì ai mà hát vui được?Nói rõ hơn, cách cảm vẫn chỉ như vậy, nhưng cách kể thì bằng giọng hát đặc trưng của mình, của dòng nhạc mình, mỗi nghệ sĩ sẽ có một phong cách khác nhau. Vì thế, cùng một bản nhạc, cùng một không gian câu chuyệncũng như giai điệu chung ấy, mỗi nghệ sĩ lại tạo nên một cái riêng. Đứng từ góc độ này,nghe Quốc Hưng hát sẽ chắc chắn có cảm giác rất thú vị.
10 ca khúc Quốc Hưng chọn để gửi gắm hồn mình là những sáng tác của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng. Trong đó, vớinhạc của Ngô Thụy Miên, Quốc Hưng chọn 3 bài Bài tình ca cho em, Tình khúc buồn (Thơ: Phạm Quang Duy), Áo lụa Hà Đông (Thơ: Nguyên Sa). Với nhạc của Vũ Thành An, Quốc Hưng cũng chọn 3 bài Bài không tên số 4, Bài không tên cuối cùng, Một lần nào cho tôi gặp lại em. Ngoài ra, album còn có những tuyệt phẩm Anh còn nợ em (nhạc Anh Bằng, thơ Phạm Thành Tài), Mắt lệ cho người (Từ Công Phụng), Nửa hồn thương đau (nhạc Phạm Đình Chương, thơ Thanh Tâm Tuyền).
Thực ra, nếu chỉ nhắc tới việc NSND Quốc Hưng hát những bài nhạc tình rất nổi tiếng một thời, có thể người yêu nhạc và quý trọng giọng bass đặc biệt của nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam sẽ có một cảm giác bất ngờ. Nhưng nếu nhắc tới tên những ca khúc nằm trong album, ta có thể hiểu vì sao Quốc Hưng thể hiện những ca khúc của dòng nhạc tưởng chừng không mấy liên quan ấy. Thực tế, những Nửa hồn thương đau, Mắt lệ cho người, Anh còn nợ em, Bài không tên cuối cùng... đều thuộc hàng ca khúc trữ tình chất chứa cảm xúc trong thế giới nội tâm và cần người ca sĩ có một nội lực đủ mạnh để thể hiện.
“Anh còn nợ em” trong Video album “Gửi dĩ vãng” của NSND Quốc Hưng
Đứng từ góc độ thanh nhạc chuyên nghiệp, việc thể hiện những ca khúc này cần có giọng hát với hơi thở dồi dào, có giọng hát nội lực và đã tiết chế được hơi thở cũng như âm thanh để xử lý những kỹ thuật hát legato (liền tiếng miết âm thanh), non legato (hát rời từng âm thanh nhưng tất cả vẫn nằm trong một quỹ đạo), staccato (đôi khi cũng sử dụng cả kỹ thuật hát nảy âm thanh)... Đó là chưa kể cách sử dụng cường độ của âm thanh để tạo nên âm hưởng lớn, trung bình và nhỏ của âm thanh, tạo nên những cảm giác từ tự sự nội tâm cho đến sự bùng nổ cảm xúc hoặc dào dạt bay bổng.
Nhưng nếu chỉ có bấy nhiêu khi thể hiện, vẫn sẽ có một bản audio sau khi hoàn thiện đầy tính lý trí. Trong khi, nhạc tìnhcần cảm xúc, cần đánh thức góc khuất nội tâm trong tâm hồn người nghe. Điều này thì không có giới hạn cho bất cứ nghệ sĩ nào, dòng nhạc nào khi thể hiện nhạc tình.
Quốc Hưng chia sẻ rằng cách làm album này cũng khá đặc biệt. Anh không đề ra kế hoạch thu âm như một lịch trình đã được lập từ trước mà sẽ đến phòng thu bất cứ lúc nào, miễn là khi tự nhiên trong người nổi hứng và muốn thể hiện. Bài thu cũng vậy, dựa vào cảm xúc hôm đó thích thể hiện bài gì.
Mỗi lần Quốc Hưng có mặt ở phòng thu của mình, nhạc sĩ Kiên Ninh sẽ là người trực tiếp bấm máy. Nhưng cả 2 không vội vàng bước ngay vào phòng thu mà ngồi ở phòng uống trà với không gian được bài trí màu trầm, đậm chất trà đạo cùng những dàn loa, bộ máy nghe nhạc từ những thập niên giữa thế kỷ 20. Cả 2 cùng trò chuyện, đàm đạo, hoặc thậm chí chỉ ngồi yên, nhấm nháp ly rượu nhẹ... Đến lúc thấy cần phải thả hồn vào âm nhạc rồi cả 2 sẽ bước vào phòng thu và làm nhiệm vụ của mình.
Cho nên, tất cả 10 bài trong album gần như chỉ thu 1 lần duy nhất, gần như không có sự can thiệp, chỉnh sửa quá tỉ mỉ chi tiết trong từng bài. Cả 2 nghệ sĩ đều cùng chung quan điểm đưa ra bản mix, master thật nhất với cảm xúc mà Quốc Hưng đã chạm vào được trong thời điểm ấy. Vì thế, khi nghe Gửi dĩ vãng, có thể ta sẽ thấy một Quốc Hưng rất khác, rất nội tâm, trữ tình, giàu cảm xúc và nhiều khi có thêm một tiếng nấc nhẹ ở trong đó.
Dẫu thế, nó chỉ rất khác so với Quốc Hưng của những tác phẩm âm nhạc kinh điển của nghệ thuật opera thế giới hay những khúc tráng ca của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, hay những ca khúc trữ tình về Hà Nội mà anh đã từng tạo được nhiều ấn tượng khi thể hiện. Song nó lại vẫn giữ được phong thái đạo mạo, sang trọng lại có sự gần gũi, như thể một lời tâm sự, chia sẻ.
Để tạo đà cho những điều ấy cũng cần phải nhắc tới những bản hòa âm dung hòa được 2 yếu tố kinh điển và đại chúng do Đức Nghĩa, Xuân Hiểu, Hà Trung đảm nhận.
"Quốc Hưng hát nhạc trữ tình này khiến cho bài hát có một màu sắc mới, chững chạc hơn, công thức hơn, chỉn chu hơn nhưng vẫn ngập tràn tình cảm, ngập tràn cảm xúc nội tâm" – nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.
Hãy cứ đi như thế
Chia vui với NSND Quốc Hưng nhân ra mắt dự án mới, tôi có share trên trang cá nhân video Anh còn nợ em, một trong những tác phẩm nằm trong dự án Gửi dĩ vãng. Chẳng lâu sau đó tôi nhận được cuộc gọi điện từ một người bạn nhạc ở khu vực phía Nam nói rất ngắn gọn: "Quốc Hưng hát nhạc xưa hay! Lạ quá".
Rồi cả nam ca sĩ Tuấn Hiệp cũng alo cho tôi sau khi chia sẻ status của tôi về trang cá nhân của mình. Tuấn Hiệp nói: "Nghe anh Hưng hát nhạc này phải nghe ở góc độ một nghệ sĩ thanh nhạc hát. Hay đấy Quang Long ơi!".
Chẳng phải đợi đến khi 2 người bạn gọi điện, bản thân tôi là người đồng hành trong hầu hết các dự án âm nhạc của NSND Quốc Hưng từ trước tới nay cũng đã rất ngạc nhiên đan xen với sự thú vị khi anh chia sẻ với tôi dự định thực hiện dự án này. Dẫu lạ, nhưng tôi ủng hộ lập tức.
Âm nhạc thì làm gì có giới hạn, làm gì có những bức tường ngăn cách. Bức tường là do chính chúng ta tự xây lên và dựng thêm cái barie chặn ngay lối vào suy nghĩ mỗi người. Nhưng sở dĩ nó vẫn tồn tại và sẽ luôn tồn tại là bởi không phải nghệ sĩ nào cũng dám từ bỏ sở trường để đi vào sở đoản, dù nó chỉ là một lần thực hiện nghiêm túc. Trong khi, có thể nghệ sĩ opera thì hát được nhạc tình, dân ca theo cách của họ còn chiều ngược lại thì không như thế.
Lý giải điều này cũng dễ thôi. Để trở thành nghệ sĩ hát thính phòng nhạc kịch, bắt buộc tối thiểu là phải nắm chắc kỹ thuật thanh nhạc, cho nên không thể bỏ qua quá trình đào tạo tại trường âm nhạc lớn. Trong khi, trước khi trở thành nghệ sĩ thính phòng nhạc kịch, người nghệ sĩ đã phải có tố chất, có giọng hát và từng hoạt động ca hát. Thậm chí như chính NSND Quốc Hưng trước đây đã từng gắn bó với nghệ thuật chèo, là kép chính của Nhà hát Chèo Hà Nội.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Không phải nghệ sĩ thính phòng nhạc kịchnào cũng đủ can đảm để hát những câu hát nhạc tình như thế này. Cho nên việc NSND Quốc Hưng "phá rào" và hát nhạc tình cũng tạo thêm sự phong phú cho đời sống âm nhạc đại chúng.
Quốc Hưng hát nhạc trữ tình này khiến cho bài hát có một màu sắc mới, chững chạc hơn, công thức hơn, chỉn chu hơn nhưng vẫn ngập tràn tình cảm, ngập tràn cảm xúc nội tâm. Tôi biết anh đã phải tiết chế bản thân nhiều khi thể hiện những ca khúc như thế này, còn với khán giả vẫn nhìn thấy đâu đó dấu ấn của một ca sĩ hát dòng nhạc kinh điển khi nghe ca khúc. Đó chính là nét riêng không trộn lẫn của NSND Quốc Hưng so với rất nhiều ca sĩ khác.
Và Anh còn nợ em mà tôi giới thiệu là một trong những thành quả có được từ dự án này.
Ê-kíp thực hiện CD "Gửi dĩ vãng"
Giám đốc âm nhạc: Kiên Ninh
Thu âm, Mix & Master: Kiên Ninh Studio
Hòa âm phối khí: Xuân Hiểu, Hà Trung, Đức Nghĩa
Guitar: Duy Phong
Dàn dây: Nguyễn Thị Vân Hạnh, Hồ Việt Khoa, Phạm Thanh Hà, Nguyễn Đinh Hương, Dương Thu Giang
Thiết kế bìa: Đỗ Bảo Trâm
Ê-kíp video album
Tổ chức sản xuất: Nguyễn Hải Thụy
Biên tập: Phan Thanh Cường
Đạo diễn: Lê Đại Phong
Biên đạo múa: Nguyễn Phú
Hậu kỳ: Việt Quốc - Ngọc Tiến
Phim trường: MP FLIM
Điểm: 9,0
Tags