NSND Trung Kiên: Nhớ “Chiến dịch Hồ Chí Minh bằng văn hóa nghệ thuật”

Thứ Ba, 28/04/2015 20:44 GMT+7

Google News

(thethaovanhoa.vn) - NSND Trung Kiên, một trong những người đã tham gia đợt biểu diễn lớn tại TP.HCM sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thành công - loạt chương trình mà theo NSND Trung Kiên, đó là “Chiến dịch Hồ Chí Minh bằng văn hóa nghệ thuật”.

Vào những ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 hàng năm, NSND Trung Kiên - một trong những "nhân chứng sống" trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khá bận rộn với các lịch biểu diễn. Trong nhạc mục biểu diễn của ông, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người (Trần Kiết Tường) là một trong những ca khúc mà mỗi khi ông hát, mọi người đều dâng trào những cảm xúc tự hào về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với NSND Trung Kiên.

Hát hay, nhờ tình cảm thiêng liêng

* Sức trường tồn của ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người trong lòng người Việt Nam sau nhiều năm và với chính giọng ca của mình, theo ông xuất phát từ đâu?

- Tôi nghĩ đó là cảm xúc. Ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người đã ra đời từ lâu, tôi cũng không thể nhớ hết những lần lên sân khấu hát ca khúc này nhưng cứ hát lên là được yêu mến!

Đây là ca khúc có ca từ hay, dễ nhớ, đặc biệt là có hình tượng âm nhạc về Bác Hồ rất cụ thể. Với chất liệu Nam Bộ, từ hình ảnh đồng bằng sông Cửu Long sông nước mênh mông đến tình cảm người dân miền Nam với Bác, rất chất phác, giản dị, dễ đi vào lòng người. Tuy nhiên, đây cũng là một ca khúc tương đối khó hát vì đòi hỏi tính chất hào sảng. Nếu không có hơi thở tốt, sẽ dễ hát vào "thế" ủy mị, ẻo lả, làm hỏng hình tượng tác phẩm.

Còn với mình, để hát được ca khúc này cho đến bây giờ, tôi nghĩ là vì tôi luôn giữ tình cảm thiêng liêng với Bác, hát với thái độ trân trọng. Có lẽ, nếu không giữ được tình cảm đó, khán giả sẽ chán tôi ngay.

* Trong những năm tháng bom đạn, vừa là nghệ sĩ, vừa là chiến sĩ, ông thực hiện hai nhiệm vụ đó như thế nào?

- Khi đó, tôi đang là đội trưởng đội ca của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam. Ở vị trí của người dẫn đầu, thì cứ được "hô" một cái là đi, từ Bắc vào Trung, từ Vĩnh Linh, Quảng Bình, đường 9 Nam Lào, tôi đi là chính.

Lúc đó rất đặc biệt vì cứ vào dịp lễ, Tết, phải đến 7 cái Tết tôi không về nhà. Nhưng đó là chuyện rất bình thường, không có gì là đau khổ dặt vặt. Thậm chí, khi đó, dù vợ tôi đang mang bầu mà cũng đòi đi theo tôi. Chỉ vì mong muốn được cống hiến, được đem niềm vui đến cho mọi người và cũng là niềm vui được biểu diễn của mình.


NSND Trung Kiên

Opera, giao hưởng của nền âm nhạc cách mạng

* Vậy ý nghĩa nhất với ông khi được cống hiến một phần cuộc đời nghệ thuật trong những năm tháng đó là gì?

- Tôi nghĩ, với cuộc sống thời nay đã khác nhiều, trả lời câu hỏi này trước hết là không thể áp đặt suy nghĩ cho giới trẻ. Còn với tôi hay những người cùng thời, tôi nghĩ chúng tôi rất hạnh phúc khi được trải qua quãng thời gian đó. Nói đơn giản là chúng tôi trưởng thành trong gian khổ của cuộc chiến tranh.

Làm sao có thể quên được những lần biểu diễn đặc biệt qua telephone cho khẩu đội trưởng vì họ không thể rời vị trí, về trại để nghe. Hay những lần biểu diễn mà chiếc đèn được để ngay cạnh hố để nghe thấy tiếng máy bay là úp ngay xuống chứ không, chết lúc nào không biết.

Đặc biệt là khi chúng tôi biểu diễn ở tuyến đường sang Lào. Đường ở đây không có gì bảo vệ, máy bay cứ sà sát vào đường là bắn. Trong khi, những người đi làm đường cho quân đội mình chở vũ khí, đạn dược là những nữ thanh niên xung phong không có súng phòng vệ, cuộc sống rất gian nan, thiếu thốn đủ thứ. Vậy mà đoàn văn công của chúng tôi đến là họ vui kinh khủng, có con gì nuôi được là đem ra thết đãi chúng tôi.

Những kỷ niệm đó giờ là quá khứ, là hồi ức và nhớ lại thì rất nhiều xúc động. Nhưng đó là với thế hệ chúng tôi, còn tuổi trẻ bây giờ, họ nghe chắc nghĩ là cổ tích!

* Sau rất nhiều chương trình tham gia biểu diễn chào mừng sự kiện 30/4, ông ấn tượng nhất với chương trình nào từ trước đến nay?

- Tôi nghĩ đó chính là chương trình nghệ thuật diễn ra ngay sau khi kết thúc cuộc chiến, chỉ khoảng sau 15 ngày giải phóng, khi đường phố vẫn còn ngổn ngang tàn tích của bom đạn. Chúng tôi đã mất hơn một tháng để chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật huy hoàng nhất diễn ra tại TP.HCM, hội tụ hầu hết các đoàn nghệ thuật của cả nước.

Giới văn hóa gọi đó là Chiến dịch Hồ Chí Minh bằng văn hóa nghệ thuật. Lúc đó, từ người dân đến báo chí nước ngoài còn ở  lại TP.HCM vẫn không hiểu tại sao chúng ta lại có thể có được một nền văn hóa nghệ thuật xã hội chủ nghĩa ấn tượng sâu sắc đến như vậy. Từ opera, giao hưởng đến ca khúc cách mạng... được biểu diễn từ Nhà hát Lớn đến khắp nơi trong thành phố.

Và từ hồi đó đến giờ, tôi chưa thấy có một chương trình nào đạt được quy mô và chất lượng nghệ thuật như vậy.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Lam Anh (thực hiện)


Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›