(Thethaovanhoa.vn) - Khi nói về nhân cách sống và hành trình nghệ thuật của NSƯT Công Ninh, có người nghĩ đến cụm từ “lặng lẽ, bền bỉ và đầy đam mê”. Anh chưa bao giờ ồn ào, rực rỡ trên đỉnh hào quang, nhưng tên tuổi Công Ninh có một giá trị khá bền vững trong lòng người hâm mộ.
Trên giảng đường, Công Ninh thường dạy học trò bằng câu châm ngôn của sân khấu Nga: “Nếu bạn nghĩ sân khấu là một thánh đường, xin hãy để đôi hài bẩn của bạn ở ngoài cửa”. Công Ninh sinh tháng Chạp năm Tân Sửu (1961), nhưng theo Dương lịch là tháng 1/1962. Tròn một “lục thập hoa giáp, Công Ninh đã trải qua rất nhiều những thăng trầm, xen lẫn giữa niềm vui và nỗi buồn.
Giỏi toán, nhưng mê nghệ thuật
Thuở nhỏ, anh phải đi bán dạo đồ ăn vặt và làm nhiều việc để phụ giúp gia đình. Dẫu vậy, anh học rất giỏi, đặc biệt là môn toán, nên được tuyển vào lớp chuyên toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP HCM. Do học giỏi các môn khoa học tự nhiên, nên mẹ khuyên nên thi vào Đại học Bách khoa. Thế nhưng, anh lại lén thi vào Trường Nghệ thuật sân khấu 2, nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.
Anh nhớ lại: “Hồi nhỏ, mỗi khi nghe nghệ sĩ Thanh Nga và Thanh Sang hát, tôi mơ màng chìm vào cảm xúc của họ. Tôi thấy sao nghệ thuật đẹp quá. Tôi ước ao mình sẽ trở thành một phần nhỏ của sân khấu để làm giàu thêm cái đẹp trong khu vườn nghệ thuật ấy”.
Lúc đó, dẫu chưa được rèn luyện, nhưng Công Ninh đã có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh, nên đậu á khoa thi tuyển đầu vào. Thời gian học tại Việt Nam, anh ở ký túc xá ăn uống thiếu thốn, kham khổ nhưng rất ham học, học nghiêm túc. Tốt nghiệp xuất sắc, Công Ninh được cử sang Liên Xô du học ngành đạo diễn sân khấu. Thời gian đầu, lá phổi anh yếu không chịu đựng được thời tiết lạnh, lại thức khuya, hút thuốc nhiều, sức khỏe sa sút. Điều này khiến cho gương mặt anh trở nên góc cạnh, khắc khổ, đánh mất vĩnh viễn vẻ đẹp tròn đầy của thời thanh niên. Đó là lý do vì sao khán giả luôn thấy nhân diện các nhân vật mà Công Ninh hóa thân đều thấm đẫm nỗi khắc kỷ, khổ đau, mất mát.
Trở về nước năm 1990 với tấm bằng thạc sĩ nghệ thuật, Công Ninh lâm vào cảnh thất nghiệp, trong khi nhiều bạn cùng tuổi, hoặc trẻ hơn đã nổi tiếng. Thời điểm đó, sân khấu còn là một khu vườn hẹp. Phim truyền hình cũng ít ỏi, phim màn ảnh rộng càng khan hiếm, nên nghệ sĩ rất ít cơ hội tỏa sáng. Dẫu ít đất dụng võ, anh chưa từng nghĩ đến tình huống mình sẽ rời xa nghệ thuật, vì anh biết rằng mình sẽ không thể sống mà thiếu sân khấu và màn ảnh. Trong thời gian vẫn còn loay hoay chưa biết sẽ đi về đâu, anh được nhận về giảng dạy tại Trường Nghệ thuật sân khấu 2. Tại đây, anh nổi bật trong vai trò của một người thầy, góp phần tạo nên nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ tài năng.
Niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng trong trái tim Công Ninh cũng đến mùa trổ quả. Anh được mời đạo diễn vở Dạ cổ hoài lang của cố NSƯT Thanh Hoàng. Các nghệ sĩ tham gia vở này là những tên tuổi đang ăn khách và đầy cá tính như Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Vân, Quốc Thảo… nên ai ngồi vào ghế đạo diễn đều phải gặp áp lực lớn. Công Ninh cũng thế. Cuối cùng anh đã vượt qua áp lực tâm lý, góp sức tạo nên một vở kịch có thể gọi là kinh điển của sân khấu phía Nam. Kể từ đó, cái tên Công Ninh bắt đầu tỏa sáng.
Đậm chất phong trần nghệ sĩ
Có vẻ hơi khập khiễng khi so sánh Công Ninh với những ông đồ Nho thanh liêm thời xưa. Thế nhưng, bản thân anh và các ông đồ xưa có điểm rất tương đồng, đó là tài năng, khiêm cẩn, thanh sạch.
Về sau này, anh chinh phục công chúng qua hàng loạt vai diễn ở các phim như Ai xuôi vạn lý, Cha con đậu đũa, Tôi vào đời, Đời cát… Các nhân vật mà anh hóa thân đều nghèo, nhưng nghĩa khí, tử tế và chan chứa tình người.
Ngoài đời, Công Ninh cũng thế, anh chỉ biết đam mê nghệ thuật. Dù khá nổi tiếng, nhưng tổng thu nhập của anh hơi khiêm tốn, nên anh thường xuyên xuất hiện ở các tiệm cơm bình dân, ở nhà ăn tập thể, đi xe gắn máy khắp nơi, ăn mặc giản dị, đậm chất phong trần nghệ sĩ. Đặc biệt, gần như anh không để mình rơi vào bất cứ một tai tiếng nào.
Nói về điều này, Công Ninh chia sẻ: “Với tôi, hai chữ nghệ sĩ rất thiêng liêng. Nghệ thuật là một thứ đạo, còn nghệ sĩ là tín đồ. Người tín đồ phải hết sức cẩn trọng để xứng đáng với ngôi đền thiêng. Chính vì vậy, tôi cố gắng sống thật tử tế. Tôi chưa từng mơ mộng sẽ được giàu có. Kiếm đủ tiền để có 2 bữa cơm, để được sống với nghệ thuật là vui quá rồi”.
- Về miền biển mặn say đắm bản tình ca bất hủ 'Dạ cổ hoài lang'
- Một thế kỷ say đắm bản tình ca bất hủ 'Dạ cổ hoài lang'
Công Ninh cũng là người rất tự trọng. Cách đây hơn 5 năm, khi sức khỏe anh có vấn đề nghiêm trọng, bác sĩ kết luận anh bị bệnh phổi. Để bảo vệ cho đồng nghiệp, anh quyết định cách ly tại nhà. Nhiều tháng liền không đi làm, mất thu nhập, nhưng anh vẫn cố ở nhà. Bạn bè thân quý ngỏ ý sẽ tổ chức một buổi diễn văn nghệ quyên góp hỗ trợ, anh nhất quyết từ chối. Anh không muốn công chúng nhìn người nghệ sĩ bằng ánh mắt thương hại. Và anh đã vượt qua một cách kiên cường.
Giờ đây, cơn dịch bệnh khiến nhiều nghệ sĩ thất nghiệp, anh là trụ cột của gia đình, có trách nhiệm nuôi vợ và con, nhưng anh vẫn rất bình tĩnh, nhẹ nhàng nhìn mọi thứ diễn ra. “Tất cả mọi người đều gặp khó khăn, chứ riêng gì nghệ sĩ. Ai cũng phải chiến đấu để vượt qua thách thức lớn này. Cũng có người ngỏ ý muốn giúp đỡ lúc này, nhưng tôi từ chối. Chúng tôi sẽ cố gắng đến khi nào không còn đủ khả năng thì thôi” - Công Ninh nói.
Vì đã từng chết đi sống lại vì bệnh phổi, nên Công Ninh cảm nhận được nỗi đau của những bệnh nhân mắc Covid-19, một loại virus cũng tấn công vào phổi. Vì vậy, anh luôn tuân thủ tất cả các hướng dẫn của cơ quan y tế để tự bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng. Dù anh vẫn chưa được tiêm vaccine, nhưng anh vẫn thong thả chờ đợi, không nôn nóng, lo sợ. Anh luôn tin rằng ngay lúc này đây sự bình tĩnh là yếu tố quan trọng giúp mọi người an toàn vượt qua khó khăn.
Nguyễn Huy
Tags