(Thethaovanhoa.vn) - Người ta gọi đạo diễn Hoa Hạ là “nữ tướng” theo nhiều nghĩa, mà hình như nghĩa nào cũng đúng. Chị đã để lại một dấu ấn sâu đậm cho sân khấu kịch và cải lương suốt hơn 40 năm nay.
Hoa Hạ tên thật là Ánh Phượng, quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang, cái nôi của cải lương, nơi sản sinh ra nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: nghệ nhân Nguyễn Tống Triều, GS Trần Văn Khê, NSND Năm Phỉ, NSND Bảy Nam, NSND Năm Châu, NSND Trần Hữu Trang, NSND Phùng Há… Năm 12 tuổi Hoa Hạ vừa sáng tác ca khúc, rồi ôm đàn hát luôn trong các lần văn nghệ tại trường. Lên học cấp 3, Hoa Hạ nổi tiếng với tài dàn dựng các tiết mục văn nghệ.
Sau đó, Hoa Hạ thi vào trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) khoa đạo diễn và đỗ thủ khoa. Năm cuối ở trường, chị lén đi thi và đạt giải nhất “Đơn ca mùa xuân” với nghệ danh Hoa Hạ để nhà trường không phát hiện. Thanh sắc đủ đầy, ca hay diễn giỏi, nên vừa tốt nghiệp là đoàn kịch Cửu Long Giang “bắt” về luôn. Từ đây, con đường nghệ thuật của Hoa Hạ thênh thang rộng mở.
Từ cô đào đẹp đến đạo diễn lẫy lừng
Hoa Hạ hồi đó rất đẹp. Tôi còn nhớ hình ảnh của chị mềm mại trong nhiều vở tuồng, mà những trang báo chị lưu giữ cũng có nhiều ảnh chụp một cô đào tuyệt đẹp. Cho nên Hoa Hạ được phân công nhiều vai chính trong kịch, sau đó lấn sang phim ảnh, như Con mèo nhung, Miền đất phúc… Rồi chị chuyển sang đoàn kịch Bông Hồng, gây dấu ấn tượng trong Cô gái ngồi trên gốc cây gãy, Tiếng nổ lúc 0 giờ… Sau đó chị được mời dựng vở, đúng với chuyên ngành chị đã học.
Vở kịch gây tiếng vang lúc bấy giờ là Lôi Vũ dựng năm 1987 ở sân khấu 5B Võ Văn Tần có thể nói là một khúc quanh quan trọng để người ta nhận ra một Hoa Hạ rất khác, cực kỳ mạnh mẽ, chịu chơi tới cùng. Lôi Vũ lúc ấy với một ê kíp nghệ sĩ trẻ măng như Thành Lộc, Minh Trang, Việt Anh, Phương Linh, Hữu Châu, Hồng Vân… thật sự là một nỗ lực. Đặc biệt Hồng Vân cứ tập hoài không được, Hoa Hạ phải dùng mọi dỗ dành lẫn áp lực để ép cô gái trẻ vào cuộc. Kết quả, Hồng Vân bật lên tuyệt vời trong vai Thị Bình. Lôi Vũ là một dấu ấn rực rỡ trong cuộc đời Hoa Hạ lẫn các nghệ sĩ của 5B. Mỗi lần nhắc đến Lôi Vũ, Hoa Hạ tức cười: “Hồi đó tôi cũng trẻ như các bạn ấy thôi, chỉ nhỉnh hơn chút tuổi, nhưng máu lửa quá, hét ầm ầm trên sàn tập, chửi luôn Hồng Vân mới ghê chứ. May là các bạn nghệ sĩ cũng máu như tôi, nên cứ nhào vô làm, say sưa, đắm đuối”. Những ngày sân khấu lương không cao, nhưng nghệ thuật đúng là thánh đường cho người ta dốc tất cả niềm tin yêu và nồng nhiệt.
Và điểm đặc biệt của Hoa Hạ, là hễ dựng tuồng là… bán tài sản. Hồi dựng Lôi Vũ, chị bán chiếc xe máy, tài sản duy nhất của mình. Rồi bán vé có lãi, thu lại mua xe mới. Đến vở Vợ thằng Đậu, chị cũng góp 50% vốn liếng đầu tư. Đến 2007 và 2008 Hoa Hạ cho nổ “hai quả bom” là vở cải lương Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga, mà vở nào chị cũng bán đất, bán vàng để đầu tư trong sự hồi hộp của bao người, vì hồi ấy nghe nói bạc tỉ là kinh khủng lắm.
Sau khi lấy vốn lại rồi, Hoa Hạ mới hoàn hồn kể: “Ngồi chờ Nhà nước hoặc người khác đầu tư thì biết đến bao giờ. Tánh của tôi hễ nghĩ là phải làm liền. Mà mình tự đầu tư thì mình tự do làm theo ý mình, khỏi ai chi phối”. Đúng là nhờ tự do làm mà Hoa Hạ mới có thể làm “khác người”. Chưa ai dám đem cải lương kết hợp với nhạc giao hưởng, cũng chưa có ai dựng cải lương với gần 500 nghệ sĩ lẫn diễn viên múa, nhân viên hậu đài, âm thanh, ánh sáng... Thế mới gọi đó là “hai quả bom” nổ tung dư luận thời ấy. Khen chê không kể xiết. Nhưng cuối cùng thì hai vở ấy vừa có lãi vừa có danh tiếng, Hoa Hạ thắng từ cả hai phía.
Thật ra hồi ấy Hoa Hạ không nghĩ nhiều đến lợi nhuận mà chỉ nghĩ huề vốn là may, miễn sao chị thỏa sức thể nghiệm. Chị nói: “Cải lương xuống dốc kinh khủng, nên tôi cố nghĩ ra cách đổi mới cho nó. Cách nào thì phải đem ra thử mới biết ăn thua, chứ ngồi nói lý thuyết sao mà biết được kết quả”.
Đúng là có gan thử nghiệm thì có gan chấp nhận thành bại. Có thể thử nghiệm không thành công, nhưng đó cũng là kinh nghiệm cho người sau. Cải lương kết hợp với nhạc giao hưởng chỉ dừng lại ở Kim Vân Kiều, không tiếp tục phát triển, nhưng dấu ấn lạ lùng của nó cũng khiến người ta nhớ mãi. Thể nghiệm chính là tìm con đường mới cho cải lương sống sót, thắng hay thua thì chúng ta cũng trân trọng tinh thần quả cảm ấy. Bạc tỉ là cả một gia tài tích góp gian khổ, mà dám bỏ ra vì tình yêu nghệ thuật thì Hoa Hạ đúng là máu lửa.
Tiếp tục con đường cải lương hoành tráng
Sau hai vở cải lương Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga, Hoa Hạ trở thành một đạo diễn được các tỉnh mời dàn dựng lễ hội rất nhiều. Bởi người ta nể phục một “nữ tướng” có thể đảm đương mấy trăm người trên một sân khấu to lớn như thế. Lúc Hoa Hạ tập tuồng, tôi có đến xem, và chóng mặt bởi sàn diễn to và số lượng nghệ sĩ lẫn nhân viên đông gấp chục lần bình thường. Họ hát, họ diễn, họ đu bay, múa, thử đèn, xếp cảnh… giống như một công trường nhộn nhịp.
Hoa Hạ tả xông hữu đột cả ngày lẫn đêm, cầm micro hò hét, chân chạy khắp nơi, kiểm tra từng chi tiết… Giọng chị dần khản đặc, hầu như không ăn gì nổi, chỉ uống nước cầm hơi. Nhưng cái dáng chắc nịch, khỏe mạnh ấy làm người ta tin cậy. Thì ra Hoa Hạ có học võ, cho nên chị mới đủ sức chống đỡ. Vì vậy, khi dàn dựng lễ hội, chị có thể quản lý cả một quảng trường to rộng với hàng nghìn con người, và đó là những năm chị có thu nhập rất cao.
Nhưng Hoa Hạ vẫn nhớ sân khấu, thế là chị tiếp tục lao vào dàn dựng. Chị có thể tự viết kịch bản, vì vậy nhiều vở diễn giá trị đã ra đời, như Trung thần, Đam mê và quyền lực xuất hiện hoành tráng trên nhà hát Bến Thành, và còn nhiều kịch bản lịch sử chị đang ấp ủ. Tính chị là không chịu làm nhỏ, dựng vở nào cũng phải thật to và lộng lẫy mới chịu.
Hoa Hạ còn làm giám khảo cho nhiều giải thưởng, như Chuông vàng Vọng cổ, với những nhận xét sâu sắc về nghề. Đặc biệt, ở Hoa Hạ là một phẩm chất cương trực, chị từng có một câu nói để đời: “Thà người ta ghét tôi chứ không thể khinh tôi”. Đúng là “nữ tướng” này có nhiều người thích cũng có nhiều người ghét. Nhưng một cá tính như thế mới làm nên những điều táo bạo như thế. Thôi thì, ông trời đã sắp đặt hết rồi, chúng ta cứ chấp nhận đi. Hãy nhìn vào những dấu ấn sân khấu mà Hoa Hạ dâng tặng cho đời, đủ để mến yêu một tài năng.
(Hỏi đáp về quá khứ - hiện tại - tương lai) * Chị có hài lòng về cuộc sống hiện tại không? - Tôi rất hài lòng. Thật sự tôi không phải dạng người bon chen cố giành việc cho bằng được, nhưng cuối cùng thì công việc của tôi vẫn không thiếu và vẫn trôi chảy. Tôi cũng không cần quá xa hoa, chỉ vừa đủ sống là đã vui. À, giờ tôi vẫn thích xem phim hoạt hình đó nha. Tuổi thơ tôi quá khốn khó, tôi không có một món đồ chơi nào, có lẽ chính vì vậy mà mãi cho tới lớn tôi vẫn thích nhìn đồ chơi, vẫn thích xem phim hoạt hình như một sự bù đắp gì đó không hiểu nổi. * Nếu quay trở về thời “Kim Vân Kiều” và “Chiếc áo thiên nga” thì chị sẽ như thế nào? - Chắc tôi cũng lao vào y như thế. Sau này nghĩ lại mà giật mình, không tưởng tượng nổi mình “gan” dữ vậy. Nhưng tánh tôi kỳ lắm, hễ ưng cái gì là nhào vô làm bất chấp sợ hãi. Bây giờ mà “nổi máu” lên thì cũng “chơi” tới cùng. Nhưng tôi đã có nhiều kinh nghiệm hơn, nên chắc sẽ làm tốt hơn. * Chị mong muốn điều gì cho sân khấu? - Tôi chỉ mong lãnh đạo quan tâm nhiều hơn. Sân khấu không thiếu người tài, từ tác giả, đạo diễn, diễn viên… nhưng do không có ai tạo cho nó một bệ phóng, một chủ trương, chính sách. Nhà nước cứ để cho chúng tôi tự xoay sở, thì làm sao sân khấu tồn tại một cách lâu dài và có tầm kia chứ. Đặc biệt sân khấu xã hội hóa, như đứa con đã được chúng tôi khó nhọc đẻ ra rồi, thì ít nhất lãnh đạo phải có kế hoạch đầu tư một phần, tiếp hơi cho nó lớn, chứ cứ thiếu sữa thì nó èo uột là đương nhiên. |
Hoàng Kim
Tags